Bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: báo Pháp luật TP.HCM |
Không ngoài dự đoán của một số dư luận, phiên họp 6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kết thúc vào những ngày sát tết Nguyên Đán 2017 mà vẫn chưa có nổi Nghị quyết về kỷ luật cán bộ đã về hưu.
Cho dù ngay sau đó, Thủ tướng chính phủ đã “cách chức” người không còn chức bộ trưởng công thương là ông Vũ Huy Hoàng.
Hình như mọi thứ đang lộn tùng phèo cả lên theo cách “ trên bảo dưới không nghe”.
Nghị quyết về kỷ luật cán bộ đã về hưu từng bị “ngâm” tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2016. Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu lý do rằng “đây là nội dung quan trọng cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo nên Chính phủ chưa kịp chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 này như dự kiến”.
Tuy nhiên trong cả hai kỳ họp thứ 5 và thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện tượng đáng chú ý là bà Kim Ngân lại chẳng quá bức xúc trước sự chậm trễ của phía Chính phủ.
Chính vì thái độ dửng dưng này mà nhiều dư luận đặt dấu hỏi vào “quyết tâm” của giới lãnh đạo Quốc hội và chính phủ trong vụ xử lý ông Vũ Huy Hoàng.
Xem ra, đã đến lúc chuyện ai người đó làm, thân ai người đó lo.
Giờ đây, tết nguyên đán 2017 đã lặng qua, và cũng như “quyết tâm” kỷ luật các vụ Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy của PVN, quy trình làm việc của Bộ Nội vụ đã kéo dài quá khổ.
Cần nhắc lại, Nghị quyết về việc kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu đã được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo. Nếu cơ quan này tiếp tục lần khân hoặc không chịu làm, sẽ chẳng có cơ chế nào để xử trị Vũ Huy Hoàng về hình sự như ông Trọng hết sức mong muốn.
Ngay từ trước tết nguyên đán 2017, bầu không khí “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng đã dường như “xẹp” hẳn. Cũng không thấy báo chí nhà nước còn ồn ào về vụ Vũ Huy Hoàng, cho dù ông này vừa bị “cách chức” thêm một lần nữa.
Tương lai của Nghị quyết về kỷ luật cán bộ đã về hưu cũng bởi thế có thể còn xa vời. Hoặc nếu có được ban hành, thì cũng chẳng mang tính hiệu dụng cụ thể như tiêu chí “phải chống tham nhũng quyết liệt” của ông Nguyễn Phú Trọng.
Có thể cho rằng tình trạng chậm trễ của Nghị quyết về kỷ luật cán bộ đã về hưu đã cung cấp thêm một cơ sở quan trọng nữa về tương quan có phần yếu đi của những người bên đảng. Nếu không thể xử được Vũ Huy Hoàng và sau đó cũng không xử lý được quan chức nào khác dù đã về hưu, “những việc cần làm ngay” của ông Trọng sẽ trở nên vô thời hạn. Thậm chí tình thế này còn có thể gây ảnh hưởng lớn đến ý đồ ông Trọng muốn đưa ông Đinh Thế Huynh làm người kế nhiệm chức tổng bí thư của mình – dự kiến sớm nhất vào cuối năm 2017.
Lê Dung
(SBTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét