Bộ Công an VN và những hệ lụy từ vụ Trịnh Xuân Thanh - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Bộ Công an VN và những hệ lụy từ vụ Trịnh Xuân Thanh


Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) và Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an VN.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Từ tháng 10 năm ngoái, Đức đã phát lệnh truy nã tại châu Âu đối với Trung tướng Đường Minh Hưng, hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Tuy nhiên thông tin này mới được truyền thông loan đi vào tuần trước

Ông Hưng bị cho là người trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa về nước.

Sau khi truy nã ông Hưng, Đức tiếp tục phát thêm lệnh truy nã với 3 nhân vật khác trong nhóm mật vụ thực hiện vụ bắt cóc. Trong số này có thêm một quan chức của Bộ Công an đó là ông Vũ Quang Dũng, một sĩ quan tình báo của Bộ này. Hai người còn lại là Đào Quốc Oai, định cư tại Séc và Lê Anh Tú, lái xe cho Đào Quốc Oai.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành công an của VN là Thượng tướng Tô Lâm cũng đang bị nghi ngờ có tham gia vào vụ việc này. Cụ thể, phía Đức đang điều tra việc phái đoàn do ông Tô Lâm cầm đầu đã mượn Slovakia một chiếc máy bay và nghi ngờ chiếc máy bay này đã được sử dụng để đưa ông Trịnh Xuân Thanh về nước.

Một đoàn đại biểu VN gồm 12 người đã đến thăm Slovakia, một nước láng giềng của Đức, chỉ vài ngày trước khi ông Thanh bị đưa về nước.

Nhìn nhận về việc những nhân vật cao cấp của cơ quan an ninh lớn nhất của VN lại thực hiện hành vi vi phạm an ninh quốc gia khác, nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức, người luôn theo dõi và cập nhật tin tức về vụ việc này, nhận định:

Đây quả thực là một điều rất đáng hổ thẹn với ngành công an Việt Nam từ trước đến nay. Bởi vì những người mang danh bảo vệ pháp luật lại là những người vi phạm pháp luật lớn nhất, từ đánh bạc, cho đến bảo kê và hiện nay là tội phạm rất nặng đó là bắt cóc và cướp người từ Đức, và hoạt động trên lãnh thổ nhiều nước ở châu Âu ví dụ như Đức, Séc và Slovakia.

Chuyện công an VN bảo kê đánh bạc mà nhà báo Lê Trung Khoa nhắc tới đó là vụ hai vị tướng Công an là Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh bị bắt vì liên quan đến một đường dây đánh bạc qua mạng quy mô lớn, với giá trị hàng ngàn tỷ đồng và hàng triệu người tham gia.

Những người mang danh bảo vệ pháp luật lại là những người vi phạm pháp luật lớn nhất

- Nhà báo Lê Trung Khoa
Thông tin mới nhất nhà báo Lê Trung Khoa cung cấp cho RFA đó là cảnh sát Berlin đã có mặt ở Slovakia để thẩm vấn những người trên chiếc chuyên cơ mà Chính phủ Slovakia đã cho ông Tô Lâm mượn vào ngày 26/7/2017.

Phía Slovakia đã tuyên bố nếu sự việc được xác minh, tức là chiếc phi cơ quả thực được dùng để đưa ông Thanh về nước, thì Slovakia sẽ xem đây là một vụ việc nghiêm trọng gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ song phương hai nước.

Còn về phía Đức, kể từ khi cáo buộc VN bắt cóc người trên lãnh thổ của Berlin, Đức đã tạm ngưng quan hệ chiến lược với Chính phủ Hà Nội.

Nhận xét về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động phạm luật của ngành Công an VN, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết:

Bản thân là Đảng lãnh đạo, điều hành, họ dùng Chủ nghĩa Cộng sản là một thứ đi ngược lại quy luật tự nhiên và ưa dùng bạo lực. Tất nhiên đội ngũ này sẽ dần biến thái đi, trở thành những thứ phục vụ bạo lực cho chủ nghĩa Cộng sản. Cho nên nó đã, đang và tiếp tục sẽ gây ra những hậu quả rất lớn cho người Việt Nam, kể cả những kiều bào nước ngoài.

Vụ Trịnh Xuân Thanh được các nhà quan sát cho rằng đã gây ra nhiều hậu quả cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh VN đang mong muốn thông qua Hiệp định Tự do Thương mại với Âu châu bởi vì thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện đang gặp khó khăn.

Thời gian gần đây, giới lãnh đạo VN liên tục sang thăm các nước châu Âu và thúc giục họ ủng hộ hiệp định này. Gần đây nhất là chuyến thăm Pháp của ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng.

Nhà quan sát chính trị, cựu đại tá Bùi Tín cũng bày tỏ quan ngại về hậu quả Bộ Công an VN phải gánh chịu trong vụ bê bối này:

Nếu ông Tô Lâm bị dính vào vụ này như một tay đầu xỏ thì cực kỳ nghiêm trọng. Khi ra tòa án khai dần dần, thì có thể đụng đến ông Nguyễn Phú Trọng. Ai cũng biết, cả thế giời này biết Nguyễn Phú Trọng là người đầu têu, kẻ chủ trương quyết cho người sang Đức bắt cóc tới cùng. Nếu đụng đến Nguyễn Phú Trọng thì lôi thôi lắm.

Nếu Bộ Chính trị không họp bàn kỹ mà cứ chủ quan coi thường thì nó sẽ thành vấn đề đối ngoại lớn nhất của thế kỷ 21 này.


Nếu Bộ Chính trị không họp bàn kỹ mà cứ chủ quan coi thường thì nó sẽ thành vấn đề đối ngoại lớn nhất của thế kỷ 21 này.

- Cựu đại tá Bùi Tín
Theo cơ quan công tố Đức thì có 15 người tham gia vào vụ bắt cóc ông Thanh, nhưng hiện tại mới chỉ có 5 người bị điểm mặt chỉ tên.

Nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng vụ việc không chỉ dừng lại ở Bộ Công an, mà còn ảnh hưởng đến cả các lĩnh vực khác:

Dưới con mắt của các nước tư bản, đặc biệt là Đức và các nước châu Âu, Bộ Công an VN là một nơi khá nguy hiểm khi tiếp xúc. Chính vì vậy họ sẽ rất dè dặt trong thời gian này và thời gian tới.

Bên cạnh Bộ Công an thì hiện nay thì theo tôi được biết cả Bộ Quốc phòng, sau khi Đức đình chỉ đối tác chiến lược với VN, những hợp tác về quốc phòng cũng bị giảm đến mức tối thiểu. Họ đã không làm việc với VN từ cấp cục vụ trở lên.Trước đây thì có giao lưu trao đổi, nhưng hiện nay họ chỉ thực hiện nốt những cam kết trước đây chứ không có những hợp tác mới.

Vụ việc cũng được nói đã trực tiếp ảnh hưởng đến ngành ngoại giao của VN. Anh Lê Trung Khoa cho biết hiện tại tòa đại sứ VN ở Berlin gần như không hoạt động. Theo anh, một khi quan hệ ngoại giao không có thì quan hệ kinh tế cũng không có theo, nên suy cho cùng người dân gánh hậu quả nặng nề nhất.

Cho đến hiện tại VN vẫn phủ nhận các cáo buộc của Đức và nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú. Truyền thông VN đồng loạt ngừng đưa tin về vụ việc này. Hiện ông Thanh đang thụ án chung thân vì dính líu đến một số vụ đại án tham nhũng.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad