Trang mạng Onet.pl của Ba Lan trong một bài viết ra 1/6 cho rằng chính phủ Ba Lan có dính líu đến nghi án Trịnh Xuân Thanh được đưa ra khỏi châu Âu bằng chuyên cơ của Slovakia. Theo trang mạng này, Ba Lan đã cấp giấy phép cho chuyên cơ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh được bay qua lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, theo điều tra của Onet - cổng điện tử lớn nhất của Ba Lan, Slovakia đã cung cấp các giấy tờ giả cho Bộ Ngoại giao Ba Lan về phái đoàn Việt Nam bay bằng chuyên cơ của Slovakia qua lãnh thổ Ba Lan tới Moscow và họ nhận định rằng trên đó có thể có người mà chính phủ Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc từ Berlin hôm 23/7/2017.
Cách đây 1 tháng, nhật báo TAZ của Đức đã đưa ra các dữ liệu không lưu của các chuyến bay liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người bị Việt Nam tuyên 2 án tù chung thân vì tội “tham ô” trong năm nay. Tờ TAZ nghi ngờ chuyên cơ Airbus A319 của chính phủ Slovakia đã chở ông Thanh ra khỏi châu Âu.
Theo tờ nhật báo Đức, ba ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, bốn người Việt Nam trong đó có Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đã hạ cánh xuống sân bay Praha, thủ đô Cộng hòa Czech. Họ dự định tới Vienne, thủ đô Áo, rồi sau đó tới Bratislava của Slovakia. Nhưng phía Việt Nam đột ngột thay đổi lịch trình và họ nói muốn được đón tại Praha rồi sau đó bay tới Moscow vì có một cuộc hẹn tiếp theo của Bộ trưởng Tô Lâm.
Vì vậy họ đã được Bộ Nội vụ Slovakia cung cấp một chiếc chuyên cơ Airbus A319 thuộc phi đội thường trực của chính phủ Slovakia.
Để đến Moscow, máy bay của Slovakia phải được cấp giấy phép bay qua Ba Lan và để có được sự đồng ý của Ba Lan, Slovakia phải gửi các tài liệu cần thiết cho Bộ Ngoại giao của Ba Lan theo yêu cầu của Luật Hàng không.
Theo Onet, chính phủ Slovakia đã trình bày các tài liệu giả cho phía Ba Lan.
Tờ báo này viết: “Hóa ra Bộ Ngoại giao Ba Lan không biết ai thực sự đã bay trên lãnh thổ của chúng ta.”
Theo truyền thông Đức, một số nghi phạm trong vụ bắt cóc đã được nhìn thấy cùng với ông Tô Lâm tại Bratislava, và chiếc máy bay mà Bộ Nội vụ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp cao Việt Nam mượn sau khi phái đoàn này bất ngờ thay đổi lịch trình đã được sử dụng để vận chuyển ông Thanh.
Truyền thông Đức cũng cho biết ông Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin trong thời điểm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có mặt ở Slovakia vào cuối tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, Hà Nội khẳng định ông này tự ra đầu thú.
VOA Việt Ngữ đã hỏi Bộ trưởng Tô Lâm về cáo buộc của truyền thông Đức đối với sự dính líu của ông trong vụ bắt cóc ông Thanh nhưng ông Lâm không trả lời câu hỏi qua điện thoại và nói “Tôi đang bận họp.”
Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào của chính quyền ông đối với vụ bắt cóc mà chính phủ Đức nói là “vi phạm nghiêm trọng luật lệ của Đức.”
Đại sứ Việt Nam tại Bratislava Dương Minh Trọng tuyên bố rằng ông Thanh chưa bao giờ có mặt ở Bratislava.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét