‘Cáo bạc’ Trung Quốc đến Hà Nội ‘mua láng giềng gần’? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

‘Cáo bạc’ Trung Quốc đến Hà Nội ‘mua láng giềng gần’?


Ủy viên Quốc vụ-Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) bắt tay Phó thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Bình trong một chuyến thăm Hà Nội 

Mặc dù nghị trình làm việc của Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm chính thức 4 ngày (30/3 – 2/4) đến Việt Nam không được tiết lộ cụ thể, nhưng theo một nhà nghiên cứu khu vực, các vấn đề “nóng” giữa hai bên như đàm phán về Vịnh Bắc Bộ, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các tranh chấp trên biển… có thể sẽ được đề cập tới, mặc dù cả hai bên chắc chắn đều không bước qua “lằn ranh đỏ”.

Phát biểu tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) tại Hà Nội ngày 30/3, người được mệnh danh là “Cáo bạc” Trung Quốc ca ngợi sáng kiến tổ chức hội nghị của Việt Nam.

Ông nói: “Trung Quốc có câu bán anh em xa mua láng giềng gần, các quốc gia láng giềng quan trọng với sự phát triển của Trung Quốc, các bạn cũng là những nước được hưởng lợi nhiều nhất và đầu tiên. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự bao trùm, quan hệ đối tác hữu hảo với các quốc gia trong khu vực”, theo Dân Trí.

Nhân vật quan trọng thứ hai về ngoại giao của Trung Quốc nói thêm rằng Bắc Kinh “sẵn sàng làm sâu sắc hơn lòng tin chính trị giữa các quốc gia” và hoan nghênh các quốc gia tham gia vào “con tàu cao tốc phát triển của Trung Quốc”.

Mặc dù nghị trình làm việc cụ thể của ông Vương Nghị không được tiết lộ, nhưng theo TS. Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, ngoài vấn đề thúc đẩy hợp tác kinh tế, chuyến thăm của “Cáo bạc” Trung Quốc đến Hà Nội có thể cũng sẽ đề cập đến những nội dung khác.

“Có mấy vấn đề. Một là các cam kết hai bên. Kỳ vừa rồi là các cuộc đàm phán về phân chia Vịnh Bắc Bộ và việc dùng chung các vùng đã phân chia rồi nhưng chưa đạt kết quả. Hai, việc triển khai sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ vẫn chưa rõ ở Việt Nam. Ba là vấn đề Biển Đông, làm sao lần này phải cùng với ASEAN đàm phán để ký COC. Thứ tư là những vấn đề cụ thể hơn về tranh chấp giữa hai bên trên biển”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 29/3, người phát ngôn Trung Quốc Lục Khảng nói chuyến đi của Ủy viên Quốc vụ-Ngoại trưởng Vương Nghị đến Việt Nam “phản ánh tầm quan trọng của việc Trung Quốc chú trọng phát triển mối quan hệ song phương”. Trong đó, ông Vương Nghị sẽ “trao đổi quan điểm” với các lãnh đạo Việt Nam về việc triển khai kết quả của chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng bí thư và Chủ tịch Tập Cận Bình, tăng cường trao đổi chiến lược song phương và hợp tác hai bên cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực và thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra chỉ một tuần sau khi có tin một dự án khoan dầu mà Việt Nam cấp phép cho công ty Tây Ban Nha Repsol khai thác ở khu vực tranh chấp Biển Đông đã phải tạm dừng vì áp lực từ phía Trung Quốc.

Nhận định về sự kiện này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng áp lực của Bắc Kinh là đối với tập đoàn Repsol, chứ không phải với Việt Nam.

“Về mặt kinh doanh, nếu Repsol tạm dừng và không tiếp tục khai thác trong thời gian tới, thì có thể liên doanh ở Việt Nam sẽ thuê người khác”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Theo ông, “Không nên nghĩ đó là một bước lùi. Và nếu là một bước lùi, thì có lẽ là cả hai bên đều có lằn ranh đỏ mà không ai bước qua cả”.

Theo nhà nghiên cứu này, bất chấp các cuộc đón tiếp long trọng dành cho các lãnh đạo Trung Quốc, không có dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ “nhượng bộ” Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

“Các cuộc đón tiếp các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Việt Nam luôn diễn ra một cách trọng thị. Bề ngoài rất lễ phép và rất tốt, nhưng bên trong khó có gì để có thể thỏa hiệp được”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Ông Vương Nghị nổi tiếng là một nhà ngoại giao nổi tiếng “cứng rắn” trong việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, đặc biệt trong tranh chấp Biển Đông.

Ông được chính thức thăng chức Ủy viên Quốc vụ viện hôm 19/3.

Các chuyên gia cho rằng trong vai trò mới, ông Vương Nghị sẽ tiếp tục cố vấn và báo cáo cho các lãnh đạo hàng đầu để giúp thực hiện viễn kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc nâng cao vị thế ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu.


Khánh An
VOA






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad