Báo chí Pháp cho biết ICC được thành lập gần 100 năm, từ năm 1923, cùng với cơ quan phụ thuộc là Tòa án Trọng tài Quốc tế do ICC chỉ định Hội Đồng Trọng tài để xét xử các vụ án liên quan đến buôn bán và kinh doanh quốc tế theo Luật quốc tế và các hợp đồng thỏa thuận giữa các quốc gia và các nhà kinh doanh của 137 quốc gia đã chính thức tham gia ICC. Việt Nam là một nước tham gia ICC.
Tòa án TTQT hàng năm thụ lý và xét xử hàng nghìn vụ kiện cáo, và tuyên án của Tòa là bắt buộc các bên phải tuân theo. Riêng trong năm 2016, Tòa thụ lý và xét xử 966 vụ án kinh tế và tài chính.
Các phiên tòa có khi ngắn vài ngày, có khi kéo dài đến mươi hôm do phải thẩm tra, đối chiếu, tranh tụng các bên, mỗi bên đều thuê những công ty pháp luật và luật sư tài giỏi nhất.
Vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện Nhà nước Việt Nam được Mạng Đối thọai ở trong nước và đài VOA ở Hoa Kỳ đăng bài nhiều kỳ, tả lại khá chi tiết về vụ án lớn. Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng trả lời nhiều cuộc phỏng vấn dài, lần này ông đòi Nhà nước Việt Nam đền bù thiệt hại về kinh tế tài chính, thêm đền bù những năm tháng bị tù đầy ác nghiệt, trong phòng tối thiếu dưỡng khí, bị cùm tay, không cho tắm rửa giữa mùa Hè.
Sáng 21 và 22/8 chúng tôi đến trước trụ sở Tòa Trọng Tài Quốc Tế, tại 112, đường Kleber, Quận XIV giữa Paris, khi Tòa đang làm việc những buổi đầu, nghe kín 2 bên trình bày. Một số bà con người Việt ở Pháp, đến từ CHLB Đức, Hà Lan… mang cờ Việt Nam Cộng Hòa và biểu ngữ đòi công bằng cho doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình. Bà con sau đó ghé các quán cà phê, bàn luận sôi nổi về vụ án này, hy vọng Tòa sẽ mở công khai những phiên cuối. Nhiều bạn trẻ giải thích vụ án cho các bạn Pháp quan tâm.
Trên đại thể, có những nhận định, phán đoán như sau.
Qua vụ án lớn xử giữa thủ đô Ánh Sáng Paris, các nhược điểm của chế độ độc đảng toàn trị kiểu vô sản chuyên chính sẽ được phơi bày nguyên vẹn. Nạn tham nhũng dưới nhiều hình thức - trắng trợn, công khai, thành từng nhóm lợi ích ở các địa phương là phổ biến, mang tính chất mafia, khinh thường luật pháp suốt hàng chục năm, ngày một nặng nề hơn.
Nền tư pháp do đảng lũng đoạn nắm chặt là công cụ để chà đạp công lý và quyền lợi hợp pháp của công dân, của các nhà kinh doanh. Các cường hào mới - quan chức cộng sản tham ăn vô - lăm le cướp tiền của, cướp đất, cướp nhà, cướp ruộng vườn, vàng bạc của quý của nhân dân, giúp nhau tẩu tán nhanh, truyền tay nhau nhanh để mất tăm tích.
Điều bi đát nhất là của cải tham ô cực lớn này đều biệt tăm biệt tích, phân tán, tan nát không sao truy ra để thu hồi, dù chỉ một phần nhỏ.
Cuối cùng là dân đen phải è lưng gánh chịu hết. Họ đã mất một phần tài sản lương thiện của mình, nay mọi khoản tiền phạt lớn hàng tỷ hay vài tỷ đô la đền bù cho nhà kinh doanh họ Trịnh cũng sẽ lấy từ ngân sách quốc gia, là mồ hôi nước mắt của hàng chục triệu lao động, nông dân, trí thức lương thiện, bị bóc lột một lần nữa trong khi bọn tham nhũng xưa và nay vẫn sống nhởn nhơ, phè phỡn trong các biệt thự xa hoa sang trọng. Hai lần bất công !
Trong thời hội nhập hơn 40 năm nay, chế độ và Nhà nước Việt Nam đã được hưởng nhiều điều lợi lớn, vài trăm tỷ đôla FDI và ODA, thì nay ắt phải được giáo dục chu đáo để mở mắt thấy thật rõ thế nào là nền pháp quyền quốc tế, thế nào là một nền tư pháp nghiêm minh, độc lập, công bằng cho mọi người.
Một chế độ cổ hủ, vô pháp, vô đạo, tối tăm đã đến lúc phải cáo chung, nhường chỗ cho một chế đô dân chủ - pháp quyền, nghiêm minh, trong sạch, xứng đáng với dân tộc vốn chuộng công bằng và lòng nhân ái.
Mời xem Video: Bộ Công An muốn chuyển thông điệp gì khi đưa thông tin mới nhất về Chủ tịch Trần Đại Quang biến mất?
Bùi Tín
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét