Đừng để Hương bơ vơ trên đất khách, bị bỏ rơi bởi chính Đại sứ quán tại nước sở tại! - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Đừng để Hương bơ vơ trên đất khách, bị bỏ rơi bởi chính Đại sứ quán tại nước sở tại!


Nhìn đôi mắt ráo hoảnh, vô hồn của Đoàn Thị Hương khi bước ra tòa án Malaysia, đối diện với bản cáo trạng truy tố về tội giết người trong vụ án mạng ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 13/02, tôi biết, em cô đơn giữa đất nước Malaysia xa lạ thế nào? Không người thân, không người động viên tinh thần, thậm chí luật sư biện hộ cũng không phải từ phía Việt Nam chuẩn bị. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tàn nhẫn bỏ rơi em.

Được xem như đồng phạm, cùng ra tòa với Hương là Siti Aisyah. Cả hai người được đưa đến tòa trong tình trạng bị còng tay, mang trên người áo giáp chống đạn. Họ chính thức bị truy tố theo điều 302 Bộ luật Hình sự của Malaysia về tội giết người, cùng 4 nghi phạm người Triều Tiên khác đã tẩu thoát.

Theo tờ The Star, cáo trạng được đọc và có phiên dịch ra tiếng Indonesia lẫn tiếng Việt, tòa cũng thông báo nếu bị tuyên có tội, 2 bị can có thể lãnh án treo cổ. Khi quan tòa hỏi có hiểu nội dung cáo trạng hay không, Hương đã trả lời bằng tiếng Anh: “Có, tôi hiểu, nhưng tôi không có tội”.

Cùng là bị cáo trong phiên tòa ngày 1/3, trong khi Siti có tới 5 luật sư bảo vệ, thì Hương chỉ có suy nhất 1 luật sư, do phía tòa chỉ định
Trong phiên tòa tuyên bố cáo trạng lần này, đại diện cho Hương là một luật sư khá có tiếng ở Malaysia, do toà chỉ định chứ không phải do Việt Nam thuê. Trong khi đó, nhóm biện hộ cho Siti lên đến 5 luật sư, 4 người trong số đó do phía Đại sứ quán Indonesia thuê để bảo vệ cho công dân của họ, gồm một luật sư hạng nhất của Malaysia.

Tôi đọc thông tin mà thấy vô cùng phẫn nộ trước sự vô cảm tột cùng của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, họ đã làm gì để bảo vệ công dân của mình trên đất khách? Cử người đến tham dự tòa án ư? Đã có nỗ lực nào thuê luật sư bản địa để bào chữa cho Hương, cứu em khỏi bản án tử đang treo lửng lơ trước mắt?

Vừa qua, có tin Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang có kế hoạch đề xuất Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương đang bị xét xử ở Malaysia. Theo đó, “Một số luật sư sẵn sàng tham gia hỗ trợ pháp lý trong vụ án này, trên tinh thần nếu được Nhà nước hỗ trợ thì tốt nhất, nếu không thì họ sẽ tự bỏ tiền ra để thực hiện”.

Tôi không khỏi phấn khởi trước thông tin này. Cảm ơn các luật sư Việt Nam đã lên phương án hỗ trợ. Cảm ơn tình người, tình đồng hương đã đem những con người này đến với nhau. Thế nhưng, họ sẽ vận dụng kiến thức luật như thế nào khi hệ thống pháp luật của hai nước không giống nhau? Theo quy định của Malaysia, các luật sư nước ngoài không được trực tiếp tham gia bào chữa cho bị cáo. Do đó, các luật sư Việt Nam chỉ có thể phối hợp với phía Malaysia nhằm cung cấp các bằng chứng, tài liệu có lợi cho em Hương để toà án xem xét. Như vậy, việc hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trong việc tìm kiếm luật sư bào chữa cho Hương vẫn là chủ chốt, quyết định đến bản án dành cho em tại phiên tòa.

Thế thì một số người sẽ hỏi, vậy thì gia đình em đâu mà không tự thuê mướn luật sư cho con gái của họ? Tại sao phải dựa dẫm vào sự giúp đỡ của Đại sứ quán. Xin thưa, gia đình Hương quá nghèo, đến cả tiền mua vé máy bay sang Malaysia cũng không xoay sở kịp, chỉ có thể theo dõi thông tin thông qua báo chí trong nước, càng không biết làm cách nào để cứu con.

Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn để bị “thế lực ngầm” nào đó thủ tiêu không đối chất
Tôi tự hỏi, trong câu chuyện này, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có những nỗ lực hỗ trợ nào đối với công dân Việt Nam? Đã làm gì để bảo vệ Hương?

Chắc chúng ta vẫn còn nhớ chàng thanh niên Nguyễn Tường Vân, 25 tuổi, bị bắt ở sân bay Changi, Singapore vì tội mang 396g heroin trên người và trong balo cách đây 15 năm. Khi đó, chính phủ và người dân Úc đã nổi lên làn sóng xin ân giảm án tử hình cho Vân, một người dân nhập cư. Thủ tướng Australia John Howard đã 5 lần đích thân đề nghị giới lãnh đạo Singapore xem xét trường hợp của Nguyễn Tường Vân, nhưng đều không thành. Nỗ lực kéo dài 3 năm, và trước ngày thi hành án tử hình, chính phủ Australia vẫn không ngừng nỗ lực để cứu Vân khỏi giá treo cổ, tuy rằng đã thất bại. Úc và Singapore thậm chí bất hòa về án tử hình. Tuy vậy, những nỗ lực đó vẫn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận Úc. Họ nghĩ rằng chính phủ Úc làm quá ít, không đủ để cứu Vân. Họ phẫn nộ vì chính phủ không thể bảo vệ công dân mình.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã làm gì để cứu Đoàn Thị Hương khi biết cô gái này chỉ là nạn nhân của một trò lừa đảo, cô hoàn toàn không biết hành động của cô sẽ tước đoạt mạng sống của người khác, chỉ nghĩ đây là một trò đùa vô hại, một game show mà thôi.

Đến bây giờ, nhiều người vẫn truy lùng cô trên facebook. Không phải để tìm cách giúp đỡ cô, mà vì tò mò và muốn bổ sung thông tin cho những câu chuyện phiếm trên bàn nhậu, trong các cuộc tám chuyện mà thôi
Đến bây giờ, câu chuyện của Hương vẫn chỉ xoay quanh những tấm ảnh nóng bỏng, những clip thi Vietnam Idol, hay các khía cạnh giựt gân của phiên tòa, điều bất thường khi Hương ra tòa với áo giáp chống đạn và xem đó là câu chuyện phiếm được bàn luận trên bàn nhậu hay thời gian rảnh. Đã có ai tự hỏi tại sao phía Malaysia phải bảo vệ cô như thế? Liệu tính mạng của Hương có được an toàn đến khi phiên tòa tiếp theo diễn ra vào ngày 13/04 tới hay không, hay cô sẽ bị một “thế lực ngầm” nào đó âm thầm thủ tiêu không đối chứng? Có mấy người sẽ đồng cảm cho cô gái nghèo luôn nung náu ước mơ được nổi tiếng, hay sẽ cười cợt cô và cho rằng đáng đời” khi lỡ chân rơi vào con đường tù tội? Có mấy người sẽ thương cảm nỗi đau mà gia đình Hương đang gánh chịu, khi nhìn cô con gái đối mặt với án tử hình nơi đất khách quê người mà không cách nào đến được với cô, động viên tinh thần hay nhìn mặt cô lần cuối – trong trường hợp Hương không may mắn thoát khỏi bản án tử?

Viết những dòng này, tôi cầu mong một phép màu sẽ đến với Hương và gia đình, hy vọng đâu đó những bàn tay nhân ái sẽ chìa ra giúp em vượt qua kiếp nạn này. Đồng thời, yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ pháp lý, động viên tinh thần và bảo vệ Hương nơi đất khách quê người. Đừng để Hương phải bơ vơ trên đất khách, bị bỏ rơi và quay lưng bởi chính Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại.

Thiên Duy

(Blue)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad