Số phận “Vũ nhôm” và khối tài sản phi pháp đang chờ đợi phía trước - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Số phận “Vũ nhôm” và khối tài sản phi pháp đang chờ đợi phía trước


Số phận “Vũ nhôm” và khối tài sản phi pháp đang chờ đợi phía trước

Nhằm phục vụ công tác điều tra vụ án theo như yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an, Ủy ban TP.Đà Nẵng ra công văn số: 10464/UBND-NC ký ngày 26/12/2017, về việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi chủ sở hữu để phong tỏa tài sản đối với ông Phan Văn Anh Vũ, tức “Vũ nhôm” và 03 cá nhân khác. “Vũ nhôm” hiện đã bị bắt nhưng dư luận quan tâm “Vũ nhôm” tuồn tài sản đi đâu? Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) có thu lại được khối tài sản phi pháp của “Vũ nhôm” hay không?…

Theo đó, Ủy ban TP.Đà Nẵng gửi công văn số: 10464/UBND-NC đến sở Tư pháp, sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế thành phố, Ủy ban các quận, huyện, xã, phường, Văn phòng đăng bộ đất đai thành phố, chi nhánh Văn phòng đăng bộ đất đai các quận, huyện, các phòng Công chứng số 1,2,3 và các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ đạo phong tỏa tài sản của 04 chủ sở hữu gồm:

-Phan Văn Anh Vũ (sinh ngày 2/11/1975), tức “Vũ nhôm”

-Lê Văn Sáu (sinh ngày 5/1/1975)

-Trần Đại Vũ (sinh ngày 19/5/1975)

-Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh ngày 3/4/1978)

Trong số 04 người này thì “Vũ nhôm” là tâm điểm của giới truyền thông và cũng là người hiện đang bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt giam, khởi tố cùng lúc hai tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.

Quan chức tham nhũng, làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật không sớm thì muộn bất cứ ai dù là trùm mafia hay là quan chức cấp cao rồi cũng đến ngày phải sa lưới, đền tội cho những hành vi sai trái của mình, “Vũ nhôm” cũng không phải là người ngoại lệ. Có điều, vụ án “Vũ nhôm” dư luận còn đặc biệt quan tâm thêm là khối tài sản phi pháp mà “Vũ nhôm” có được đã tuồn đi đâu? Liệu rằng sau khi Bộ Công an ra quyết định phong tỏa tài sản, nhà cầm quyền CSVN nói chung có thu hồi được khối tài sản phi pháp của “Vũ nhôm” hay không?

Photo Credit: vietnamnet
Với một người có đầy kinh nghiệm giao tiếp ở chốn quan trường và lặn lội ở xã hội, phải biết kết hợp bốn yếu tố; thứ nhất là hậu duệ, thứ nhì là quan hệ, thứ ba là tiền tệ và thứ tư mới là trí tuệ nên “Vũ nhôm” không ngần ngại tung tiền để tạo mối quan hệ với nhiều cấp lãnh đạo ở Đà Nẵng, điều này đã đưa “Vũ nhôm” từ một thợ nhôm kính trở thành một người đầy quyền lực và giàu có bậc nhất Đà Thành. “Vũ nhôm” thừa hiểu mỗi một biến động ở giới chính trị sẽ có tác động rất lớn đến bước đường làm ăn của mình nên một thời gian dài bình yên ở Đà Thành từ thời Nguyễn Bá Thanh cho đến thời Nguyễn Xuân Anh được coi là thời hoàn kim của “Vũ nhôm”. Trong công việc làm ăn, giới tài chính và bất động sản ở Đà Nẵng không ai không biết “Vũ nhôm” thậm chí phải dè chừng khi làm ăn chung.

“Vũ nhôm” sở hữu rất nhiều khu đất ở vị trí đắc địa ở Đà Nẵng, con sông Hàn biểu tượng vẻ đẹp và tầm vóc của Đà Nẵng thì “Vũ nhôm” có đến hai nhà hàng lấn sông ở đây.

Cho đến tháng 04/2017, mạng Internet lan tải đầy thông tin nội bộ chính trị ở Đà Nẵng đấu đá lẫn nhau, ma cao điểm cuộc đấu đá lúc bấy giờ là giữa Bí thư thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Ủy ban thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Mặc dù giới chính trị Đà Thành tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền của để thông tin báo đài là không có chuyện nội bộ đấu đá. Tuy nhiên, giấy làm sao che đậy được lửa, mạng Internet ngày càng lan tin cuộc đấu đá ở Đà Thành khốc liệt hơn, phanh phui chuyện nhận quà của ông Nguyễn Xuân Anh, rồi tung tin kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ. Vượt tầm Đà Thành kéo ra tận Trung ương, “Vũ nhôm” thừa hiểu những nguy cơ báo hiệu ngày suy sụp của mình đã đến.

Tháng 04/2017, Phó Thủ tướng CSVN ông Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ hút cát trái phép ở Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) để đem về lấp biển ở Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước do Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 của “Vũ nhôm” làm chủ đầu tư. “Rút dây động rừng”, giờ “Vũ nhôm” thấy nguy hiểm đến mình quá rõ ràng nên quyết định thoái vốn những công ty của bản thân và hàng loạt công ty “sân sau”.

Cụ thể theo tờ báo mạng VTCNews, tháng 04/2017, “Vũ nhôm” rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn tại Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.

Cũng trong tháng 04/2017, “Vũ nhôm” đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng tại Công ty TNHH Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound), đây cũng là công ty tặng ông Nguyễn Xuân Anh xe Toyota Avalon gây đình đám tại Đà Thành.

Từ ngày 19/4/2017 – 28/6/2017, “Vũ nhôm” rút 100% vốn tại siêu dự án Vầng Trăng Khuyết (The Sunrise Bay).

Tháng 9/2017, Trung tướng Phan Đăng Yến, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra ký văn bản số 31 để điều tra dự án mà “Vũ nhôm” mua từ công sản.

Tháng 10/2017, Bí thư thành ủy Đà Nẵng ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật cách hết các chức vụ.

Không tính nguồn vốn còn mắc kẹt ở Ngân hàng Đông Á thì về cơ bản, đến thời điểm này “Vũ nhôm” đã tuồn hết vốn ở những công ty làm ăn bao gồm cả những công ty “sân sau”. Ở đây cũng cần phải nói thêm, với những Công ty “sân sau”, trước đó “Vũ nhôm” ngoài việc góp vốn trực tiếp hoặc nhờ người khác đứng tên hộ để vốn góp nay thấy biến động vội thoái vốn. Đây là chiêu “ve sầu thoát xác” mà giới đại gia ở Việt Nam chuyên dùng là nhờ người đứng tên với những tài sản phi pháp.

Công ty Nova Bắc Nam 79 sau khi “Vũ nhôm” thoái hết vốn đã đổi tên thành Công ty Chấn Phong vào ngày 19/12/2017, đã bán hết 25,125 triệu cổ phần Seaprodex cho ông Ngô Minh Anh, riêng ông Trương Bảo Kim là thành viên Hội đồng quản trị Seaprodex đã mua vào 17,353 triệu cổ phần Seaprodex. Ông Kim và ông “Vũ nhôm” lại có liên quan với nhau vì từng được bầu làm Thành viên Hội Đồng quản trị Seaprodex đại diện cho cổ đông tại Công ty Chấn Phong.

Mối làm ăn liên quan đến “Vũ nhôm” còn có một người nữa là ông Ngô Áng Hùng. Vào ngày 07/04/2017, ông Áng Hùng nhận chuyển nhượng 80% cổ phần trong Công ty CP Phú Gia Compound từ ông “Vũ nhôm”.

“Vũ nhôm” hiện tại đã bị bắt, đang bị giam giữ ở trại tạm giam Bộ Công an. Tuy nhiên, với một vụ án lớn chí ít là chấn động Đà Thành với số tiền phi pháp lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng chẳng lẽ chỉ có mình “Vũ nhôm” bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Một mình “Vũ nhôm” bị bắt? Những người làm ăn, tiếp tay cho “Vũ nhôm” phạm tội lẽ nào vô can? Rồi số tiền phi pháp mà “Vũ nhôm” có được đã tuồn đi đâu? Nhà cầm quyền CSVN có thu hồi lại được hay không? Qúa nhiều câu hỏi mà dư luận quan tâm đang cần câu trả lời.

Blogger Tô Oanh, một tiếng nói phản biện ở Việt Nam có thời gian theo dõi nhiều phiên xử quan chức tham nhũng ở Việt Nam hoặc những phiên xử đại án kinh tế, tài chính thì cho rằng hầu hết loại hình tội phạm này là những Đảng viên, quan chức lãnh đạo đều là Đảng viên chứ không thể là dân bình thường được. Vậy thân phận “Vũ nhôm” là như thế nào?

Khối tài sản mà loại hình tội phạm này sau khi phạm pháp có được vậy đã tuồn đi đâu? Một phần quá trình phạm pháp đã chia nhỏ với nhau, phần khác thì gửi ra nước ngoài như chia sẻ của Blogger Tô Oanh.

“Số tiền họ cướp của dân phần nhiều là chuyển ra nước ngoài đặc biệt họ mua nhà cửa bên Hoa Kỳ, bên Úc để cho con cái qua bên sang học bên ấy. Nó là như thế.”

Việt Nam trong những năm qua có quá nhiều đại án tham nhũng, đại án kinh tế bị đưa ra xét xử theo cái gọi là chống tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng CSVN. Từ đại án Dương Chí Dũng ở Vinalines đến đại án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ở PVN cho thấy số tiền thuế của dân đóng vào ngân sách Nhà nước bị thất thoát không hề nhỏ, ảnh hưởng đến tiềm lực phát triển kình tế của Việt Nam rất là lớn.

Blogger Tô Oanh cho rằng công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đang có dấu hiệu phe nhóm lợi ích đấu đá nhau.

“Còn việc chống tham nhũng trong nước tôi không tin là chống tham nhũng không mà chắc còn lợi dụng với nhau, họ đều vướng nhau không thể chống được, họ diệt phe nhóm như nhóm nọ hạ nhóm kia thôi .”- Blogger Tô Oanh nói.

Và cũng từ những đại án tham nhũng, đại án kinh tế, tài chính đã bị đưa ra xét xử, Blogger Tô Oanh kết luận phiên xử có kết tội các bị cáo và tuyên những mức án khác nhau, có người bị tuyên án đến tử hình, nhưng thật khó thu hồi khối tài sản phi pháp của những bị cáo.

“Thường thì việc xét xử ở Việt Nam có nhiều bản án đã có sẵn, gọi là án bỏ túi, việc xét xử không công minh và kết quả thực hiện bản án ra sao thường không thu lại được tiền tham nhũng. Tòa có nói truy thu này nọ nhưng rồi được mấy người theo dõi, được mấy người bị thu. Tôi nghĩ số tiền thất thoát rất khó thu lại.”

Vậy “Vũ nhôm” hay Phan Văn Anh Vũ trước sau gì cũng bị đưa ra tòa xét xử nhưng khối tài sản phi pháp của “Vũ nhôm” sẽ giải quyết như thế nào? Khó thu không có nghĩa là không thu được, số phận “Vũ nhôm” và khối tài sản phi pháp của “Vũ Nhôm” đang chờ đợi câu trả lời phía trước./.

Quê Hương
Calitoday

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad