Đã có khá nhiều những đàm tiếu, phẩm bình về tiết mục Gặp gỡ cuối năm vốn được nhiều người chờ đợi. Thế rồi phần lớn là chê. Thậm chí có nhà văn phũ phàng định giá bằng tiền thù lao nghệ thuật chỉ đáng 5 trăm ngàn đồng cho toàn bộ sô diễn được dày công chuẩn bị của biết bao con người. Cũng chuyện giận cá chém thớt đấy thôi. Mà quả thật, nói cho sòng phẳng, màn diễn Ông Táo đêm 30 Tết Đinh Dậu năm nay nhạt, chán, tuy cũng ngần ấy khuôn mặt quen thuộc vốn giành được nhiều cảm tình của người xem.
Ấy thế mà nói đi rồi phải nói lại cho công bằng. Đừng trách oan những người nghệ sĩ đáng yêu ấy. Đành rằng trăm dâu đổ đầu tằm, có mặt trên sân khấu trước bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào, hay dở họ phải gánh lấy chứ sao giờ. Nhưng tôi dám đoan chắc rằng, sinh ư nghệ tử ư nghệ, với tài năng ấy, với cố gắng ấy mà cứ để cho họ tự do thể hiện ý tưởng và tài năng của chính họ, đừng có cái mũ kim cô ác độc chụp lên đầu, chắc chắn vở diễn của họ sẽ hay hơn nhiều, ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều. Thì chẳng phải là vở diễn bị cắt đi không ít những đoạn “nhạy cảm”?
Giá mà xem được những đoạn gọi là “nhạy cảm” đó chắc sẽ hiểu hơn nỗi niềm của những người nghệ sĩ đã dám hết lòng với nghề. Nhưng dù không xem thì cũng hiểu được cái gọi là nhạy cảm đó chăng qua là “nhạy cảm” đối với não trạng của những kẻ đang nắm trong tay quyền lực vừa giành được với bao mưu ma chước quỷ. Họ có tật giật mình, sợ những gì cố tình bưng bít giấu giếm bị phơi ra dưới ánh đèn sân khấu, trước mắt hàng triệu người xem.
Nói rộng ra một chút, phim câm của Vua hề Sáclô chẳng đã từng bị cấm vì chạm nọc những tên độc tài đó ư? Bởi lẽ, nói như thiên tài Einstein: “Điều gì làm tôi ngưỡng mộ nhất về nghệ thuật của ông? Ông không nói một từ nào, nhưng cả thế giới đều hiểu ông”. Đấy nhé, “không nói một lời”, nhưng “động chạm” thì vẫn cứ. Nghệ thuật đạt đến cái mức thâm thúy của nó còn mạnh hơn súng đạn. Những tên độc tài đều thù ghét Vua hề Sáclô. Hitler là một ví dụ. Không chỉ là vì Charlie Chaplin nói rằng “hắn bắt chước ria mép của tôi” hay chính ông có kiểu ria mép giống nhân vật Tramp tái hiện hình ảnh Hitler, mà là vở hài kịch The Great Dictator là một quyết tâm chính trị của ông. Lý do “bởi vì Hitler phải bị cười nhạo” và rồi trong một màn trình diễn kép, chính Charlie Chaplin đóng vai nhà độc tài Adenoid Hynkel nhại theo Hitler!
Nghệ thuật đích thực có sức mạnh to lớn mà những kẻ vận hành guồng máy toàn trị phản dân chủ có am hiểu chút ít nghệ thuật cai trị đều biết phải làm gì để ngăn chặn từ trong trứng. Thẳng tay cắt bỏ những cái có thể chạm đến những gì có thể gợi lên trong cảm quan của người xem những tật bệnh vô phương cứu chữa của thể chế hiện tồn, chứ chưa cần phải réo gọi đúng tên hoặc bấm đúng vào tử huyệt của chế độ toàn trị phản dân chủ. Cắt bỏ đến thế mà vẫn cứ để lọt những câu đại loại như “Dân kêu nhiều quá. Không phục vụ dân đâu – chỉ phục vụ Ngọc hoàng là đủ” vọt ra từ miệng Táo Môi trường thì cũng là phạm húy chứ gì nữa. Rồi cái màn giả vờ cách chức cả cụm Nam Tào, Băc Đẩu để lộ diện việc cơ cấu nhân sự bừa bãi, lấy đó làm cái cớ để cho các Táo chửi vung lên việc đưa thiên lôi chỉ có cái bằng “bảo vệ” lên ngồi ghế Nam Tào mà nếu cứ theo mạch diễn ấy thì loạn là cái chắc. Lời bình của dân mạng, vì thế, thật chí lý: chẳng phải vờ cách chức Nam Tào Bắc Đẩu để dọa các Táo nữa, mà đã đến lúc tính đến giải pháp đưa ra một cơ chế bầu chọn chính… Ngọc Hoàng. Phế luôn Ngọc Hoàng tự phong này, dân giành lại cho mình quyền bầu chọn ra Ngọc hoàng của mình từ nhiều ứng viên cạnh tranh với nhau, tình hình sẽ chuyển biến ngay!
Xem thế thì còn cái gì không động chạm, không gợi lên những liên tưởng về cái thực trạng “chưa lúc nào bi đát bằng lúc này” mà vị lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã vạch ra? Chỉ có cách là cấm tuốt. Nhưng dù có muốn vậy cũng không làm được. Đúng hơn là không dám làm vì người ta vẫn đang cần phải cố giữ thể thống, khoác ra bên ngoài sự thoái hóa đi đến băng hoại của đạo lý xã hội bằng bộ áo khoác “vui vẻ trẻ trung”. Vừa rồi không biết bằng cách nào lại nảy nòi ra một công bố đáng ngờ của một cái gọi là “tổ chức quốc tế” rằng “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%”. Môt tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên tiếng ngay: “Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được?”. Hãy chỉ lấy riêng một con số theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 28 và 29/1 (tức là Mồng Một và Mồng Hai Tết), cả nước có gần 2.000 ca đến khám, cấp cứu là do… đánh nhau!
Không phải là không có cơ sở khi trên báo mạng có người đặt ra câu hỏi phải chăng người ta đã dùng tiền để mua một vài tờ báo hoặc tổ chức nghiên cứu vô danh tiểu tốt nào nhằm đưa ra những thông tin lừa bịp được đánh bóng mạ kền mà cái “tổ chức quốc tế” đưa tin nói trên thuộc về loại này. Thì cũng là “ra tuồng mèo mả gà đồng, ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào” chứ có gì lạ đâu! Còn đánh bóng mạ kền trên nhiều trang báo chính thống tự biến mình thành báo lá cải thì xin miễn bàn. Mà rồi những người viết còn lại tí chút lương tâm song vì miếng cơm mamh áo phải “tuân chỉ” thì rồi thấy xấu hổ để không dám đọc lại thành phẩm của mình!
Tôi tin rằng, một số các diễn viên buộc phải diễn những điều không muốn diễn chắc cũng không tránh khỏi tâm trạng đó. Ác một nỗi, trong DIỄN lại phải có DIỄN, có vậy mới mong tồn tại để hành nghề. Mà có hành nghề được mới có thể phát triển tài năng. Diễn viên, cho dù là những nghệ sĩ tài năng thật sự, thì họ cũng vẫn phải sống với
Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt,
Cơm áo không đùa với khách thơ
Câu thơ Xuân Diệu trong bài thơ tặng Tú Mỡ, nhà thơ trào phúng thế kỷ trước, vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa nghiệt ngã của nó. Có khi còn nghiệt ngã hơn. Bởi lẽ, cái “nanh vuốt” thời hiện đại trong thế kỷ XXI này không chỉ giơ ra với bản thân người nghệ sĩ, mà còn con cái họ! Cái nanh vuốt đáng sợ này không chỉ chĩa vào mâm cơm của họ mà còn đe dọa đập vỡ không chỉ niêu cơm, mà còn là con đường học vấn, sự nghiệp cũng như bước đường thăng tiến của con cháu họ nữa. Mà cái thủ thuật tai quái đang được thực thi một cách thành thạo và rất phổ biến này lại là một áp lực khó chống đỡ của không ít người. Bộ máy cầm quyền rất biết chuyện này.
Ấy vậy mà, cái nanh vuốt chĩa thẳng vào sinh kế tuy có vẻ thớ lợ và phát huy hiệu lực ngay tức thì nhưng đôi khi lại không tạo ra được một hiệu ứng lâu dài bằng sự áp đặt ý chí cá nhân của người cầm quyền lên đầu óc và tình cảm của con người. Sự áp đặt này mới khủng khiếp. Khủng khiếp là vì nó tạo ra một áp lực vô hình đè nặng lên cuộc sống con người, nhiễm sâu vào não trạng của không ít người trong mọi tầng lớp, tạo thành một vết dầu loang thấm dần vào kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội. Khi đã định hình thành một tập quán ứng xử, áp lực vô hình này mới thật ghê gớm.
Xin gợi lên một ví dụ tiêu biểu đối với một nhân vật tiêu biểu: Văn Cao.
Hãy nghe chính lời của ông: “Anh Lê Quang Đạo [lúc ấy là Bí thư Hà Nội] nói với tôi: “Chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như “Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga đây Dương Tử đây sông Lô đây sóng căm hờn vút cao...” không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ! Vậy nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!”. Khi anh Đạo tiễn tôi ra về anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài, anh thủ thỉ nói với tôi “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy”. Đêm hôm ấy tôi ra về đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến về Hà Nội” đã đến với tôi “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...”. Chỉ hai tuần lễ sau đó tôi đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội” khi ấy là mùa xuân 1949. Ấy thế mà, nghe đâu khi đồng chí Trường Chinh nghe bài hát ấy đã buông một câu “lạc quan tếu”. Thế là không ai còn dám hát bài ấy nữa!”.
Cũng có thể chính ông Trường Chinh cũng không lường hết được cái hệ lụy khủng khiếp từ một lời phán bảo tùy hứng ấy của ông ta. Nhưng cái tệ sùng bái cá nhân khi đã định hình thành tập quán ứng xử trong một xã hội thiếu dân chủ, không tôn trọng tự do của con người đã gây nên biết bao thảm họa mà một thiên tài bị vùi dập như Văn Cao chỉ là một điển hình. Làm sao đếm xuể được những Văn Cao trong một chặng đường lịch sử không lấy gì làm dài giữa thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI này?
Nhà văn Nguyễn Khải từng đặt ra câu hỏi: “Một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao?”.
Khi chưa trả lời thỏa đáng được câu hỏi trên thì e rằng việc quá nặng lời với vở diễn Táo quân trong Gặp gỡ cuối năm là chưa thật công bằng với cuộc đời. Nếu cần nặng lời thì phải nặng lời với những kẻ đã thít chặt cái mũ kim cô tai ác lên đầu những người dựng vở, đạo diễn và các diễn viên muốn được cống hiến hết sức mình. Không làm vậy mà chỉ giận cá chém thớt, trút hết lên đầu các nghệ sĩ tài năng đã không thể trổ hết tài năng như họ muốn thì e là bất cận nhân tình.
Họ phải DIỄN, mà trong DIỄN lại phải có DIỄN để sao cho họ còn có thể tồn tại để rồi, vào một ngày đẹp trời nào đó, còn được DIỄN như họ muốn. Thì cũng như chuyện “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên đã có lần người viết Mênh mông thế sự này dẫn ra đấy thôi.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Nhưng đâu chỉ có vậy. Để chờ có dịp “nhai thứ thiệt” mà cái quy trình trong DIỄN lại phải có DIỄN cứ tái diễn mãi thì sự tự đánh mất mình là điều không tránh khỏi. Đấy mới chính là cái hệ lụy khủng khiếp nhất trong những cái khủng khiếp cho tất thảy, không chừa một ai:
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Thế đấy, “ngồm ngoàm”!
Ngày hạ Cây Nêu Mồng Bảy Tết Đinh Dậu, 3.2.2017
Tương Lai
Tác giả gửi BVN.
(Bauxitevn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét