Công nhân và đình công khi Việt Nam vào CPTPP - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Công nhân và đình công khi Việt Nam vào CPTPP


Gần 4000 công nhân Công ty Yamani Dynasty đình công từ ngày 21 đến ngày 26/03/2018, tại Nam Định.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Vào tháng 3 vừa qua, Việt Nam ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong cùng thời điểm, hàng ngàn công nhân Việt Nam biểu tình khắp từ Bắc đến Nam để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Vai trò của các tổ chức Công đoàn và mối tương quan giữa các tổ chức đó với công nhân ở Việt Nam như thế nào trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia CPTPP?

Biểu tình liên tục

Những ngày hạ tuần tháng 3, truyền thông trong nước đưa tin hàng ngàn công nhân biểu tình tại các công ty ở Thái Bình, Nam Định và Đồng Nai; bao gồm Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kỹ thuật Điện tử Fu Hong Việt Nam, Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Yamani Dynasty và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Pounchen Vina.

Công nhân làm việc cho các doanh nhiệp này cho báo giới biết họ biểu tình để phản đối chính sách của công ty, như công nhân không đủ sức làm việc vì bị ép tăng sản lượng, không được nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương được cải cách không phù hợp…

Đài RFA ghi nhận cuộc đình công của gần 4000 công nhân tại Công ty Yamani Dynasty đạt được kết quả, với 14 yêu cầu của công nhân được chủ doanh nghiệp đáp ứng 9 điều. Còn hàng ngàn công nhân làm việc tại Công ty Pouchen Vina đưa ra hai yêu cầu trong cuộc đình công cũng đạt được nguyện vọng, qua thông báo của công ty này hứa hẹn sẽ thực hiện.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến các cuộc biểu tình của công nhân rằng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hỗ trợ nào cho họ trong việc thương thuyết những bất đồng với chủ doanh nghiệp hay không, một công nhân làm việc tại Công ty Pouchen Vina cho biết:

Thật sự mà nói thì Liên đoàn Lao động không giúp được gì hết. Bởi vì, Liên đoàn Lao động trong ngày thứ nhất giải quyết không ổn thỏa, thành ra sang ngày thứ hai thì công nhân mới cùng nhau ra đường biểu tình, để gây áp lực bắt buộc công ty công nhận quyền lợi của mọi người

-Công nhân Công ty Pouchen Vina
“Thật sự mà nói thì Liên đoàn Lao động không giúp được gì hết. Bởi vì, Liên đoàn Lao động trong ngày thứ nhất giải quyết không ổn thỏa, thành ra sang ngày thứ hai thì công nhân mới cùng nhau ra đường biểu tình, để gây áp lực bắt buộc công ty công nhận quyền lợi của mọi người. Liên đoàn Lao động nếu họ quan tâm đến quyền lợi của công nhân thì ngay từ lúc đầu nếu công ty muốn làm điều gì đó đã thông qua Liên đoàn Lao động rồi, chứ đâu có đợi công nhân lên tiếng phản đối như vậy.”

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận có gần 300 cuộc biểu tình của công nhân nổ ra tại Việt Nam trong năm 2016 và con số này tăng lên khoảng 314 cuộc biểu tình trong năm 2017. Phần đông các công nhân tại Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc được đều cho biết họ không có thông tin nào về Liên đoàn Lao động, một tổ chức đại diện cho họ ở cấp địa phương. Mỗi khi xảy ra sự không đồng thuận giữa công nhân và chủ doanh nghiệp, thì họ mới thấy có sự hiện diện của Liên đoàn Lao động. Tuy nhiên, theo các công nhân thì thông thường Liên đoàn Lao động luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp, thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức đình công tập thể.

Nhận định về xu hướng biểu tình của công nhân tại Việt Nam trong những năm vừa qua, một thành viên của tổ chức Công đoàn độc lập, có tên Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao động Việt) nói với RFA:

“Vừa qua, có một tổ chức khảo sát lương tháng của lao động Việt Nam thấp hơn 10 lần so với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, mình có thể thấy được sức lao động của công nhân Việt Nam đã bị bốc lột tới chừng nào. Ngoài tiền lương thấp rồi, thì những chế độ khác của họ đều bị tước đoạt. Người ta nói con giun bị xéo cho lắm cũng oằn, thì công nhân Việt Nam cũng đang trong tình trạng đó. Theo dõi trên truyền thông, tôi nhận thấy những cuộc đình công đều là do sự bức xúc của công nhân. Họ không còn có thể chịu đựng được nữa thì họ nổ ra những cuộc đình công theo kiểu tự phát, không hề có một sự trợ giúp hay hộ trỡ nào của Công đoàn (Liên đoàn Lao động) trước đó.”

Vai trò của tổ chức Công đoàn

Trong khi giới công nhân tại Việt Nam cho rằng Liên đoàn Lao động chỉ là một tổ chức hình thức, không đồng hành cùng công nhân trong việc đại diện cũng như bảo vệ quyền lợi cho họ thì Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào ngày 26 tháng 3 nói với báo giới quốc nội rằng về cơ bản Công đoàn Việt Nam vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ quan điểm chỉ đạo của Đảng và hệ thống chính trị, cơ chế không cho phép Công đoàn Việt Nam hoạt động tự do như các nước tư bản phương Tây, do đó công nhân nên hiểu rõ và chấp nhận. Tiến sĩ Vũ Quang Thọ còn nhấn mạnh ông nghĩ rằng công nhân cần hòa hoãn nhiều để giữ được việc làm của mình, chứ không phải bất kỳ điều gì không vừa ý là đình công, bãi công.

Trái ngược lại quan điểm của Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, ông Đoàn Huy Chương, một trong những người sáng lập tổ chức Công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt nhận xét về nhận thức và nhu cầu của giới công nhân tại Việt Nam:

“Thứ nhất là thông qua mạng truyền thông Facebook, công nhân tìm hiểu và nhận thức được quyền lợi của họ. Thứ hai, song song với truyền thông mạng xã hội thì các tổ chức, không phải của nhà nước, luôn tìm cách để hỗ trợ công nhân; chẳng hạn như các tổ chức Lao Động Việt và Phong Trào Lao Động Việt luôn luôn gặp gỡ công nhân và nói cho họ biết về quyền lợi của họ và không phải sợ sệt. Từ chỗ đó, công nhân mạnh mẽ lên và họ đòi hỏi quyền lợi của mình.”

Thông qua mạng truyền thông Facebook, công nhân tìm hiểu và nhận thức được quyền lợi của họ. Thứ hai, song song với truyền thông mạng xã hội thì các tổ chức, không phải của nhà nước, luôn tìm cách để hỗ trợ công nhân; chẳng hạn như các tổ chức Lao Động Việt và Phong Trào Lao Động Việt luôn luôn gặp gỡ công nhân và nói cho họ biết về quyền lợi của họ và không phải sợ sệt. Từ chỗ đó, công nhân mạnh mẽ lên và họ đòi hỏi quyền lợi của mình

-Ông Đoàn Huy Chương
Việt Nam vừa ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 8 tháng 3 năm 2018. Trong đó, một trong những ràng buộc mà Việt Nam phải thực hiện là cho phép các tổ chức Công đòan độc lập hoạt động hợp pháp. Trong cuộc trao đổi với Báo Kinh tế Đô thị, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ khẳng định Công đoàn Việt Nam gặp nhiều thách thức khi có thêm một tổ chức Công đoàn độc lập trong doanh nghiệp và thách thức đó được coi như là “một mất một còn”, vì theo Tiến sĩ Vũ Quang Thọ các tổ chức Công đoàn độc lập sẽ cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam để giành giật đoàn viên.

Trước nhận định vừa nêu của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện của hai tổ chức Công đoàn độc lập Lao động Việt và Phòng trào Lao động Việt bày tỏ sự lạc quan trong thời gian tới giới công nhân tại Việt Nam có điều kiện tự do lựa chọn tổ chức Công đoàn nào mà họ tin tưởng. Thế nhưng với thực tại, những công nhân tham gia biểu tình vẫn bị chủ doanh nghiệp đe dọa hợp tác với công an điều tra, xử lý và các thành viên hoạt động trong tổ chức Công đoàn độc lập bị truy bức, giam tù như hai cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh thì viễn ảnh tươi sáng của giới công nhân tại Việt Nam được đồng hành cùng một tổ chức Công đoàn mà họ chọn lựa vẫn còn lắm gian nan.

Hòa Ái
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad