Khoan nói về việc “đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc…”. Cũng khoan nói về kết quả thi của học sinh. Những cuộc thi THPT cũng như thi đại học chỉ cho thấy một kết quả chung: hệ thống giáo dục-đào tạo Việt Nam gần như không đóng góp được gì cho phát triển, ở một quốc gia mà yếu tố phát triển không quan trọng bằng “ổn định chính trị”. Sau mỗi cuộc thi tốn kém là những gánh nặng cộng thêm chồng chất lên vai những người đóng thuế - để tiếp tục nuôi một bộ máy giáo dục tồi tệ rệu rã và tiếp tục nuôi một tỷ lệ sinh viên thấp nghiệp tăng dần mỗi năm, với thống kê mới nhất là 200.000 người mà Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vẫn “lạc quan” cho rằng con số đó là “không quá lớn” (trong báo cáo Quốc hội đầu tháng 6-2018).
Trong thực tế, có một “cuộc thi” khác khốc liệt và gay góc hơn nhiều. Nó “được tổ chức” không phải trong phòng thi mà là tại các văn phòng tư vấn du học. Đó là “cuộc thi” của người lớn, một cuộc chạy đua đưa con đi tỵ nạn giáo dục. “Thí sinh” tham gia cuộc thi này không chỉ là những phụ huynh có tiền. Không ít người đã phải cắn răng chấp nhận bán cả nhà cửa đất đai để lo cho con du học. Nó là cuộc đánh đổi phần đời còn lại của phụ huynh để lo cho tương lai lâu dài hơn của con em. Đi đâu gặp nhau bây giờ người ta cũng hỏi thăm nhau cách thức du học “an toàn” và “vừa túi tiền”. Các thành phố lớn đang nở rộ dịch vụ tư vấn du học. Dịch vụ tư vấn du học tấn công cả vào học đường đến mức hồi cuối tháng 5-2018, Sở GD&ĐT TPHCM đã ra văn bản cấm quảng cáo du học trong trường học. Báo Tuổi Trẻ (25-6-2018) thậm chí cho biết, ngay sau khi môn thi đầu tiên kết thúc, các công ty du học đã rải tờ rơi tư vấn tuyển sinh tại nhiều điểm thi ở miền Trung (năm nay, ngoài tờ rơi, thông tin tư vấn du học còn được in lên quạt tay và nước đóng chai!).
Cơn sốt bùng nổ tìm đường tỵ nạn giáo dục đã cho thấy rõ bi kịch thất bại chua chát của nền giáo dục XHCN. Nó cũng cho thấy nhiều đường nét nghịch lý của bức tranh giáo dục. Có hơn 8,1 triệu kết quả khi tìm kiếm cụm từ “nhà nghèo đậu đại học” từ Google nhưng báo chí gần như không có bài viết nào về chân dung con cái quan chức thi và đậu đại học từ các trường trong nước, con của quan chức trong ngành giáo dục càng không! Hệ thống chính trị lẫn bộ máy giáo dục của hệ thống đó đã “mạnh mẽ khước từ” chính sản phẩm giáo dục của họ. Trong gần một triệu thí sinh THPT hàng năm, dường như không có “sĩ tử” nào là con cái quan chức nói chung và quan chức giáo dục nói riêng. Bộ máy lãnh đạo giáo dục vẫn ra rả “tính ưu việt” của nền giáo dục XHCN nhưng họ chứ không ai khác đã kinh hãi và thậm chí trong thâm tâm có thể khinh bỉ chính hệ thống giáo dục quái dị của họ. Không như các phụ huynh mất ăn mất ngủ lo “chạy” cho con đi du học, quan chức đã “bí mật” cho con họ đi tỵ nạn giáo dục tại các nước tư bản, năm này sang năm kia, và con số đó chắc chắn ngày càng tăng dù không bao giờ có một thống kê chính xác và minh bạch. Nói cách khác, họ đã mặc nhiên thừa nhận sự thất bại của hệ thống giáo dục do họ tạo ra.
Điều tồi tệ nhất trong tất cả những điều tồi tệ là sự mặc nhiên thừa nhận thất bại đã không đi cùng với sự xấu hổ và liêm sỉ để có thể chỉnh đốn hệ thống giáo dục. Họ tống ra xã hội một sản phẩm nhàu nát nhưng bản thân họ tìm kiếm sản phẩm tốt đẹp hơn. Tương lai quốc gia không bằng tương lai con cái hoặc bản thân họ. Và họ cũng chẳng hề thể hiện lương tâm. Đòi hỏi yếu tố trách nhiệm đối với bộ máy lãnh đạo giáo dục cũng chẳng khác gì yêu cầu một đứa bé vô giáo dục từ căn bản phải biết xin lỗi và nhận trách nhiệm cho một hành vi phá phách có-ý-thức.
Giáo dục Việt Nam đến mức này đã không còn là một vấn đề. Nó là vấn nạn quốc gia. Nó là cuộc lao dốc không có điểm dừng. Nó không còn mang lại chút niềm tin nào. Ngược hướng với đà tuột dốc giáo dục là cuộc chạy đua quyết liệt của những phụ huynh dáo dác tìm đường đưa con du học - chạy đua kiếm tiền hoặc vay tiền, chạy đua tìm dịch vụ tư vấn, chạy đua tìm trường nước ngoài có chi phí rẻ… Một cuộc chạy thi và chạy đua tìm kiếm tương lai, không phải ở Việt Nam. Trong “cuộc thi” khốc liệt này, bài toán mà một số phụ huynh phải giải cho bằng được luôn khó gấp vạn lần phương trình số học trong phòng thi mà con em họ làm. Trong “cuộc thi” này, thật mỉa mai, có những trường hợp được “đặc cách”: dành cho người “có công với cách mạng”, những kẻ thuộc hệ thống cai trị, những kẻ bây giờ cần phải nêu chính xác là những tay tư bản đỏ, đã và đang vơ vét cạn kiệt ngân khố quốc gia, để lại những đổ nát hoang tàn, trong đó có vũng lầy giáo dục. Họ thừa tiền và dư điều kiện để trải thảm cho con mình du học. Họ còn có thể có thừa nhiều thứ khác. Họ chỉ thiếu vài thứ: lòng liêm sỉ và sự dũng cảm giẫm lên “bãi phân giáo dục” mà chính họ tạo thành.
Mạnh Kim
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét