Những ngày cuối Tháng Ba, 2018, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chính thức cho biết không còn nội dung đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam trong bản dự thảo Luật An Ninh Mạng gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc Hội, với lý do “để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.”
Việc lược bỏ quy định trên diễn ra trong bối cảnh một trong những nhân vật tỏ ra bảo thủ, kiên định Cộng Sản và mang quan điểm “siết Internet” nhất là Bộ Trưởng Thông Tin-Truyền Thông Trương Minh Tuấn lại bị “dính” vụ “Mobifone mua AVG” – rất có thể không chỉ liên đới trách nhiệm mà còn là phần “lại quả” lớn lao.
Từ thời điểm Ban Bí Thư đảng cầm quyền công bố chỉ đạo giải quyết vụ “Mobifone mua AVG” vào ngày 8 Tháng Ba, 2018, cho tới nay, ông Trương Minh Tuấn hầu như “biến mất” khỏi các hoạt động quản lý và chính trị.
Kẻ mất
Vào năm 2016, Bộ Tài Chính đã “mạnh dạn” đề nghị và sau đó tiến hành ngay chính sách thu thuế bán hàng qua mạng để “bù đắp khó khăn ngân sách.” Nhiều doanh nghiệp và cả cá nhân trước đó không phải đóng thuế khi quảng cáo hoặc PR bán hàng trên mạng xã hội, bắt đầu bị cơ quan thuế lẫn công an mạng “truy nã.”
Theo cách nhìn riêng của Bộ Tài Chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức: qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến; thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh-kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Chỉ có điều, quản lý thu thuế trong nước là dễ hơn nhiều so với thu thuế của các hãng nước ngoài, vì các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong nước đã được cơ quan thuế áp mã số thuế nên dễ theo dõi và truy thu. Trong khi đó, các nhà mạng nước ngoài đa phần lại không có đại diện hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nên dù Bộ Tài Chính quá muốn thu thuế thì cũng chẳng biết phải gặp ai và gặp ở đâu.
Vào cuối năm 2017, ngay sau khi Bộ Công An tung ra dự thảo Luật An Ninh Mạng với Điều 34 đòi “đặt máy chủ ở Việt Nam,” đến lượt Bộ Tài Chính tung ra dự thảo mới về Luật Quản Lý Thuế với đòi hỏi nhà cung cấp nước phải khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Sau mục đích đầu tiên của Bộ Công An về quản lý an ninh chính trị mà đã bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt, đã lộ ra mục đích thứ hai: cơ quan được ví là “tay hòm chìa khóa” của chính phủ và cũng của cả Bộ Chính Trị đảng đang tìm cách “ăn theo” Luật An Ninh Mạng bằng cách gia tăng áp thuế và hy vọng có thể thu bẫm thuế trong một khu vực kinh doanh mà từ trước tới giờ ngành thuế của Việt Nam không với tay được.
Hẳn đã có những cuộc họp liên bộ Tài Chính – Công An – Thông Tin Truyền Thông để phối hợp đồng bộ vừa siết mạng vừa thu tiền theo phương châm “không cho chúng nó thoát.”
Trong khi đó, tình hình ngân sách nhà nước đã trở nên bi đát.
Năm 2017 đã chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong khi tỉ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức cao mà không hề giảm đi, tỉ lệ thu ngân sách lại sụt giảm đáng kể – giảm hơn 3% so với dự toán đầu năm. Với đà thu thuế như hiện nay, rất có thể đến cuối năm 2018 ngân sách trung ương sẽ bị hụt thu đến 7% so với dự toán đầu năm – một tỉ lệ rất cao và sẽ khiến ngân sách này không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần ba triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là “không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương.”
Cùng lúc, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy, 2017, tức lãi suất tăng gấp ba lần và thời gian ân hạn giảm còn một nửa so với cơ chế vay tín dụng ưu ái trước đó.
Đó cũng là nguồn cơn kiến Bộ Tài Chính chăm bẳm tìm cách đánh thuế các nhà mạng nước ngoài. Để song trùng các “phát minh” thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế “bảo vệ môi trường” và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần “hạ lưu” qua thuế xăng dầu, thuế sử dụng đất, thuế VAT, và có trời mới biết còn bao nhiêu loại thuế khác – tình cảnh mà ngày càng nhiều người dân và cả quan chức phải thốt lên “sưu cao thuế nặng thế này thì còn hơn cả thời thực dân!”
Quy định “đặt máy chủ ở Việt Nam” (Khoản 4, Điều 34) được đưa vào dự thảo Luật An Ninh Mạng bởi vì Bộ Công An vào năm 2017, cùng lúc được sự “nhất trí cao” của Bộ Thông Tin-Truyền Thông – cơ quan quản lý chính về Internet, đặc biệt mang dấu ấn của Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn khi ông Tuấn khăng khăng đòi các hãng Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nhưng khi buộc phải gỡ bỏ quy định “đặt máy chủ ở Việt Nam,” không chỉ ông Trương Minh Tuấn mà cả chính thể Việt Nam còn mất cơ hội thu được một khoản phí lớn – có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng – từ việc kinh doanh của các nhà mạng quốc tế tại Việt Nam.
Ai được?
Chính một con số thống kê của Bộ Thông Tin-Truyền Thông CSVN đã cho biết có tới hơn 80% người Việt dùng mạng xã hội. Cơ chế cấm cản mạng xã hội ở Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thông tin trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến GDP – vốn đang quá èo uột – sẽ tăng tốc sụt về số âm.
Ngoài ra, còn có một nguồn cơn rất “tế nhị” và khác hẳn Trung Quốc: Trong khi ở Trung Quốc vẫn chưa xuất hiện “nhu cầu đấu đá nội bộ thông qua mạng xã hội,” thì từ năm 2012, ở Việt Nam đã chính thức diễn ra cuộc chiến nội bộ đảng với trang mạng xã hội có tên Quan Làm Báo.
Đến cuối năm 2014, một trang mạng còn ghê gớm hơn là Chân Dung Quyền Lực đã hiện hình và khuynh đảo cả chính trường. Trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, một số trang mạng xã hội cũng làm mưa làm gió với những tin tức thuộc loại “Tối Mật,” Tuyệt Mật” của đảng và chính quyền. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều trang mạng xã hội nặc danh được tung ra với ngồn ngộn thông tin phanh phui giới quan chức trong nội bộ về nạn tham nhũng, tài sản khủng, bồ nhí con riêng, thủ đoạn chạy chức chạy quyền…
Làm thế nào để “nhu cầu đấu đá nội bộ” có thể tồn tại trong thời gian tới, đặc biệt trong cuộc chiến sát phạt thâu tóm giữa các nhóm quyền lực mới – lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực cũ – lợi ích cũ, nếu mạng xã hội bị chính các cơ quan quản lý Việt Nam siết chặt, còn Facebook và Google có thể bỏ chạy khỏi Việt Nam?
Nhu cầu nội bộ đầy tế nhị ấy lại đang có triển vọng tăng vọt trong năm 2018 này…
Vào năm 2010, sau hàng loạt chính sách “siết cứng” ở Trung Quốc, hãng Google đã phải “bỏ của chạy lấy người.”
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét