Lê Hồng Hiệp: Hội nghị trung ương 5 - Có tiến bộ nhưng phải chờ xem - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Lê Hồng Hiệp: Hội nghị trung ương 5 - Có tiến bộ nhưng phải chờ xem


Hội nghị trung ương lần thứ 5 của đảng cộng sản Việt Nam vừa kết thúc với 3 nghị quyết về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5.
 Có thay đổi về chính sách

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đánh giá kết quả của Hội nghị này. Đầu tiên ông điểm qua ba nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ năm:

Hội nghị cũng đã đạt được một số kết quả, ít nhất là về mặt chính sách, về mặt lý thuyết, vì chúng ta biết là lâu nay đảng vẫn xác định nền kinh tế là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên thế nào là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vẫn còn nhiều tranh luận và chưa rõ ràng. Lần này đảng muốn có một đường hướng cụ thể, một chính sách cụ thể hơn để mà định hướng nền kinh tế theo những cái gì mà đảng muốn. Tuy nhiên thực thi thì như thế nào, phát triển thực tế làm sao để mà vừa đảm bảo yếu tố thị trường vừa đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta vẫn còn phải chờ xem.

    Hội nghị lần này có tiến triển về đường hướng chính sách, tuy nhiên, vấn đề vẫn là thực thi thì chúng ta vẫn phải chờ xem. 
  - Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Vấn đề thứ hai là phát triển, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, là một vấn đề bức thiết và nóng bỏng. Có liên quan trong hội nghị lần này là kỷ luật ông Đinh La Thăng, một vấn đề của doanh nghiệp nhà nước. Tại sao ông Đinh La Thăng lại vi phạm, có những khiếm khuyết như vậy? Có phần là do cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước Việt Nam nó có rất nhiều bất cập, tạo ra sự thất thoát, kém hiệu quả, hay là tham nhũng.

Còn về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân thì về mặt lý thuyết đảng coi kinh tế tư nhân là thành phần bình đẳng, và khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thấy đảng vẫn có những ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như dành nguồn lực đất đai, việc tiếp cận các nguồn vốn. Nền kinh tế tư nhân vẫn bị lép vế. Bây giờ nền kinh tế Việt Nam trong mấy năm qua gặp nhiều khó khăn, chỉ có thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh thôi. Thành phần tư nhân vẫn có nghiều trở ngại, thì làm sao khơi dậy sự phát triển của thành phần này, cởi trói cho nó, tạo động lực phát triển cho nó, có lẽ cũng là một mối quan tâm của đảng cộng sản.

Tuy nhiên cho đến lúc này thì chúng ta chỉ có 3 nghị quyết thôi, vấn đề là nói như cách nói của họ là làm sao đưa nghị quyết vào cuộc sống, thì còn phải chờ xem. Vì ở Việt Nam có một vấn đề khoảng cách giữa chính sách và thực thi.

Nếu kết luận một câu thì Hội nghị lần này có tiến triển về đường hướng chính sách, tuy nhiên, vấn đề vẫn là thực thi thì chúng ta vẫn phải chờ xem.

Kính Hòa: Trong 3 nghị quyết thì nhiều người kỳ vọng vào nghị quyết thứ ba tức là phát triển kinh tế tư nhân. Và sắp tới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ gặp hàng ngàn doanh nhân, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân. Đây có phải là sự thay đổi ý thức hệ của đảng cộng sản Việt Nam hay không? Trong cái nhìn của họ về kinh tế tư nhân?

6d237fa8-1957-46b5-b436-fe3fedc41e1a-400.jpg
Ông Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Giao thông, năm 2014, người vừa bị kỷ luật ra khỏi Bộ Chính Trị. AFP photo
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Một phần trong sự thay đổi tư duy như anh nói là do sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua khi mà các động lực tăng trưởng tới bây giờ là gần cạn kiệt rồi. Đầu tư nước ngoài chẳng hạn, tới nay vẫn phát triển nhưng bộc lộ một số hạn chế. Còn kinh tế nhà nước như chúng ta vừa thảo luận thì nó cho dù có cải tiến bao nhiêu thì do cái bản chất của thành phần này, khó có thể phát huy được hiệu quả. Cho nên trong thời gian tới có vẻ kinh tế tư nhân là niềm hy vọng của Việt Nam, nếu như nhà nước Việt Nam khơi thông được nguồn lực, động lực của thành phần kinh tế này thì nó sẽ tạo ra được động lực rất là lớn.

Lâu nay người ta vẫn nói thành phần kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển dựa trên các quan hệ thân hữu, dựa trên những ngành không tạo nên phát triển bền vũng như khai thác tài nguyên, hay bất động sản.

Kính Hòa: Ông vừa nói đến ngành bất động sản, rồi phát triển bền vững, của kinh tế tư nhân. Chuyện này làm nhớ đến chính sách đất đai của Việt Nam, nhất là sau vụ Đồng Tâm rất là lớn vừa rồi. Liệu ông có nghĩ rằng sắp tới Việt Nam sẽ điều chỉnh chính sách về quan hệ sở hữu đất đai không?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ chuyện điều chỉnh các qui định về pháp luật đất đai có lẽ là một công việc vẫn đang tiến hành, còn dang dở, còn cần nhiều thời gian hơn nữa để đảng có thể chấp nhận những thay đổi lớn về mặt tư duy quản lý.

Chúng ta biết là từ năm 2013, khi ban hành Hiến pháp mới thì có nhiều tranh luận quanh vấn đề này nhưng kết cục thì không có thay đổi mang tính bước ngoặt, ví dụ như vẫn công nhận đất đai là sở hữu toàn dân chẳng hạn. Tôi nghĩ là trong ngắn hạn thì những giới hạn đó chưa được phá bỏ. Tư tưởng phát triển của Việt Nam vẫn nặng về vai trò của nhà nước, sự kiểm soát của chính quyền, hay là khía cạnh an ninh.

    Vấn đề chỉnh đốn đảng được ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra từ Hội nghị trung ương 4 khóa 12, tới nay nó vẫn là một công việc dang dở. 
 - Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Tuy nhiên trong quá trình đó tôi cũng có nhận thấy những thay đổi ở cấp độ nhỏ hơn, nhưng theo chiều hướng tích cực hơn, chẳng hạn trong thời gian qua có những cuộc thảo luận, hay là có những bước đi cụ thể để thay đổi chính sách đất đai nông nghiệp ví dụ như nới hạn điền, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất.

Nhu cầu bức thiết về phát triển kinh tế đặt ra những bài toán mới mà để giải những bài toán ấy cần có những cách tiếp cận táo bạo hơn, quyết liệt hơn. Tuy nhiên vẫn còn những giới hạn cuối cùng mà cần rất nhiều thời gian để mà diễn biến trên thực tế nó thúc đẩy nữa thì mới xóa bỏ được chẳng hạn như sở hữu đất đai toàn dân chẳng hạn.

Vấn đề chỉnh đốn đảng

Kính Hòa: Vấn đề chỉnh đốn đảng đã được ông Nguyễn Phú Trọng đề ra trong diễn văn khai mạc. Vấn đề này được giải quyết thành công thất bại ra sao?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Chúng ta biết vấn đề chỉnh đốn đảng được ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra từ Hội nghị trung ương 4 khóa 12. Tới nay nó vẫn là một công việc dang dở, nó vẫn đang được tiến hành, và theo tôi hiểu thì nó là một công việc thường xuyên, đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiến hành.

Tuy nhiên tình hình theo tôi nghĩ vẫn còn chưa có nhiều chuyển biến về chất, ví dụ như là tình trạng tham nhũng vẫn còn rất phổ biến thể hiện qua khảo sát của nhiều tổ chức, cho thấy có cải tiến nhưng chưa tạo ra sự đột phá. Tham nhũng vẫn ăn sâu trong hệ thống và xã hội, trở thành một thứ văn hóa tham nhũng mà không dễ gì xóa bỏ trong ngày một ngày hai.

Riêng trong hội nghị trung ương 5, vấn đề liên quan đến chỉnh đốn đảng là vấn đề kỷ luật ông Đinh La Thăng. Cũng có nhiều người cho rằng đây là một phần nằm trong chiến lược thanh trừng nội bộ, để loại bỏ những nhân vật gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên theo tôi nếu chỉ nhìn với lăng kính đấu tranh nội bộ thì quá đơn giản hóa vấn đề. Theo tôi ở đây, ngoài việc đấu tranh nội bộ, thì quan trọng hơn là thiết lập kỷ cương bên trong nội bộ đảng, cũng như trong xã hội, tạo ra được sự tin tưởng lớn hơn trong người dân.

Trong thời gian qua rất nhiều vấn đề như tham nhũng rồi ô nhiễm môi trường, đặt ra câu hỏi về khả năng lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, sự trong sạch của các cán bộ cấp cao.

Tuy nhiên như nhiều nhà quan sát chỉ ra là nếu muốn chống tham nhũng một mà chỉ dựa vào những trường hợp như ông Đinh La Thăng vừa qua thì nó sẽ không hiệu quả, hoặc nếu có hiệu quả thì cũng không bền vững, mà cần có các cải cách thể chế để đảm bảo cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả và có tác dụng lâu dài.

Tuy nhiên cho tới nay chúng ta thấy là những cải cách của đảng cộng sản Việt Nam về mặt thể chế vẫn còn chưa được sâu rộng, vẫn còn nhiều giới hạn rất là hạn chế mà họ vẫn chưa sẵn sàng vượt qua được.

Kính Hòa: Xin cảm ơn ông.

Kính Hòa

(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad