Ngày 28 tháng hai Nhật hoàng cùng hoàng hậu có chuyến đi thăm VN. Đây là chuyến viếng thăm VN đầu tiên của Nhật hoàng, (và có thể là chuyến cuối cùng) kéo dài 5 ngày. Đón tiếp Nhật hoàng tại sân bay là bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Nếu so sánh bang giao giữa VN và TQ với Nhật, hoàng đế Nhật đã thăm viếng TQ từ tháng mười năm 1992, đúng dịp 20 năm ngày hai bên thiết lập bang giao (tháng chín 1972).
Đối với TQ, cuộc chiến tranh Nhật-Trung (1931-1945) đã gây 21 triệu người Hoa bị chết. Chỉ ở cuộc thảm sát Nam Kinh, quân Nhật đã sát hại 300.000 người. Đặng Tiểu Bình, vì cần sự viện trợ kinh tế và kỹ thuật của Nhật để thúc đẩy công cuộc “hiện đại hóa” đất nước, buộc phải quên thù cũ (và trong chừng mực sỉ diện quốc gia), đứng ra mời Nhật hoàng viếng thăm, bất chấp mọi phản đối từ nhiều phía, ngay cả từ trí thức Đài loan và Hồng kong. Đến nay Nhật vẫn không xin lỗi TQ về bất kỳ điều gì họ gây ra trong Thế chiến thứ II.
VN (miền Bắc) ký kết thỏa thuận thiết lập bang giao với Nhật từ tháng 9 năm 1973. Nhưng bang giao chậm trễ do việc miền Bắc đòi bồi thường 45 triệu đô (chiến tranh do Nhật gây ra trong Thế chiến thứ II). Chỉ đến tháng mười năm 1975 bang giao hai bên được thiết lập, sau khi Nhật chịu (gián tiếp) bồi thường. (Gián tiếp vì việc bồi thường không thông qua các thỏa thuận có giá trị pháp lý quốc tế. Bởi vì Nhật đã bồi thường rồi, cho QGVN). Trong khi đó Nhật đã ký hòa ước chung với 48 nước (hội nghị San Francisco 1951), là các nước có chiến tranh với Nhật, trong đó có Quốc gia VN. Nhân dịp này Nhật bồi thường cho QGVN một khoản tài vật, trị giá 39 triệu đô la.
Nếu chỉ tính từ tháng mười 1975, bang giao VN và Nhật đến nay đã 42 năm, Nhật hoàng mới đi thăm VN.
Tầm nhìn của lãnh đạo TQ “xa” hơn lãnh đạo VN 22 năm hay là VN “không quan trọng” bằng TQ 22 lần ? Bề nào cũng chỉ là những “con số”. Nhưng điều không thể phản biện là nhờ viện trợ, đầu tư về kinh tế, kỹ thuật của Nhật (và Mỹ) mà TQ bây giờ trở thành “đại quốc”, về kinh tế và quân sự. Còn VN, nói theo bà Chi Lan, đi đâu cũng ngữa nón “xin viện trợ”. Con số “22” vì vậy hết sức là “ý nghĩa”.
Từ lâu, VN cho rằng Nhật là tác nhân gây ra nạn đói năm Ất dậu 1944. Đến nay thì vẫn chỉ nghe “nói miệng” chớ chưa thấy có cuộc “nghiên cứu” hàn lâm nào để xác định trách nhiệm của các bên Nhật, Pháp, VM và chính phủ Trần Trọng Kim (kể cả trách nhiệm của ông trời vì đã gây bão lụt). Cũng nghe nói rằng VN đòi Nhật phải xin lỗi vì đã gây ra nạn đói năm Ất dậu.
Ngày 28 tháng hai cũng là ngày kỹ niệm biến cố “nhị nhị bát” ở Đài loan (1947). Quân của Tưởng Giới Thạch mở cuộc thảm sát, gây hàng chục ngàn nạn nhân, hầu hết là dân “bản địa”. Những người dân này đã quen lề lối sinh hoạt như người Nhật, nói tiếng Nhật rành hơn tiếng Hoa.
Hình như “yếu tố” Nhật đã là động lực làm cho TQ, Đài loan và Nam Hàn phát triển (thần kỳ).
Bây giờ bắt đầu với VN. Hy vọng nhờ Nhật, VN sẽ “ra biển lớn”, sẽ “cất cánh thành rồng” như các nước kia.
Nhưng mà, những người Nhật ai đó đọc được dòng chữ này, thì xin làm ơn nói với Nhật hoàng rút ngắn thời gian thăm viếng lại. Không phải dân VN không “hiếu khách”, mà vì “tầm nhìn” của lãnh đạo VN, (lúc nào cũng vậy) chờ nước tới cổ mới nhảy.
Những ngày qua có ông phó quận nào đó ở Sài gòn phát động chiến dịch “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”. Không biết có bao nhiêu người đi bộ hưởng lợi ích trong việc này. Nhưng đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ gia đình sống nhờ kinh tế vỉa hè bị bể nồi cơm. Ngoài Sài gòn còn có ở các nơi khác. Ông Tô Lầm vừa lên tiếng yêu cầu công an "làm tốt" chiến dịch này.
Tôi không dám đổ thừa việc “bể nồi cơm” của (một số dân) ở Sài gòn là do Thiên Hoàng. Sớm hơn họ không làm. Trễ hơn họ không làm. Lựa đúng lúc Thiên hoàng sang thăm viếng thì họ làm. Thì dầu che dưới mỹ từ nào, “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, mục đích là làm cho Thiên hoàng đẹp mắt.
Tôi nghĩ, Thiên hoàng đi thăm lòng vòng lăng bác, hồ cá Ba đình… là đủ. Thiên hoàng đừng đi thăm văn miếu này kia làm chi. Ông này rành chữ Hán, không khéo lòi cái dốt của lãnh đạo Hà Nội. Sau đó Thiên hoàng lên máy bay về Nhật.
Dân VN sẽ nhớ ơn Thiên hoàng.
Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét