Theo truyền thông Việt Nam, chiếc tàu bị nạn do ngư dân Lê Hơn, cư dân thôn Tây xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, làm chủ kiêm thuyền trưởng với 7 lao động đều là người địa phương. Họ bắt đầu chuyến đi từ ngày 18 Tháng Năm, 2018 đến ngư trường Hoàng Sa để khai thác rong biển.
Đến ngày 24 Tháng Năm, 2018 thì họ gặp “tàu của lực lượng chức năng Trung Quốc xuất hiện, ngăn cản và đâm chìm,” theo tin tờ Pháp Luật TP.HCM hôm 27 Tháng Năm.
Nguồn tin vừa kể nói rằng “May mắn, các tàu cá địa phương đang khai thác hải sản tại ngư trường này kịp thời tiếp cận và cứu vớt.”
Cùng đưa tin này nhưng tờ Dân Việt chỉ dám viết là tàu cá của ngư dân Lê Hơn “bị tàu của nước ngoài xuất hiện, ngăn cản và đâm chìm.”
Theo tờ Pháp Luật TP.HCM, ngay sau khi được cứu vớt lên tàu cá, “chủ tàu bị nạn đã liên lạc về đất liền. Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh Sát Biển 2 đã điều tàu ra đưa các ngư dân trên tàu cá bị nạn về bờ,” dự trù sẽ về đến cảng Kỳ Hà của tỉnh Quảng Ngãi ngày 28 Tháng Năm, 2018.
Những tháng gần đây, người ta thấy Trung Quốc gia tăng các hành động hung bạo đối với ngư dân Việt Nam. Tháng trước, người ta cũng đã thấy một tàu cá khác của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm.
Báo chí trong nước nói ngày 20 Tháng Tư, 2018, tàu cá QNg 90332 TS do ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng bị hai tàu Trung Quốc số hiệu 45103 và 46001 áp sát đâm chìm tại ngư trường Hoàng Sa rồi bỏ đi.
Người ta chỉ thấy Hội Nghề Cá tỉnh Quảng Ngãi gửi văn thư tới Nhà Cầm Quyền Trung Ương Hà Nội “đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân, để ngư dân Việt Nam yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.”
Mới ngày 22 Tháng Năm, 2018, khi lặn bắt hải sâm ở Hoàng Sa, các ngư dân ở huyện Lý Sơn vớt được “vật thể lạ,” nghi bom của Trung Quốc thả xuống đưa lên thuyền thúng để kiểm tra thì bất ngờ phát nổ khiến ba người tử nạn.
Đầu tuần trước, báo chí Hồng Kông đưa tin tàu cảnh sát biển phối hợp với hải quân của Trung Quốc đã thực hiện các chuyến tuần tra hỗn hợp những ngày từ đầu Tháng Năm, 2018 đã “đuổi” hơn 10 tàu đánh cá “nước ngoài” hiểu ngầm là tàu đánh cá Việt Nam ra khỏi vùng biển Hoàng Sa.
Khai thác thủy sản ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa nếu không phải tàu đánh cá Trung Quốc, chỉ có tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không biết bao nhiêu lần tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản gần quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, nhẹ thì đâm cho hư hỏng, nặng thì đâm cho chìm, bất chấp mạng sống của ngư dân.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), đại diện Việt Nam và Trung Quốc họp với nhau tại Hà Nội từ 14 đến 18 Tháng Năm, 2018 để đàm phán về “hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.”
Không thấy loan báo chi tiết kết quả của cuộc đàm phán mà chỉ thấy TTXVN kể “Hai bên cũng đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển và thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển” rồi khoe rằng “đạt được nhiều tiến triển thực chất.” Những cái tiến triển thực chất là cái gì, ai cũng muốn biết thì lại giấu đi.
Năm nay cũng tương tự như những năm trước, Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh cá từ 12 giờ ngày 1 Tháng Năm đến 12 giờ ngày 16 Tháng Tám, 2018 trong Biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hà Nội chỉ đưa ra lời phản đối suông “thông báo cấm đánh cá của Trung Quốc là vô giá trị” nên ngư dân Việt Nam khi đến gần quần đảo Hoàng Sa là bị tàu tuần Trung Quốc uy hiếp, đâm chìm.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét