Việt Nam tìm bạn mới để tránh bị hút vào cuộc đọ sức Mỹ-Trung - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Việt Nam tìm bạn mới để tránh bị hút vào cuộc đọ sức Mỹ-Trung


media
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) vỗ tay sau buổi ký kết thỏa thuận. Ảnh ngày 16/01/2017 tại Hà Nội. Reuters
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quan hệ thương mại và an ninh mạnh mẽ hơn với các nước như Ấn Độ, Pháp và Nhật Bản. Theo phân tích của nhà báo James Hookway trên tờ Wall Street Journal ngày 17/01/2017, Hà Nội đang sử dụng lá bài đối tác an ninh và thương mại để gia tăng các mối quan hệ ở châu Á và xa hơn nữa, để khỏi bị lôi cuốn vào tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khi ông Donald Trump nhậm chức.

Nhà báo Mỹ nhận xét : Động thái này là dấu hiệu cho thấy là các nước châu Á đang phải thích nghi đường lối sau khi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP của ông Obama sụp đổ, và không rõ là chính quyền mới ở Mỹ sẽ theo phương hướng nào đối với khu vực.

Sau các chuyến viếng thăm của lãnh đạo Pháp và Ấn Độ trong những tháng gần đây, thì đến lượt thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp lãnh đạo Việt Nam vào thứ Hai 16/01 bàn về kinh doanh và an ninh.

Theo ông Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam, giảng viên trường đại học Leiden (Hà Lan), « nhu cầu phát triển một cách nghiêm túc các quan hệ chiến lược xuất phát từ việc ông Donald Trump được bầu lên », và nhân vật này vẫn còn là một « ẩn số ».

Đặt Hà Nội vào trung tâm càng nhiều hiệp định thương mại và an ninh càng tốt

Các viên chức Việt Nam nói là chiến lược hiện nay là đặt Hà Nội vào trung tâm của càng nhiều hiệp định thương mại và an ninh càng tốt, đồng thời giảm căng thẳng với Trung Quốc khi có thể.

Bài báo nhắc lại : Trong một thông cáo vào đầu tháng này, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nói rõ : « Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách hữu hảo với tất cả các nước, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ trên cơ sở độc lập, tự chủ và luật pháp quốc tế ».

Việc có thêm đối tác đặc biệt cần thiết đối với Việt Nam. Trong những thập niên gần đây quốc gia cộng sản này đã chuyển mình thành một nước thương mại và rất cần sự tự do hàng hải ở Biển Đông. Giới kinh tế cũng nêu bật Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, sẽ mở cửa và giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường Mỹ vốn đang là thị trường lớn nhất.

Đối với Mỹ, Việt Nam là một đối tác kinh tế phát triển nhanh, và cũng là một đồng minh quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải ngoài khơi Việt Nam, sao cho không bị ảnh hưởng thương mại cũng như quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc cản trở.

Nỗ lực Mỹ -Việt

Tháng 7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng Sản Việt Nam đến Nhà Trắng và gặp tổng thống Mỹ Obama. Tháng 5 vừa qua thì đến lượt Barack Obama viếng thăm Việt Nam và bãi bỏ cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập niên. Động thái này được xem như một nỗ lực đưa cả hai nước thoát hẳn khỏi quá khứ chiến tranh Việt Nam. Không lâu sau đó thì tàu chiến Mỹ ghé cảng Cam Ranh. Đây là lần đầu tiên từ ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Chính quyền mới ở Mỹ có thể có một cách tiếp cận ‘diều hâu’ hơn đối với Trung Quốc và sẽ có lợi đối với Việt Nam. Trong cuộc điều trần ở Thượng Viện, Rex Tillerson người được đề cử đứng đầu ngành ngoại giao đã cho là phải ngăn không cho Trung Quốc đến các đảo mà họ mới bồi đắp ở Biển Đông. Tuy nhiên, chủ trương của tân chính phủ Mỹ muốn thúc đẩy hoạt động công nghiệp ngay trên lãnh thổ Mỹ có thể tác hại đến Việt Nam.

Nhật - Ấn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam

Trong các trao đổi không chính thức, các quan chức Việt Nam nói là họ không rõ là phải chờ đợi cái gì. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập mạng lưới chằng chịt của những liên minh về an ninh, thương mại để đưa thêm nhiều tàu hải quân ngoại quốc đến khu vực và giúp duy trì tự do thông thương trên biển là chọn lựa ngày càng được xem là đúng đắn nhất.

Tại Hà Nội hôm 16/01, thủ tướng Nhật Abe thông báo sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, cộng thêm vào số 6 chiếc đã cung cấp trước đây và cho là điều đó sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển trong vùng lãnh hải của mình. Ông Abe chủ trì việc ký kết một loạt thỏa thuận đầu tư và thiết lập liên doanh, trong đó có đầu tư của Mitsubishi vào một nhà máy nhiệt điện.

Thủ tướng Nhật nói rõ : « Hòa bình và thịnh vượng của khu vực tùy thuộc vào việc các vùng biển có được mở cho tự do lưu thông hay không. Chúng tôi sẽ làm việc cùng với Việt Nam để những nguyên tắc ứng xử cơ bản trên biển – tự do hàng hải, tôn trọng pháp quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp – được xác lập một cách vững chắc. »

Trong một dấu hiệu là Nhật Bản có thể tiếp tục chính sách như là đối với Việt Nam, ông Abe đã đến thăm Philippines, Úc và Indonesia vào tháng này.

Trước thủ tướng Nhật Bản, thủ tướng Ấn Độ đã thăm Việt nam vào tháng 9, và có thỏa thuận mới về an ninh, Ấn Độ cũng đã đồng ý huấn luyện phi công chiến đấu cơ Việt Nam. Ngoài ra Ấn Độ cũng thương lượng việc bán hỏa tiễn cho Việt Nam, cụ thể là loại địa đối không Akash, như báo chí Ấn tiết lộ.

Tổng thống Pháp François Hollande cũng đến Việt Nam vào tháng 9, bàn về thương mại với hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu, trên nguyên tắc có hiệu lực vào đầu năm tới.

Trung Quốc vẫn được xem trọng

Chiến lược của Việt Nam có khả năng làm Trung Quốc bực mình. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, đã nêu lên mối quan ngại là việc mua bán hỏa tiễn giữa Việt Nam và Ấn Độ « có thể nhắm vào Trung Quốc » và gây bất ổn trong khu vực. Theo tờ báo : « Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên ».

Theo phân tích của giáo sư Carlyle Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, mục tiêu tối hậu của Việt Nam là làm sao tránh được việc phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

« Việt Nam thiết lập mạng lưới đối tác là để đứng ngoài cuộc tranh đua Mỹ Trung và cung cấp phương tiện để Việt Nam lèo lái giữa các cường quốc để bảo vệ nền độc lập của mình. »

Nhưng chiến lược mới không có nghĩa là Việt Nam bỏ bê Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Và vào lúc ông John Kerry thăm Việt Nam tuần trước, trong vòng công du cuối cùng của ông trong tư cách ngoại trưởng Mỹ, thì ông Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh gặp các lãnh đạo Trung Quốc.

(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad