Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu đã hoàn tất đàm phán năm 2015, nếu được ký kết, sẽ giúp đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam thêm nửa phần trăm, tức trên 7% vào năm 2019, theo số liệu từ công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates.
Ba thành viên của khối liên hiệp 28 quốc gia châu Âu này là Đức, Hà Lan và Vương quốc Anh đã chiếm đế 9% tổng lượng xuất khẩu từ Việt Nam.
Bộ Công Thương Việt Nam hôm 26/6 cho biết hai bên đã hoàn tất quá trình rà soát pháp lý cho thỏa thuận này, theo Nhân Dân, trang web tin tức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thỏa thuận được các nhà đàm phán ký vào tháng 12 năm 2015 cần phải được Nghị viện châu Âu cũng như các nhà lập pháp Việt Nam thông qua.
Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics tại thủ đô Hà Nội cho rằng: “Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường châu Âu, không chỉ là hàng may mặc và giày dép thông thường, mà còn hải sản và các loại nông sản chế biến khác. Nói chung là rất tốt”.
Các đối tác thương mại hàng đầu
Liên minh châu Âu, với thị trường khoảng 500 triệu người, là đối tác thương mại số 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trao đổi thương mại năm ngoái đạt khoảng 50,4 tỷ USD.
Việt Nam dựa vào xuất khẩu hàng may mặc, phụ tùng ô tô và hàng điện tử gia dụng để kích thích GDP, vốn đã ở mức cao trên thế giới. Quốc gia Đông Nam Á từng hy vọng Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở con đường miễn thuế vào thị trường Hoa Kỳ cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định này vào năm ngoái.
Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam sẽ giúp bỏ thuế nhập khẩu hơn 99% trên tất cả hàng hóa trong vòng một thập niên và mở cửa cho Việt Nam vào các dịch vụ của châu Âu như chăm sóc sức khỏe, đóng gói và tổ chức hội nghị.
“Nó sẽ không thể bù đắp được, bởi vì Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất, nhưng nó mang lại cơ hội cho doanh nghiệp”, Song Seng Wun, một chuyên gia kinh tế chuyên về Đông Nam Á thuộc đơn vị ngân hàng tư nhân của CIMB ở Singapore nhận định.
Liên minh châu Âu theo đuổi thỏa thuận thương mại với Việt Nam để các công ty của họ có thể tiếp cận tốt hơn thị trường tiêu dùng đang ngày càng thịnh vượng với khoảng 93 triệu dân. Các nhà đầu tư nước ngoài thích Việt Nam vì giá nhân công rẻ, tạo ra công ăn việc làm trong nước nhằm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ của châu Âu vào Việt Nam, Maxfield Brown, cộng sự cấp cao của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Hiệp định cũng sẽ giúp EU đi vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là khối 10 quốc gia mà Việt Nam là một trong những thành viên.
EU đã không đạt được thỏa thuận thương mại với hiệp hội này vào năm 2009, sau 2 năm đàm phán, một phần vì ASEAN không thể hòa giải các chương trình nghị sự khác nhau của tất cả các quốc gia thành viên.
Các bước cuối cùng
Các nhà phân tích nói rằng cuộc họp của Bộ Công thương Việt Nam trong tháng này với ủy viên thương mại của EU cho thấy hiệp định gần như đã hoàn tất. Hai bên đã “đạt được đồng thuận” tại cuộc họp, trên tất cả mọi nội dung của thỏa thuận bảo vệ đầu tư, theo Nhân Dân.
Trong một tình huống có thể xảy ra, vào năm ngoái, các thành viên của Nghị viện châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam. Một số người đề xuất phải có thêm tranh luận tại Việt Nam về quyền chính trị và tự do ngôn luận.
“Việt Nam có thể muốn có được thỏa thuận thương mại cuối cùng để xóa bỏ việc EU phân loại Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường”, chuyên gia McCarty nói. “Chỉ định đó sẽ giúp giải phóng lĩnh vực thương mại giày dép của Việt Nam”, ông nói.
Chuyên gia này cho rằng những quy định mà EU đặt ra hiện nay để chống bán phá giá hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đang khiến Hà Nội “đau đầu”.
Đầu tư của châu Âu tại Việt Nam tăng lên trong hai năm qua với kỳ vọng hiệp định thương mại tự do sẽ hoàn thành, ông Brown nói.
Tính đến năm ngoái, 24 quốc gia từ châu Âu đã thực hiện tổng cộng 2.000 khoản đầu tư tại Việt Nam, đạt tổng trị giá 21,5 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn đến ở các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.
“Đã đạt tới giai đoạn này thì cần phải có một sự khích lệ cho cả hai bên để vượt qua vạch đích và mở ra thị trường cho các nhà sản xuất và xuất khẩu châu Âu, còn Việt Nam nhận được nhiều FDI hơn”, chuyên gia Brown nói.
Ralph Jennings
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét