Sức ép thời gian
Chỉ sau Tết Nguyên Đán 2018 khoảng 3 tuần, không khí chính trường Việt Nam lại sôi sục cùng sức nóng hầm hập bốc ra từ “lò” của Tổng Bí Thư Trọng. Liên tiếp các vụ “công an đánh bạc” bắt Thiếu Tướng Công An Nguyễn Thanh Hóa, mở phiên tòa xử cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng vụ “800 tỷ,” tiếp tục điều tra vụ Vũ “Nhôm,” chỉ đạo xử lý vụ “Mobifone mua AVG”…
Một tuần sau ngày 12 Tháng Ba là thời điểm ông Trọng cùng dàn tham mưu là ban bí thư họp để chỉ đạo xử lý vụ “Mobifone mua AVG,” nguồn tin từ Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương cho biết cơ quan này đã phân công người tiếp nhận hồ sơ thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và sẽ sớm lập đoàn kiểm tra, xử lý trách nhiệm chính trị những người có khuyết điểm liên quan.
Tuy nhiên, việc “phân công tiếp nhận” trên có thể chỉ là một cách nói mang tính bề mặt. Bởi nếu Hội Nghị Trung Ương 7 diễn ra đúng vào Tháng Tư thay vì Tháng Năm, sức ép về thời gian đối với Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương sẽ rất lớn. Sẽ rất cập rập và có thể dẫn đến hiệu quả kiểm tra kém chất lượng nếu sắp tới mới “lập đoàn kiểm tra,” chưa kể còn phải có thời gian hoàn tất báo cáo kiểm tra, trình Ban Bí Thư và Tổng Bí Thư.
Rất có thể, ngay vào lúc này bản dự thảo kết luận kiểm tra của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương về vụ “Mobifone mua AVG” đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ “kiểm tra bổ sung” và gia cố thêm một số tình tiết, đánh giá mới, liên quan những nhân vật cao cấp “đến lúc này mới chịu khai.”
Có một “kinh nghiệm” làm báo cáo bảo đảm tính tốc độ và còn ghi kỷ lục của ngành tư pháp Việt Nam: trong quá tình tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng, Viện Kiểm Sát Tối Cao đã chỉ mất có 6 ngày để hoàn tất bản cáo trạng. Trước đó, Cơ Quan Điều Tra Bộ Công An chỉ mất có 11 ngày để hoàn tất kết luận điều tra.
Trên phương diện cơ học, chẳng có gì quá đáng ngạc nhiên đối với Cơ Quan Điều Tra nếu cơ quan này mang bản kết luận điều tra – đã được cơ bản hoàn tất từ sau khi có kết luận kiểm tra của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương về vụ Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam vào Tháng Tư, 2017 – để “tân trang” thành báo cáo kết luận điều tra chính thức. Và cũng chẳng có gì lạ nếu Viện Kiểm Sát Tối Cao lại “sao y bản chánh” kết luận điều tra thành cáo trạng, chỉ thay ngày tháng năm, tên cơ quan, chữ ký và con dấu.
Vào ngày 16 Tháng Giêng, 2018, thanh tra chính phủ đã báo cáo với Ban Bí Thư và Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương về vụ “Mobifone mua AVG.” Đó cũng là lần đầu tiên dự thảo thanh tra về vụ việc này được chính thức báo cáo và đưa tin, ngay sau khi một phó tổng thanh tra là Ngô Văn Khánh vừa nghỉ hưu. Ngô Văn Khánh vốn được biết đến có nhiều tài sản “khủng” hết sức bất thường, lại phụ trách thanh tra vụ “Mobifone mua AVG” nhưng đã cố ý “ngâm tôm” không công bố kết luận thanh tra hơn một năm trời.
Rất có thể, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đã “copy” kết luận thanh tra từ Tháng Giêng, 2018, để đến lúc này đã có trong tay một cơ sở dữ liệu đồ sộ trên cơ sở “kế thừa” từ thanh tra chính phủ.
Tiến độ xử lý vụ “Mobifone mua AVG” cũng bởi thế có thể sẽ nhanh, thậm chí rất nhanh.
Nếu Hội Nghị Trung Ương 7 diễn ra đúng vào Tháng Tư thay vì Tháng Năm, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương sẽ phải hoàn tất báo cáo kết luận kiểm tra vụ này và công bố – nếu được phép của ông Trọng cho công bố – chậm nhất vào giữa Tháng Tư. Động thái này cũng có thể diễn ra dồng thời, hoặc lệch pha không nhiều về thời gian với việc Bộ Công An ra quyết định khởi tố vụ án “Mobifone mua AVG.”
Vào Tháng Tư, 2017, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đã bất ngờ tung ra bản kết luận kiểm tra đối với sai phạm “rất nghiêm trọng” của Đinh La Thăng tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, chỉ hai tuần trước khi diễn ra Hội Nghị Trung Ương 5 mà đã loại ông Thăng khỏi Bộ Chính Trị.
Và sẽ khác với kết luận thanh tra, trong kết luận kiểm tra đảng có thể sẽ hiện ra những cái tên cụ thể của quan chức sai phạm “rất nghiêm trọng.” Sẽ có ít ra vài ủy viên trung ương bị “điểm danh” và do đó sẽ tiếp bước số phận “bị loại khỏi vòng chiến đấu” như Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, 2017.
Ai?
Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất hai cái tên ủy viên trung ương đảng rất nhiều triển vọng “bị loại khỏi vòng chiến đấu” tại Hội Nghị Trung Ương 7: Trần Quốc Cường và Trương Minh Tuấn.
Vào Tháng Ba, 2018, một bản thông cáo báo chí kỳ họp 23 của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đã hé lộ “Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trần Quốc Cường, ủy viên Trung Ương Đảng, phó bí thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk, nguyên bí thư Đảng Ủy, cục trưởng Cục Chính Trị – Hậu Cần (B41), Tổng Cục V, Bộ Công An.”
Tổng Cục V lại chính là Tổng Cục Tình Báo – “cái nôi” của Thượng Tá Tình Báo Công An Phan Văn Anh Vũ. Vào thời gian này đã xuất hiện một số đánh giá cho rằng “đồng chí Trần Quốc Cường” và “một đồng chí thứ trưởng Bộ Công An” có liên đới trách nhiệm trong vụ Phan Văn Anh Vũ.
Với người còn là bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông trên danh nghĩa là Trương Minh Tuấn, sau cú phản đòn với văn bản phản bác kết luận thanh tra nhưng không thành công khi bị chính cấp trên ra lệnh gỡ văn bản đó khỏi mặt báo chí nhà nước. Ông Tuấn còn bị chính những tờ báo cấp dưới dẫn ra những bằng chứng rõ rệt để quy vào hành vi “cố ý làm trái” – một tội danh mà vào Tháng Giêng năm 2018, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng đã phải chịu trong phiên tòa “119 tỷ” và do đó đã phải nhận mức án đến 13 năm tù giam.
Số phận Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn coi như đã “xong,” hoặc chỉ còn rất ít hy vọng “thoát” tại Hội Nghị Trung Ương 7 và vòng lao lý ập đến ngay sau, hoặc ngay trước hội nghị này.
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét