Những cuộc di tản - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Những cuộc di tản


Những cuộc di tản

Dân tộc Việt Nam gắn liền với những cuộc bỏ chạy, di tản từ nơi này sang nơi khác để trốn tránh thế lực nào đó. Phải chăng chính vì thế mới có tên là “Việt Nam”- tức là chạy về phía Nam.

Năm 1954, sau khi những người Cộng sản đã cướp được chính quyền, hàng triệu người miền Bắc đã phải bỏ quê hương, gia đình, hàng xóm để bỏ trốn vào Nam với hy vọng tìm được một cuộc sống tự do, được thoải mái bày tỏ, thể hiện đức tin của mình. Vậy nhưng, số phận nghiệt ngã của dân tộc đã vẫn không buông tha cho họ. Trong cuộc nội chiến những người Cộng sản Bắc Việt cấu kết với Việt Cộng trong Nam đã chiến thắng. Lại thêm một lần nữa hàng triệu người lại phải trốn chạy Cộng Sản.

Lần này, không còn chỗ nào để chạy, hàng triệu người miền Nam đã đâm liều, giong thuyền lao ra biển với hy vọng tìm kiếm được một vùng đất tự do, nơi không có sự khát máu, con người yêu thương con người. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên biển, làm mồi cho cá mập hoặc trở thành nạn nhân cho hải tặc Thái Lan. Những quốc gia, như: Phi Luật Tân, Nam Dương (Indonesia), Mã Lai, Thái Lan…trở thành ân nhân khi đã đón nhận những con người ly hương tội nghiệp. Hàng triệu người thà đánh đố với số phận còn hơn sống chung với “đồng bào” nhưng đã bị chủ thuyết vô thần, vô quốc gia, vô dân tộc tẩy não.

Những người không đủ can đảm, hoặc vì lý do nào đó họ ở lại phải chịu sự đày đọa của chính quyền mới. Con người lúc này trở thành những con chuột bạch cho các cuộc thí nghiệm, từ kinh tế đến chính trị.

Sống trong một chế độ không có tự do, cuộc di tản của người Việt còn diễn ra ngay trên không gian mạng. Trước năm 2009, hàng trăm ngàn người Việt sử dụng Yahoo 360 blog để tương tác, kết nối với nhau. Nhiều người trong số họ sử dụng không gian ảo này để thể hiện quyền bày tỏ, thái độ chính trị của mình. Nhờ có Yahoo 360, nhờ có sự tương tác, kết nối qua lại mà người Việt trong nước đã tổ chức được một cuộc xuống đường để phản đối Trung Cộng vào những ngày cuối năm 2007.

Nhận thấy mối hiểm họa từ Yahoo 360, chính quyền tìm cách ngăn chặn. Yahoo rồi cũng bán mình cho quỷ dữ. Hàng trăm ngàn tài khoản (account) phải làm một cuộc di tản như cha ông họ đã làm trong đời thực trước đây. Người thì chuyển sang sử dụng Multiply, người thì chơi WordPress, kẻ khác nghĩ blog của mình chỉ nói linh tinh nên xài Yahoo Blog của Việt Nam, một số khác dùng những trang mạng xã hội do nhà cầm quyền Việt Nam lập ra… Số ít trong đó chuyển sang sử dụng Facebook.

Phong trào sử dụng blog để viết nhật ký rồi cũng giảm dần. Lúc này người ta nhận ra Facebook mới là tiện ích. Với con số 5000 người được nhà cung cấp cho phép kết bạn và lượng follows vô hạn. Hàng triệu người đã tham gia Facebook để tương tác, kết nối với nhau. Với số lượng hàng chục triệu tài khoản trên Facebook là người Việt, chính quyền độc tài lại thấy đây chính là mối nguy hại tiềm ẩn và như thường lệ, họ tìm cách ngăn chặn, hoặc chí ít là phải kiểm soát.

Luật an an ninh mạng do Công an lập ra được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Một bộ luật được lập ra mà theo chính miệng Nguyễn Phú Trọng- Tổng bí thư đảng CSVN là “để bảo vệ chế độ”. Luật lập ra không phải bảo vệ quyền lợi cho người dân, mà chỉ nhằm làm sao duy trì sự độc tài cai trị cho chế độ Cộng sản.

Lại thêm, khi số lượng người dùng Facebook để đả kích chính quyền, thể hiện thái độ chính trị, bày tỏ quyền được tham gia các vấn đề quốc gia, như cách mà người dân đã làm trong các cuộc biểu tình vào ngày 10/6/2018, chính quyền lo ngại mạng xã hội này sẽ là trung tâm cho những cuộc biểu tình chống chế độ, nên họ tìm cách siết chặt quản lý. Hàng chục tài khoản của những người cất lên tiếng nói phản đối bị khóa, những bài viết đả kích chính quyền bị biến mất một cách kỳ lạ, những hình ảnh về người biểu tình bị công an đánh đập, tra tấn bỗng dưng bị xóa khỏi Facebook mà không biết lý do…Lúc này, người dùng biết rằng, để bảo đảm quyền lợi cho mình, Facebook đã bán mình cho quỷ dữ, như cách mà Yahoo đã làm trước đây khi bán mình cho Trung cộng.

Để phản ứng lại, nhiều người rầm rộ chuyển qua mạng xã hội khác, đó là Minds. Với nhiều người, Minds như phương án dự phòng, với những người khác thì việc “chuyển nhà” như để phản đối Facebook, còn có người chuyển sang Minds nhằm hy vọng có một không gian bày tỏ an toàn, thoải mái, không bị bàn tay lông lá của chính quyền thọc sâu vào.

Các cuộc di tản hay nói khác hơn là những cuộc trốn chạy từ đời thực cho đến không gian ảo từ năm 1954 cho đến nay đều nhằm mục đích thoát khỏi vòng kiểm tỏa, sự cai trị hà khắc của nhà cầm quyền CSVN. Nhưng trốn chạy đi đâu cũng không thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Trên Facebook hay trên Minds đều như vậy. Chỉ trừ khi các bạn không phải là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì mới không lo bị nhà cầm quyền trả thù vì bày tỏ thái độ chính trị.

Dường như cái tên nó ám đến cuộc đời. Chúng ta là dân tộc Việt nên phải trốn chạy. Chúng ta giỏi trốn chạy, mà không giỏi đương đầu. Gặp khó khăn là bỏ chạy, như cách mà ông cha ta đã bỏ miền Bắc vô Nam, rồi vượt biên thay vì ở lại để đương đầu với quỷ dữ. Nay, thay vì chúng ta vẫn sử dụng Facebook với lượng tương tác, kết nối và lan tỏa hơn thì nhiều người đang tìm cách bỏ chạy sang Minds. Tôi chưa dùng Minds nên không biết, nhưng tôi đoán, nếu chuyển sang nơi ấy, chắc cũng chỉ toàn những người kháng Cộng chơi với nhau, hát với nhau và phụ họa cho nhau. Nếu vậy thì còn gì là vui nữa. Chẳng phải rất nhiều người dùng Facebook với hy vọng lan tỏa những giá trị thời đại cho nhiều người sao?

Đương nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc chuyển sang Minds như là một phương cách phản đối trước việc Facebook đang bán mình cho quỷ dữ. Nhưng, nếu được hãy ở lại Facebook này, với lượng tương tác, kết nối chúng ta sẽ cùng nhau bày tỏ, chống lại sự cai trị hà khắc của chế độ độc tài.


Ngô Thanh Tú
FB Ngô Thanh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad