Cần hiểu thiết chế “Nhà nước Pháp quyền” trong vụ Trịnh Xuân Thanh - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Cần hiểu thiết chế “Nhà nước Pháp quyền” trong vụ Trịnh Xuân Thanh


Sự kiện Trịnh Xuân Thanh đang mở rộng sang chính trường Đức hiện đã sôi sục bởi kỳ bầu cử Quốc hội; các Đảng phái ra sức vận động lấy phiếu cử tri, buộc phải lên tiếng để chứng minh khả năng “cầm quyền” của họ trước mọi vấn đề nảy sinh.

Nguồn tư liệu

Từ đầu tháng, vụ Trịnh Xuân Thanh chấn động truyền thông Việt Nam, Đức và thế giới trở thành điểm nóng trong mối quan hệ bang giao giữa 2 nước tới mức phía Đức yêu cầu một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam phải rời Đức kèm những tuyên bố sẽ có những “động thái tiếp”, nhằm đòi được Việt Nam trao trả lại đương sự, do những thủ tục pháp lý mà thiết chế Nhà nước Pháp quyền buộc họ phải thực thi, không liên quan tới nhân thân hay tội danh ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc. Tầm cấp “trục xuất” nhân viên ngoại giao có thể nhận thấy giữa 2 nước Nga và Mỹ từ cuối năm 2016 tới nay do liên quan tới những “cáo buộc” Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Sự kiện Trịnh Xuân Thanh đang mở rộng sang chính trường Đức hiện đã sôi sục bởi kỳ bầu cử Quốc hội; các Đảng phái ra sức vận động lấy phiếu cử tri, buộc phải lên tiếng để chứng minh khả năng “cầm quyền” của họ trước mọi vấn đề nảy sinh. Mới đây, phát ngôn viên đối ngoại của khối Nghị sỹ 2 đảng mạnh nhất trong Quốc hội CDU/CSU, ông Jürgen Hardt tuyên bố “phải có biện pháp chung với EU để đáp trả Việt Nam, có thể tính đến việc đòi tiếp cán bộ sứ quán Việt Nam ra khỏi nước Đức cũng như cấm vận trong phạm vi không ảnh hưởng tới người dân Việt Nam”. Cũng vậy, Đảng đối thủ mạnh thứ 2 SPD, phát ngôn viên đối nội của khối nghị sỹ Đảng này trong Quốc hội, ông Burkhard Lischka tuyên bố “cần đòi tiếp nhân viên an ninh Việt Nam ở Đức về nước và đóng băng các khoản tiền liên quan tới các dự án hợp tác phát triển cho Việt Nam”.

Những tuyên bố trên làm người ta nhớ lại sự kiện nhà soạn nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Isang Yun xảy ra cách đây tới 50 năm, mặc dù Hàn Quốc cùng thể chế với Tây Đức. Ngày 17.6.1967, Isang Yun (được quyền cư trú ở Spandau, Tây Berlin từ năm1950) nhận được điện thoại có người quen muốn gặp ở trung tâm thành phố. Tới nơi, ông bị mật vụ Hàn Quốc bắt cóc đưa về nước xét xử tội phản quốc làm gián điệp cho chế độ Bắc Triều Tiên để lật đổ chế độ Nam Hàn. Lập tức chính trường Đức sôi sục, kết quả nhiều nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc bị Đức yêu cầu phải về nước, mọi khoản viện trợ kinh tế cho Hàn Quốc hồi đó rất cần thiết, bị đình chỉ. Sự kiện vượt ra khỏi Đức bị cả phương Tây đe doạ cấm vận. Rốt cuộc để tránh thiệt hại, chấm dứt khủng hoảng bang giao, năm 1969 (tức chỉ sau 2 năm tính từ khi bị bắt), Isang Yun mặc dù bị toà sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân, qua phúc thẩm giảm xuống 15 năm, tới chung thẩm xuống tiếp 10 năm, Hàn Quốc vẫn buộc phải đình chỉ thi hành án trao trả cho Tây Đức.

Tại sao cả 2 nhân vật đều bị quốc gia họ cáo buộc, “tháng 9-2016 ông ​Trịnh Xuân Thanh bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, và “tham nhũng lớn”, được dư luận cả nước đồng tình hưởng ứng theo chủ trương “lò đã nóng lên rồi củi tươi vào cũng phải cháy (TBT Nguyễn Phú Trọng)”; còn ở Hàn Quốc ông Isang Yun đã bị toà tuyên phán, bản án được dân chúng ủng hộ thậm chí tổ chức biểu tình phản đối nước ngoài can thiệp vào nền tư pháp họ, nhưng cả hai lại bị Đức nhất mực đòi trao trả? Ngoài lý do chủ quyền quốc gia phải được khôi phục lại trạng thái ban đầu nếu bị vi phạm (kể cả ngờ vực), nhà nước họ thuộc thiết chế NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN (tiếng Đức Rechtsstaat, tiếng Anh state of law, constitutional state) sinh ra để bảo vệ các quyền cơ bản của con người, vận hành tự động do luật pháp (chứ không phải cá nhân, hay giai tầng, nhóm nào) điều chỉnh.

Quyền tỵ nạn, tự do cư trú (liên quan tới 2 nhân vật trên) nằm trong số hàng chục quyền cơ bản đó. Nó có nội hàm là quyền tự nhiên (bất kể họ là ai, quốc tịch nào Việt Nam hay Hàn Quốc) bởi do “tạo hóa cho họ”. Tiếp theo, cũng bởi vậy quyền đó “không ai có thể xâm phạm được (trích Tuyên ngôn độc lập)”. Tiếp nữa, quyền “bất khả xâm phạm”, “không thể trao nhượng” đó, phải được đưa vào Hiến pháp để “ràng buộc (chế tài) các cơ quan lập pháp hành pháp và tư pháp phải bảo đảm tính bất khả xâm phạm của nó (Điều 1 Hiến pháp Đức)”. Nói cách khác, luật pháp đứng trên nhà nước chế tài cả ba cơ quan quyền lực nhà nước phải tuân thủ để bảo đảm quyền cơ bản của con người, không một giai tầng, nhóm, cá nhân dù chức vụ cao tới đâu cũng không được phép can thiệp khác đi. Đó chính là bản chất của nhà nước pháp quyền ràng buộc được bộ máy của nó vận hành tự động, không phụ thuộc nhận thức chủ quan động cơ của bộ máy đó; như sự kiện Isang Yun từ thủ tướng đến nghị sỹ… đều không thể làm khác; tới nhân viên công lực cũng vậy.

Như vụ Hội người Việt Leipzig, Đức, tổ chức Tết Nguyên đán cách đây dăm năm mời Thị trưởng và ban ngành thành phố tới dự. Một giờ trước lịch khai mạc, nhân viên công lực tới kiểm tra, rồi phong toả luôn hội trường vì không bảo đảm quy định phòng chống cháy. Hội phân trần lý do và nại cớ Thị trưởng đang trên đường tới dự, nên không thể đóng cửa. Nhân viên công lực thoạt đầu tỏ ra ngạc nhiên, rồi chừng như hiểu ra sự khác biệt hai nước, trả lời: “Thật đáng tiếc cho các ngài, ở Đức ngay cả Thủ tướng Merkel tới dự cũng không thể làm khác. Chúng tôi chịu trách nhiệm pháp lý đối với phòng chống cháy chứ không phải Thị trưởng hay Thủ tướng”. Tất cả cỗ bàn tiệc Tết bày sẵn đành phải “tuỳ nghi di tản”. Tết mang nặng tâm linh bỗng bị mất làm ai cũng ngẩn ngơ, lúc này mới chiêm nghiệm được hậu hoạ tai hại thiếu hoà nhập thế giới (may mới chỉ là Hội đoàn không phải “quốc gia tự trị” mang tính dân tộc như tại một số nhà nước Liên bang).

Vậy để quyền tỵ nạn trong một nhà nước pháp quyền như Đức được bảo đảm tự động, nó phải được thực hiện theo trình tự thủ tục pháp lý như thế nào (tức “quyền về thủ tục”, khái niệm trong luật học)?

Tỵ nạn tiếng Đức là Asyl, tiếng la tinh là asylum, được hiểu theo nghĩa phổ thông là nơi trú ẩn trước nguy hiểm hoặc bị theo dõi. Quyền cơ bản tỵ nạn ở Đức áp dụng cho người bị “theo dõi chính trị” được hiến định tại Điều 16a, đồng thời cũng áp dụng cả cho những người tìm tới Đức để tránh bị nguy hiểm hay đe doạ theo tiêu chí quy định tại “Hiệp định Quốc tế về lánh nạn – The 1951 Refugee Convention” mà họ đã ký kết, chủ yếu là nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, bạo lực, tôn giaó, phân biệt chủng tộc, giới tính…

Để được hưởng quyền cơ bản tỵ nạn, người xin tỵ nạn (hiểu theo nghĩa quyền chủ thể – khái niệm trong luật học) phải chứng minh được lý do họ xin tỵ nạn đáp ứng những thước đo, chuẩn mực, quy tắc xử sự quy định tại Luật tỵ nạn AsylG (quyền khách thể trong luật học) trước cơ quan xét duyệt tỵ nạn BAMF có trụ sở tại Nürnberg và chi nhánh toàn Liên bang; trải qua một trình tự thủ tục pháp lý chặt chẽ được điều chỉnh bởi các văn bản luật (quyền về thủ tục) chứ không phải theo chủ quan của nhân viên công vụ hay bất kỳ chỉ thị nào từ cấp cao nhất. Quyền thủ tục nhằm bảo đảm luật pháp được áp dụng công minh hoàn toàn khách quan, đúng người, đúng tội, tránh bỏ sót, oan, sai; ngăn chặn và chế tài mọi áp đặt chủ quan hay động cơ cá nhân của bộ máy công bộc thụ lý, hành xử.

Quyền về thủ tục bắt đầu từ khi đương sự tới đăng ký nhập trại tỵ nạn tại một điểm tiếp nhận của BAMF. Kể từ thời điểm đó, người xin tỵ nạn được hưởng quy chế bảo vệ quyền tỵ nạn bất khả xâm phạm (không bị trục xuất hay dẫn độ dù trước đó phạm tội gì, nặng tới đâu, ở nước nào) mặc dù chưa phải tỵ nạn (tức chưa được công nhận). (Ông Trịnh Xuân Thanh rơi vào trường hợp này, nên quyền về thủ tục đã buộc nhà chức trách Đức phải tuân thủ, đòi đương sự phải có mặt để giải quyết đơn xin tỵ nạn họ đang thụ lý. Họ chỉ được Luật AsylG, Điều 33, cho phép đình chỉ khi có đủ chứng cứ để xác định “Đơn xin tỵ nạn coi như được rút khi người đệ đơn rời lãnh thổ Đức và trở về đất nước mình với bất kỳ lý do gì (hiểu theo nghĩa tự thân, không có tác động bên ngoài).

Sau khi đơn được tiếp nhận, quyền về thủ tục quy định người xin tỵ nạn được cấp giấy phép lưu trú tạm thời trong phạm vị điạ phương Aufenthaltsgestattung (theo điều §56 Luật AsylG) kèm các tiêu chuẩn được hưởng (được cấp chỗ ở, đồ dùng, tiền ăn uống, sinh hoạt, tiêu vặt…). (Chỉ riêng tiêu chuẩn trên thôi, Đức thuộc nhà nước pháp quyền nên không thể muốn xử sự thế nào cũng được. Cách 2 năm trước 2 người xin tỵ nạn đã đệ đơn lên Toà án Bảo hiến đòi nâng tiêu chuẩn trợ cấp cho họ ngang bằng tiêu chuẩn trợ cấp tối thiểu cho người dân Đức nào không có thu nhập; bởi Hiến pháp Đức quy định quyền bình đẳng, nên một khi đã gọi là tiêu chuẩn tối thiểu để con người tồn tại thì phải bằng nhau. Kết quả được toà chấp thuận, buộc nhà nước phải đồng nhất tiêu chuẩn).

Nếu đơn xin tỵ nạn bị từ chối bởi không có lý do (Điều § 30 Luật AsylG), đồng nghĩa giấy phép lưu trú đã cấp bị mất hiệu lực, phải ra khỏi nước Đức, họ được quyền đệ đơn lên Toà án Hành chính chống lại. Lúc này, họ được cấp giấy phép lưu trú tạm dung, tức quyền lưu lại Đức cho tới thời điểm ghi trong án quyết. Nếu họ bị xử thua, nhưng việc rời nước Đức bất khả kháng như: bệnh nan y chỉ có thể chữa được tại Đức, mang thai hay không đủ sức khoẻ đi máy bay, kết hôn với người Đức hay người nước ngoài có quyền lưu trú ở Đức, không có giấy tờ tùy thân hoặc nước họ không tiếp nhận, về nước sẽ bị xử tử hình… được quyền đệ đơn tiếp lên Toà chống lại trục xuất. Nếu Toà chấp thuận, họ được cấp quyền lưu trú thích ứng với từng dạng đối tượng chiểu theo các điều khoản quy định tại Luật Lưu trú Đức. Ngược lại sẽ bị trục xuất (không ngoại trừ đối với ông Trịnh Xuân Thanh).

Thực tế, năm 2014, Đức tiếp nhận 202 834 đơn xin tỵ nạn. Chỉ 1,6% được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị, 24,1% với lý do nạn nhân chiến tranh, một phần còn lại thuộc diện cấm trục xuất, hay do toà bác bỏ lệnh trục xuất, tổng cộng được cư trú ở Đức trên 51%. Năm 2015 với 476 649 đệ đơn tỵ nạn, số được ở lại Đức chiếm 61%. Năm 2016 với 745 545 đơn xin tỵ nạn, số được ở lại 71%. Nghĩa là cả văn bản pháp lý đã dẫn giải, lẫn thực tế thực hiện trên cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh được bảo đảm quyền về thủ tục xét tỵ nạn chứ chưa phải được công nhận tỵ nạn. Chính vì vậy, hồi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20, khi phía đồng nhiệm Việt Nam đặt vấn đề giúp họ dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về nước, Thủ tướng Đức mới trả lời “sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền (bởi họ phải bảo đảm quyền về thủ tục, chứ không mang nghĩa họ có quyền đồng ý hay từ chối)”, (đúng cách trả lời của nhân viên công lực kiểm tra phòng chống cháy đối với Hội Người Việt Leipzig).

Cũng do quyền về thủ tục, việc ông Trịnh Xuân Thanh đệ đơn nhưng vắng mặt tại lịch hẹn mà họ nhận thấy có dấu hiệu ngờ vực bị bắt cóc (tức thuộc án hình sự) đã buộc Viện Kiểm sát Đức (hoạt động độc lập, không cần bất kỳ chỉ thị nào) phải tự động cho mở cuộc điều tra hình sự vụ án (dù nạn nhân là ai, nếu không chính Viện Kiểm sát sẽ bị luật pháp họ chế tài). Tới nay, nghi can đầu tiên là một người Việt sống ở Tiệp đã bị Đức bắt giam (có thể bị phạt tới 3 năm tù nếu bị toà kết án), qua đầy đủ các khâu từ phát lệnh truy nã toàn châu Âu, đến cảnh sát Tiệp bắt nghi can, tới Toà án Tiệp ra án quyết (do nghi phạm đệ đơn chống lệnh bắt dẫn độ), tới dẫn độ, bàn giao, theo đúng quyền về thủ tục trong thể chế pháp quyền. (Hoàn toàn khác với Mỹ hạ sát Bin Laden ở Pakistan có cả Tổng thống Obama giám sát trực tiếp vốn thuộc tình huống chiến tranh chống khủng bố. Cũng khác các đảo quốc nhỏ bé, tội phạm tham nhũng của Trung Quốc trốn ở đó, Trung Quốc đột nhập bắt cóc nhưng chẳng hề hấn gì. Hay tại một số quốc gia không có thiết chế nhà nước pháp quyền đúng nghĩa chỉ cần thoả thuận ngầm giữa các quan chức hành xử 2 nước nên không ảnh hưởng tới quan hệ quốc gia…).

Sở dĩ phía Đức tuyên bố đang “cân nhắc, bàn thảo các biện pháp” đối với Việt Nam là do quyền về thủ tục buộc họ phải chờ đợi kết quả điều tra hình sự này. Nếu kết quả điều tra bác bỏ ngờ vực, thì Điều 33 Luật AsylG được Viện kiểm sát áp dụng, đình chỉ vụ án do “người đệ đơn rời lãnh thổ Đức”; phía Đức sẽ xin lỗi, rút lại các lời cáo buộc ngờ vực trước đây. Ngược lại, nếu ngờ vực được khẳng định thì thiết chế nhà nước pháp quyền họ buộc họ phải thực hiện các “động thái tiếp theo”, nằm ngoài ý muốn, nhận thức chủ quan của 2 bên. Lúc đó không ngoại trừ sự kiện Nhà soạn nhạc Hàn Quốc Isang Yun 50 năm trước lặp lại.

Mời xem Video: Xây nhà trên đất Chùa thiêng: Nông Đức Mạnh cướp Đỗ Thị Huyền Tâm vợ bé của con trai Nông Quốc Tuấn



© TS Nguyễn Sỹ Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad