‘VN bắt người đe dọa vị thế độc tôn quyền lực’ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

‘VN bắt người đe dọa vị thế độc tôn quyền lực’


Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người đại diện theo ủy quyền của ngư dân trong vụ kiện Formosa, trước cổng tòa Kỳ Anh
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người đại diện theo ủy quyền của ngư dân trong vụ kiện Formosa, trước cổng tòa Kỳ Anh

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo lên tiếng về "đợt bắt giữ" những người phê phán chính phủ.

Thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra ngày 27/01/2017 đề cập tới một số vụ bắt giữ những người mà họ mô tả là lên tiếng phê phán và vận động nhân quyền.

"Chính quyền Việt Nam coi việc truy cập Internet và đăng tải quan điểm phê phán là một tội hình sự thì thật là kỳ cục," ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.

"Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần nói thẳng và rõ ràng rằng mình sẽ xem xét lại quan hệ nếu chính phủ Việt Nam cứ tiếp tục bỏ tù những người phê phán ôn hòa."

Một trong những người bị bắt trong tháng này là ông Nguyễn Văn Hóa, người đã vận động phản đối Công ty Thép Formosa vì gây ra thảm họa môi trường vào tháng Tư năm 2016.

Ông Hóa bị cáo buộc đã "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước" theo điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng có trụ sở tại New York, ông Hóa mất tích từ hôm 11/01 tại Hà Tĩnh, nơi ông đang sinh sống, nhưng tới 23/1 cảnh sát mới báo cho gia đình ông biết là ông 'đang bị tạm giam'.

Cũng trong trung tuần tháng Giêng, bà Trần Thị Nga bị bắt với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

"Bà Trần Thị Nga từ lâu nay vẫn bị đe dọa, sách nhiễu, câu lưu, thẩm vấn và hành hung vì đã hoạt động vì người lao động và trong các lĩnh vực khác," thông cáo viết.

CPJ vào hôm thứ Năm kêu gọi Hà Nội thả ông Hóa và bà Nga.

Bà Trần Thị Nga tham gia nhiều cuộc biểu tình về môi trường và chống Trung Quốc
Bà Trần Thị Nga tham gia nhiều cuộc biểu tình về môi trường và chống Trung Quốc
"Việt Nam nên ngưng đối xử với nhà báo như tội phạm," ông Shawn Crispin, đại diện CPJ tại Á châu nói trong thông cáo.

Những người khác bị bắt trong điều mà HRW mô tả là "đợt bắt giữ" gồm cựu tù nhân chính trị, Nguyễn Văn Oai, vì "vi phạm lệnh quản chế", ông Nguyễn Danh Dũng vì cho là ông tham gia Thiên An TV, một kênh trên YouTube có nội dung phê phán chính phủ, và blogger Hồ Văn Hải.

"Việt Nam hiện có ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger đang thụ án tù chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của mình, như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo. Từ lâu rồi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã kêu gọi loại bỏ những điều luật có nội dung hình sự hóa ngôn luận ôn hòa ở Việt Nam."

"Việt Nam có một quá trình dài trừng phạt bất cứ ai bị Đảng Cộng sản cầm quyền coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình," ông Adams nói. "Việt Nam cần gia nhập thế kỷ 21 và loại bỏ những điều luật hà khắc có từ thời trước."

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad