Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 7/6 bên lề cuộc họp Quốc hội tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của nhân dân trong đó có cả kiều bào, về dự luật Đặc khu, và ông cho rằng cần lắng nghe để điều chỉnh dự luật này.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, nói có thể xem phản ứng của ông Nguyễn Xuân Phúc là một “sự nhượng bộ” sau khi hơn một nghìn trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký thỉnh nguyện thư, phản đối việc Quốc hội dự tính thông qua dự luật này vào ngày 15/6 sắp tới.
Là một người tham gia ký thỉnh nguyện thư, ông Nguyễn Vũ Bình nhận định:
“Có thể gọi đó là một sự nhượng bộ. Bản chất của vụ này không phải là vấn đề thời gian (thuê đất), mà là đối tượng cho thuê. Phần lớn sự phản ứng của người dân là đối tượng cho thuê, một phần là thời gian. Nhưng bây giờ chính phủ nhân nhượng về vấn đề thời gian thôi.”
Bản chất của vụ này không phải là vấn đề thời gian (thuê đất), mà là đối tượng cho thuê. Phần lớn sự phản ứng của người dân là đối tượng cho thuê, một phần là thời gian. Nhưng bây giờ chính phủ nhân nhượng về vấn đề thời gian thôi.
Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình
“Khi đưa ra một dự án luật như vậy thì có rất nhiều ý kiến của nhân dân, trí thức, Việt Kiều… khí thế rất sôi nổi. Đương nhiên là chúng ta phải tiếp thu lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, để đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do của đất nước.”
Truyền thông Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ nguyên mức cố định 99 năm.
Báo chí trong nước nêu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự luật đặc khu. |
Trước đó, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, với VOA rằng theo dự luật, thời gian cho thuê đất 99 năm là quá dài:
“Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông.”
Từ Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quang Thạch, một nhà vận động trên mạng xã hội chống luật Đặc khu nói:
“Avatar trên Facebook bây giờ họ đưa nhãn ‘Không Đặc khu,’ đã chuyển từ trạng thái ‘Chống 99 năm’ thành ‘Chống Luật Đặc khu.’ Bây giờ trên mạng Chống Luật Đặc khu, không cần Luật Đặc khu nữa.”
Trên các trang mạng xã hội Facebook cũng như Youtube đang lan truyền lời kêu gọi “Tổng biểu tình ngày 10/6/2018” được cho là của Linh mục Phan Văn Lợi ở Huế và Hòa thượng Thích Không Lai ở bang California để phản đối Luật Đặc khu.
VOA chưa liên lạc được với hai vị chức sắc tôn giáo này để xác nhận lời kêu gọi biểu tình.
Từ thành phố Vũng Tàu, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải cho VOA biết thái độ người dân ở thành phố biển cũng như ở trong nước nói chung về dự luật này:
“Người dân Vũng Tàu cũng như người dân khắp cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, người dân rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Người dân xưa nay thờ ơ đến chính trị nhưng nay họ rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Trong thâm tâm họ phản đối, nhiều người nói thẳng ra trên mạng xã hội. Đó là một điều mà tôi cũng không ngờ được vì sao dự án luật này gây ra sự phẫn nộ của người dân như thế.”
Người dân xưa nay thờ ơ đến chính trị nhưng nay họ rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Trong thâm tâm họ phản đối, nhiều người nói thẳng ra trên mạng xã hội. Đó là một điều mà tôi cũng không ngờ được vì sao dự án luật này gây ra sự phẫn nộ của người dân như thế.
Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải
“Tôi có nghe được thông báo qua mạng xã hội và ý định của tôi là tìm mọi cách để truyền thông rộng rãi về sự kiện biểu tình của người dân Việt Nam phản đối Luật Đặc khu.”
Một lời kêu gọi khác trên Facebook của nhóm Nhật ký Yêu nước xuất hiện hôm 6/6 có đoạn: “Chúng tôi đã không hề cho phép thông qua dự luật gây nguy hại cho đất nước này, và đề nghị những đại biểu của nhân dân đang ngồi ghế quốc hội thực hiện bổn phận đại diện cho dân của họ là bỏ phiếu chống dự luật.”
Nhóm Nhật ký Yêu nước kêu gọi biểu tình lúc 8 giờ sáng ngày Chủ nhật 10/6 tại các thành phố lớn khắp ba miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, và tại các địa phương khác cũng như các quốc gia có đông người Việt trên thế giới.
Ba nhà hoạt động ở Hà Nội phản đối dự luật về đặc khu kinh tế, tháng 6/2018. |
Tại Hoa Kỳ, các cộng đồng gốc Việt cũng kêu gọi biểu tình tại thành phố San Franciso vào ngày Thứ Sáu 8/6, tại New York vào ngày thứ Bảy 9/6, tại San Jose vào ngày Thứ Năm 14/6…
Ông Nguyễn Quang Thạch, một người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, nói sẽ tham gia cuộc biểu tình ngày Chủ nhật tới.
“Đương nhiên tôi sẽ tham gia biểu tình, và thực hiện theo cách của tôi. Tôi cũng từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Chuyện tham gia biểu tình lần này là chuyện bình thường. Tôi sẽ làm theo cách của tôi sẽ thay đổi nhận thức của nhiều người.”
Đương nhiên tôi sẽ tham gia biểu tình, và thực hiện theo cách của tôi. Tôi cũng từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Ông Nguyễn Quang Thạch
Với tinh thần ‘sôi sục’ như hiện nay, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình tin rằng cuộc biểu tình ngày 10/6 sẽ diễn ra:
“Tôi nghĩ là sẽ có biểu tình, còn nó xuất hiện ở mức nào thì tôi không dám chắc chắn, vì tôi nhận thấy không khí chung của người dân Việt Nam là rất sôi sục, vì họ đụng tới vấn đề thiêng liêng nhất là đất đai, và là chủ quyền tổ quốc. Không khí chung là rất sôi sục.”
Luật Đặc khu có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, được chính phủ Việt Nam dự định lập tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế.
Một số quan chức của Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại về dự luật này và công khai phát biểu trên truyền thông nhà nước, dù trong dự luật không có từ nào nói về việc cho Trung Quốc thuê đất.
Hôm 7/6, Báo Người Lao động trích lời Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nói: “Đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét một cách thận trọng về Luật Đặc khu; mong Tổng Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc, vì chậm một chút cũng không sao.”
Ông Lê Xuân Thân, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, được báo Tuổi trẻ trích lời nói: “Về các lo ngại về thời gian cho thuê đất quá lâu, Quốc hội đang có hướng bàn thời gian giao đất 70 năm - bằng thời gian theo Luật Đất đai hiện tại.”
Trong gần hai tuần qua, hàng loạt chuyên gia kinh tế như các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Phạm Chi Lan, luật sư Trương Thanh Đức, và nhiều đại biểu quốc hội liên tục nêu quan điểm răng mô hình đặc khu đã lỗi thời, khả năng thành công sẽ rất thấp.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét