Nguyễn Quang Dy - Câu chuyện đầu năm mới 2017: Đổi mới Tư duy quản trị - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Nguyễn Quang Dy - Câu chuyện đầu năm mới 2017: Đổi mới Tư duy quản trị


Kỳ Duyên: Vào đúng thời khắc Giao thừa, chuyển sang năm mới 2017, tác giả Nguyễn Quang Dy gửi cho Blog KD/KD một bài viết rất hay bàn về một vấn đề “hóc búa” nhất của sự phát triển Quốc gia- Đổi mới tư duy quản trị. Như t/g nói- là một món quà nhỏ để chia sẻ với bạn đọc nhân dịp đầu năm mới. Xin trân trọng đăng tải bài viết.

.Cảm ơn tác giả Nguyễn Quang Dy. Xin chúc t/g năm mới sức khỏe, có nhiều bài viết trí tuệ, cống hiến cho bạn đọc, và luôn an lành, may mắn, hạnh phúc

anh-tet-tay

 “Một đất nước muốn phát triển, đất nước đó cần phải được quản trị tốt; một doanh nghiệp muốn lớn mạnh, doanh nghiệp đó cần phải được quản trị tốt” (Peter Drucker)

Năm con khỉ sắp qua, năm con gà sắp tới. Như đến hẹn lại lên, người Việt lại đang hối hả đón năm mới như bị rượt đuổi hay bị ăn bớt mất thời gian. Bên cạnh bao lo âu riêng cho cuộc sống gia đình, người Việt không khỏi thấp thỏm vì vận nước. Nếu năm 2016 đầy các sự kiện bất ngờ, thì năm 2017 tiềm ẩn nhiều bất an và bất định khó lường.

Hiện tượng Brexitism và Trumpism đã tạo ra một cơn địa chấn chính trị toàn cầu, rung hồi chuông báo động về khủng hoảng thể chế tại nhiều nước, đòi hỏi phải đổi mới tư duy quản trị. Nước Mỹ và thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, để bước sang trang mới đầy thách thức và bất định. Đây là một chuyển biến có quy mô toàn cầu.

Tại sao hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ lại thua Donald Trump? Tại sao hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản và giải thể? Có lẽ quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp là nguyên nhân chính (bên cạnh các nguyên nhân khác). Đã đến lúc Việt Nam phải đổi mới “vòng hai” (reform 2.0), như cách đây 30 năm khi ông Nguyễn Văn Linh phát động đổi mới “lần đầu”, với khẩu hiệu “đổi mới hay là chết” và “hãy tự cứu mình…”

Đổi mới cái gì 

Có thể nói năm 2017 sẽ là năm “đổi mới hay là chết”. Đổi mới thể chế vốn là một nhu cầu tất yếu, giống như quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”. Cải cách kinh tế tại Việt Nam đã trải qua gần ba thập kỷ, nay các động lực cải cách không còn đủ để đáp ứng những thách thức phát triển mới, nếu không muốn nói là đã bị vô hiệu hóa và triệt tiêu.

Một cơ thể ốm yếu do mắc bệnh kinh niên hiểm nghèo, cần được giải phẫu vì để lâu quá tính mạng khó an toàn. Muốn đổi mới thể chế thành công, phải đổi mới tư duy (là khâu khó nhất). Einstein đã từng nói. “Bạn không thể giải quyết vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra nó”. Một lần, khi trao đổi với một chuyên gia về quản trị: làm thế nào để thay đổi tư duy, anh ta chỉ tay lên trời, “việc đó tùy thuộc vào ý chúa, không phải chúng ta”.

Thay đổi tư duy vô cùng khó, nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta cần tư duy sáng tạo và khác biệt để “biến điều không thể thành có thể”. Tư duy “truyền thống” theo đường mòn “quy trình”, ẩn náu “bên trong cái hộp”, nay không còn phù hợp nữa.

Donald Trump đã thắng và trở thành tổng thống Mỹ thứ 45, vì ông ấy không làm theo “đúng quy trình” mà thay đổi “quy trình” bằng tư duy đột phá.  Chỉ bằng tweet cá nhân, ông Trump có thể làm thị trường chứng khoán chao đảo, các tập đoàn và chính phủ các nước đau đầu. Trump ứng dụng công nghệ truyền thông mới làm đảo lộn trật tự cũ. Có lẽ đó là điều mà Bill Gates nhận ra và đánh giá cao triển vọng của con người bất trị này. Chính Bill Gates cũng không làm theo “quy trình”, nên mới trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới.   

 Đổi mới “lần đầu” ở Việt Nam chủ yếu là đổi mới các thành phần kinh tế theo quy luật thị trường. Đổi mới “vòng hai” chủ yếu là đổi mới thể chế chính trị, để tháo gỡ “các điểm tắc nghẽn” làm bất cập giữa kinh tế thị trường và “định hướng XHCN”. Đối với một xã hội chuyển đổi, khủng hoảng nhân cách có lẽ là đặc thù lớn nhất. Để quản trị quốc gia, khủng hoảng hệ tư tưởng là ách tắc lớn nhất. Trong quản trị doanh nghiệp, đổi mới tư duy quản trị theo “đúng quy trình” có lẽ là yêu cầu cấp bách nhất hiện nay.  

Trong bối cảnh đó, phải đổi mới “vòng hai”, bắt đầu từ nông nghiệp (chứ không phải từ công nghiệp),  lấy đồng bằng Nam Bộ làm nơi thí điểm, với sáng kiến “Mekong Connect” gồm 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp). Muốn “định vị Việt Nam” trong chuỗi giá trị toàn cầu, phải đổi mới thể chế để xóa bỏ “các điểm tắc nghẽn” (như đề xuất của nhóm chuyên gia quốc tế “Sáng kiến Việt Nam”). Phải đoạn tuyệt với tư duy “tiệm tiến” (gradualism) và “đặc thù” (exceptionalism) đã cản trở tư duy đột phá.   

Muốn “thương mại hóa” và hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới và quản trị mới, để tham gia phân khúc thị trường cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, phải xóa bỏ “hạn điền” (do cơ chế sở hữu đất đai lỗi thời) như cái vòng kim cô kìm hãm sản xuất nông nghiệp hiện đại quy mô lớn. Vì làm “đúng quy trình” theo truyền thống, Việt Nam đã tụt hậu so với các nước láng giềng, phải sang Thailand và Campuchia học tập kinh nghiệm trồng lúa. Đã đến lúc “đổi mới hay là chết” và “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.  

Đổi mới thế nào 

Đổi mới quản trị (management innovation) khác với lý thuyêt quản trị sự thay đổi (change management) mà John Kotter đã đề xuất với “mô hình thay đổi 8 bước”. Lý thuyết John Kotter (Leading Change) đã được giảng dạy và ứng dụng cho quản trị điều hành trong mấy thập kỷ. Đến nay, nếu chưa lỗi thời, thì nó cũng không còn hiệu quả như trước, vì thời thế đã thay đổi. Gary Hamel đề xuất lý thuyết đổi mới quản trị triệt để hơn (xem Gary Hamel, “The Future of Mangement”, 2007 và “What Matters Now”, 2012).     

Hamel lập luận rằng các mô hình quản trị “hiện đại” là những phát kiến quan trọng của con người trong hơn một thế kỷ qua, để chuyên môn hóa và tiêu chí hóa hệ thống vận hành theo những “quy trình quản trị truyền thống”. Nhưng mô hình đổi mới quản trị khác biệt với các quy trình và tập quán quản trị truyền thống. Thách thức lớn nhất để thay đổi quản trị triệt để là phải có tư duy thực sự đổi mới. Câu hỏi căn bản để phân định sự khác biệt mà Gary Hamel đặt ra là “bạn có thực sự nghiêm túc đổi mới hay không”. 

Đổi mới quản trị đòi hỏi bốn yếu tố: (1) Tư duy mới (fresh thinking) để tháo gỡ vướng mắc nan giải; (2) Nguyên lý hay cách nhìn mới (new paradigms) có hiệu lực soi sáng cho cách đề cập mới; (3) Thận trọng xóa bỏ những tập quán giáo điều đã kìm hãm tư duy sáng tạo; (4) Những ví dụ và so sánh để giúp xác định những giải pháp khả thi. 

Nói cách khác, để tháo gỡ những vấn đề căn bản và nan giải, cần một tầm nhìn mới với tư duy đột phá “phi truyền thống” (unconventional thinking) thường đến từ “ngoài lề” (the fringe). Tư duy sáng tạo của con người là then chốt để đổi mới quản trị, cũng như các yêu cầu đổi mới khác. Muốn đổi mới “quản trị vòng hai” (Management 2.0), phải “thay đổi hệ thống” chứ không phải chỉ “làm chủ hệ thống” (Change the system, not to own the system). Theo Gary Hamel, muốn quản trị điều hành hiệu quả trong thế kỷ 21, phải phân biệt rõ giữa “lãnh đạo” (leadership) và “quyền lực hành chính” (bureaucratic power).

Gary Hamel và các nhà tư tưởng đổi mới quản trị khác cho rằng tình trạng quản trị hiện nay không theo kịp những biến đổi đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, làm cho những công cụ quản trị được nghĩ ra trong thế kỷ trước trở nên lỗi thời và vô hiệu hóa, thậm chí phản tác dụng trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa (hoặc “hậu toàn cầu hóa”). Cần phải sáng tạo ra cách quản trị mới, vì 2/3 những công cụ quản trị cũ đã lỗi thời, không theo kịp thời đại và không đáp ứng được những thực tế mới và đòi hỏi mới về quản trị. 

Thay lời kết

Cánh đây đã lâu, Peter Drucker (một nhà quản trị lỗi lạc) nói, “Hệ thống giáo dục truyền thống luôn dạy cho người học một thế giới không còn tồn tại… Ba mươi năm nữa, các khuôn viên đại học sẽ chỉ còn là phế tích. Chúng ta phải bắt đầu giảng dạy cho các lớp học ở bên ngoài trường đại học, qua vệ tinh và video hai chiều, với chi phí thấp nhất.”

Thực ra viễn cảnh theo tầm nhìn của Peter Drucker ngày nay đang diễn ra rồi, như một thực tế mới.  Tư duy đổi mới quản trị của Drucker nay đã được những nhà cải cách giáo dục vận dụng còn táo bạo hơn. Trong một bài diễn văn đọc tại một buổi lễ tốt nghiệp cách đây vài năm, bà Drew Gilpin Faust (Chủ tịch Harvard) đã nhấn mạnh (trích tóm tắt), “Nhiệm vụ của chúng ta là làm đảo lộn các định kiến, làm cho những gì đã quen thuộc trở thành xa lạ… làm cho giới trẻ lạc hướng và giúp họ tìm cách định hướng lại mình”.

Muốn đổi mới quản trị, phải thay đổi tư duy “truyền thống”. Để đào tạo một thế hệ quản trị mới, không nên nhồi nhét kiến thức theo “quy trình cũ”, vì Socrates đã nói, “Giáo dục không phải là đổ đầy bình, mà là châm một ngọn lửa”. Nếu điều tiền nhân đã dạy cách đây 2 thế kỷ mà người ta vẫn chưa hiểu, thì đành tự an ủi rằng, “Chỉ có hai điều vô hạn là vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không dám chắc về điều thứ nhất” (Einstein).

Nguyễn Quang Dy 1/1/2017

(Blog Kỳ Duyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad