Tình báo và truyền thông trong nền an ninh quốc gia - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Tình báo và truyền thông trong nền an ninh quốc gia


Huawei là tâm điểm của vấn đề an ninh quốc gia trong lãnh vực công nghệ thông tin. Hình minh họa.

Trước khi Trung Quốc được chấp thuận cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, lãnh đạo Trung Quốc ra vẻ hứa hẹn rằng vai trò của các công ty quốc doanh (SOEs) sẽ ngày càng gia giảm, các chính sách về kinh tế thị trường sẽ đến, tiền tệ Trung Quốc (đồng Nguyên) sẽ không bị thao túng, Trung Quốc sẽ không tích lũy thặng dư thương mại lớn, và các sáng chế và tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ tất nhiên sẽ được tôn trọng [1]. Bởi muốn làm thành viên của WTO thì các nước muốn gia nhập đều phải thoả mãn các điều kiện này.

Trung Quốc hiểu rõ, và chuẩn bị đến 15 năm để được gia nhập vào WTO, nhưng rồi họ đều vi phạm tất cả các điều trên. Các công ty quốc doanh, chẳng hạn, vẫn phải tiếp tục phục vụ cho mục tiêu nhà nước hơn là các lực tác động của thị trường. Cũng nhờ luồn lách và bao che các chính sách này, nó đã giúp cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở tỷ lệ hai con số trở lên trong nhiều thập niên. Cách thức họ thao túng bằng chứng từ năm 1995 đến 2000 để thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ chấp nhận tư cách quan hệ thương mại bình thường và từ đó lót đường để được vào WTO đã được bà Lee, một người đào ngũ Bắc Kinh, trình bày với tiến sĩ Michael Pillsbury qua các tài liệu và họp mật mà bà đã chứng kiến và tham dự [2].

Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình không nằm trong văn hóa chính trị, ngoại giao hay nói chung cung cách hành xử của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Với cung cách hành xử như thế, các đối tác của Trung Quốc thường luôn dè dặt, đắn đo vì biết rằng Trung Quốc thường không tôn trọng những gì đã được ký kết. Các tiến trình lấy quyết định của họ thường đục ngầu. Ai là người lấy quyết định sau cùng, và chịu trách nhiệm, cho một vấn đề nào đó, thường rất kín đáo và bí mật.

Peter Varghese cho rằng cách xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc là đáng quan tâm sâu sắc, không phải chỉ vì nó là một nhà nước độc đảng độc tài với các tham vọng địa chính trị không thích ứng với quyền lợi của Úc [3]. Varghese là người từng đứng đầu Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) từ năm 2012 đến 2016, và giữ vai trò Viện trưởng của Đại học Queensland từ đó đến nay. Varghese biện luận rằng chỉ khi nào các tiến trình xây dựng ảnh hưởng này càng rõ ràng thì Úc có thể đánh giá được cái gì bí mật và công khai, và cái gì có thể chấp nhận hay không chấp nhận được. Theo Varghese thì cơ quan tình báo Úc ASIO cần phải theo dõi chặt chẽ để biết được có những nỗ lực nào để xâm nhập và phá hoại hệ thống của Úc mà đi quá những gì luật pháp và quy định cho phép.

Ông Duncan Lewis, Tổng Giám đốc ASIO, cơ quan hữu trách tình báo của Úc, cảnh báo quốc hội Úc vào giữa năm 2018 rằng sự can thiệp nước ngoài vào Úc đang xảy ra ở một mức độ chưa từng thấy, và “tình báo, can thiệp, phá hoại và hoạt động nội gián độc hại, có thể gây ra tác hại thảm khốc cho lợi ích của đất nước chúng ta” [4]. Trước đó, vào cuối năm 2017, sau cuộc kết hợp điều tra của hai cơ quan truyền thông ABC và Fairfax mà đã phơi bày những âm mưu tình báo và xâm nhập Trung Quốc lên chính trường và xã hội Úc, ông Lewis cũng cảnh báo chính phủ liên bang là cần phải rất ý thức về khả năng can thiệp của nước ngoài vào các trường đại học của Úc [5].

Can thiệp vào đại học Úc của Trung Quốc ở đây nên được hiểu ở nghĩa rộng, không chỉ là hoạt động của sinh viên hay giảng viên gốc Hoa trong các trường đại học tại Úc hay trên thế giới, mà còn là tín hiệu răng đe cảnh báo đối với các tiếng nói đối lập. Điển hình là trường hợp của giáo sư Chongyi Feng. Vào cuối tháng Ba năm 2017, Feng đã bị giam giữ tại Quảng Châu hơn một tuần, và bị thẩm phấn mỗi ngày, chỉ vì ông đã từng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh trên các cơ quan truyền thông Hoa ngữ về sự can thiệp của họ tại Úc và sự đàn áp đối với các nhà đối kháng [6]. Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia thuộc đại học ANU, nhận định rằng qua sự kiện bắt giam giáo sư Feng, tín hiệu rõ ràng mà Bắc Kinh muốn gửi đến người Úc gốc Hoa là “đừng chỉ trích sự can thiệp của đảng Cộng sản” vào các vấn đề nội bộ của Úc [7].

Ngược lại với cung cách làm việc tùy tiện và mờ ảo của các thể chế độc tài như Trung Quốc, trong các nền chính trị dân chủ đích thực, mọi hoạt động của các cơ quan công quyền, dù trực thuộc chính phủ hay độc lập, đều phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Không một cơ quan hay cá nhân nào, kể cả những người đứng đầu các ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp có quyền tuyệt đối. Tất cả đều có thời hạn phục vụ định kỳ, và có nhiệm vụ và quyền hạn kiểm soát cân bằng quyền lực lẫn nhau. Nguyên tắc chi phối tổng quát là rằng bất cứ một tổ chức hay cơ quan nào nhận tài trợ từ nhà nước để hoạt động, nghĩa là đã sử dụng công quỹ, tiền thuế của công chúng, thì phải có trách nhiệm báo cáo hàng năm một cách minh bạch. Tất cả đều phải báo cáo định kỳ trước quốc hội hay các cơ quan liên quan trách nhiệm. Nguyên tắc này áp dụng cả các tổ chức tình báo trách nhiệm an ninh quốc phòng.

ASIO cũng không nằm ngoài quy định này. Như bản báo cáo thường niên năm vừa qua [8]. Trong bản báo cáo này, Duncan Lewis cho biết năm 2017 – 2018 đánh dấu các thử thách đáng kể do các hoạt động tình báo và can thiệp nước ngoài, nổi bật trong các tranh luận tại quốc hội cũng như công cộng. Lewis tiết lộ rằng các tác nhân nước ngoài đã hung hăng tìm kiếm thông tin bảo mật về các liên minh và đồng minh của Úc; lập trường của Úc về vấn đề ngoại giao, kinh tế và quốc phòng; nguồn lực năng lượng và khoáng sản; và các sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ngoài ra họ cũng đang cố gắng kín đáo ảnh hưởng lên quan điểm của các nhân vật công cộng và truyền thông của Úc, các viên chức chính quyền, và thành viên của các cộng đồng lưu vong có cơ sở tại Úc. Tuy bản báo cáo này không nêu đích danh thủ phạm, từ tên quốc gia cho đến danh tánh của những người liên hệ, người tìm hiểu vấn đề có thể suy luận và kết luận thủ phạm cũng như những thành phần can dự là ai.

Cũng cần nhắc lại là vào cuối năm 2017, trước sự gia tăng tình báo và xâm nhập của Trung Quốc, cựu Tổng trưởng Tư pháp Úc ông George Brandis đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc [9]. Brandis gửi thư cho cơ quan truyền thông ABC xác định rằng ông đã được Thủ tướng Malcolm Turnbull giao trách nhiệm rà soát lại toàn bộ luật về tình báo và can thiệp của nước ngoài, cũng như duyệt lại Bộ luật Hình sự 1995 để xem xét việc gia tăng khả năng điều tra và truy tố các hành vi tình báo và can thiệp nước ngoài. Brandis dự tính sẽ hoàn tất việc này vào cuối năm 2017. Nhưng sau khi hoàn tất đề nghị tu chính này vào cuối năm 2017 và trình bày cho công chúng để tham khảo ý kiến trước khi thông qua quốc hội Úc, nhiều tổ chức đã bày tỏ quan ngại rằng các sửa đổi trong dự luật đề nghị đã can thiệp quá nhiều vào một số quyền tự do, nhất là tự do diễn đạt, và có khả năng đưa đến những nạn nhân bất đắc dĩ vì các điều luật còn mơ hồ, chưa rõ ràng. Do đó hệ lụy sẽ tiêu cực. Cũng vì như thế mà mãi đến giữa năm 2018 sau khi duyệt xét và tranh luận sôi nổi, thì hai bộ luật về tình báo và can thiệp nước ngoài mới được toàn quốc hội thông qua [10].

Trước khi được thông qua, Thượng viện Úc đã mời các chuyên gia, những người đứng đầu các cơ quan an ninh quốc gia cũng như các cơ quan hay chuyên gia độc lập đến trình bày quan điểm của mình vào tháng Ba năm 2018 [11]. Qua cuộc điều trần này, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn các vấn đề này, bởi các bản tin và phân tích trên các cơ quan truyền thông chính mạch, kể cả các cơ quan uy tín hàng đầu, thường không có nhiều thì giờ và không thể đề cập đến nhiều khía cạnh phức tạp và sâu sắc.

Trong phạm vi ngắn ngủi của bài này, tôi muốn đề cập đến ba điều đáng nói nhất qua cuộc điều trần của ông Duncan Lewis.

Thứ nhất, ông Lewis xác định rằng hiện tại đang có vô số các thế lực thù nghịch vô cùng đa dạng muốn đi ngược lại quyền lợi của Úc hơn cả trước đây, ngay cả thời Chiến tranh Lạnh, và tầm vóc và mức độ tinh vi của các hoạt động này đã gia tăng đáng kể. Nền dân chủ mở rộng của Úc, bao gồm sự tự do di chuyển tiền, người và thông tin, điều đã làm giàu cho nước Úc và xã hội Úc, lại là các mũi nhọn mà các tình báo nước ngoài có thể sử dụng để tấn công Úc. Thay vì sử dụng tình báo, các tác nhân nước ngoài đã vận dụng các hoạt động rộng khắp qua chiến thuật can thiệp nước ngoài. Họ có thể sử dụng người Úc địa phương để quan sát và công kích cộng đồng lưu vong qua việc tuyển dụng và hợp tác với các tiếng nói ảnh hưởng và quyền lực để vận động những người có quyền lực quyết định. Nông nghiệp, công nghệ khai thác khoáng sản, nghiên cứu y tế, các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đại học, và tài chánh, đều bị ảnh hưởng. Tóm lại, khó có một lĩnh vực nào được miễn nhiễm từ các hoạt động này.

Thứ hai, ông Lewis nhấn mạnh để đối phó với tình hình phức tạp mới thì Úc phải thay đổi luật. Ông nói rằng “trong khi chúng ta ngồi đây tìm cách đóng các kẻ hở của luật thì những kẻ tìm cách phá hoại sẽ tìm lổ hỏng để khai thác”. Các hoạt động tình báo và can thiệp ngày càng tinh vi đến độ ảnh hưởng của nó không dễ nhìn thấy cho đến nhiều năm về sau, khi mà hậu quả của nó không thể đảo ngược được. Nhưng luật hiện hành đã lỗi thời và thiếu sót, và trong trường hợp các hoạt động can thiệp nước ngoài thì không có hình phạt nào cả. Hệ quả của vấn đề này là quyền tự do quyết định và quyền lợi căn cốt của quốc gia này đã không được bảo vệ bởi pháp quyền. Nói cách khác, ASIO nắm rõ các hoạt động tình báo và xâm nhập nước ngoài nhưng luật hiện hành không ủy quyền cho ASIO làm việc với các cơ quan thi hành pháp luật khác để bảo đảm việc bắt giữ và truy tố những kẻ tham dự vào các hoạt động này. Theo Lewis thì luật lệ sẽ cung cấp các phương tiện cần thiết và mạnh mẽ để ngăn chặn và phá vỡ các hoạt động mà các cơ quan an ninh một mình không thể đạt được. Khi luật được thông qua và ban hành, các vụ truy tố tội phạm về các vi phạm tình báo, can thiệp nước ngoài, bí mật, phá hoại và tình báo kinh tế sẽ được trắc nghiệm tại các tòa án Úc và sẽ được truyền thông Úc đưa tin, qua đó những kẻ có âm mưu cũng phải suy nghĩ lại.

Thứ ba, ông Lewis biện luận luật nên áp dụng đồng đều và rộng khắp, không ngoại lệ. Ông Lewis không tán thành các đề nghị là có những địa hạt nên được miễn nhiễm về các luật này. Theo ông thì các miễn trừ (exemptions) trên căn bản có thể làm suy yếu/phá hoại luật này. Nếu giới truyền thông, hay các địa hạt khác, được ngoại lệ, thì sẽ làm cho luật ban hành không hiệu quả. Ông nhận xét rằng các ký giả truyền thông và các nhân viên tình báo, tuy có động cơ khác nhau, nhưng hoạt động không khác nhau bao nhiêu. Cả hai đều theo đuổi các thông tin và sự thẩm thấu vấn đề mà phần lớn nằm ngoài tầm của công chúng. Cũng vì như thế nên nghề ký giả có thể là sự bao bọc khá lý tưởng cho các thế lực nước ngoài để che đậy các hoạt động tình báo của họ, và các ký giả cũng vì như thế mà không có gì ngạc nhiên khi họ được các tình báo nước ngoài tiếp cận. Ông Lewis đã công nhận vai trò quan trọng của truyền thông trong việc đưa thông tin và phân tích để người dân hiểu rõ các hoạt động tình báo và can thiệp nước ngoài trong thời gian qua, nhưng ông cũng cảnh giác rằng những thế lực nước ngoài sẽ khai dụng kẻ hở nếu ký giả/truyền thông nói chung được miễn nhiễm từ luật này.

Cuối năm 2017, ký giả Angus Grigg của báo The Australian Financial Review đã cho biết một tình báo Trung Quốc đã tìm cách tuyển mộ ông, và trong phần điều trần, ông Lewis cũng xác nhận rằng cách thức của trường hợp này có vẻ nhất quán một cách kinh ngạc với các trường hợp mà ASIO điều tra, dù ông không thể nêu tên bất cứ ai, cơ quan hay quốc gia nào [12]. Về vấn đề này, người Việt có lẽ cũng không lạ gì với trường hợp tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn, nhất là qua tác phẩm Điệp Viên Hoàn Hảo của Larry Berman.

Tuy các đề nghị của ông Lewis nghe khá hợp lý, một nền dân chủ đề cao quyền và tự do là giá trị cao cả nhất của con người có chấp thuận các đề nghị này không khi truyền thông đóng vai trò quan trọng cho tự do thông tin và bày tỏ?

(Úc Châu, 20/02/2019)

Phạm Phú Khải
Blog VOA
Tài liệu tham khảo:

1. Michael Pillsbury, “One Hundred Years Marathon”, Henry Holt and Company, February 2015; Chương 8, trang 166.
2. Như trên, trang 167.
3. Nick McKenzie, Richard Baker, Sashka Koloff and Chris Uhlmann, “The Chinese Communist Party's power and influence in Australia”, Four Corners, ABC, 29 March 2018.
4. Bevan Shields, “ASIO chief Duncan Lewis sounds fresh alarm over foreign interference threat”, Sydney Morning Herald, 24 May 2018.
5. Stephen Dziedzic, “Government needs to be 'very conscious' of foreign interference in Australian universities, ASIO says”, ABC News, 25 October 2017.
6. Andrew Greene, “Chongyi Feng's detention in China a blunt warning to Chinese Australians”, ABC News, 2 April 2017.
7. Primrose Riordan and Rachel Baxendale, “Detention of Chinese professor ‘an attack on Australian freedom’”, The Australian, 31 March 2017.
8. Duncan Lewis, ASIO Annual Report (to Parliament) 2017 - 2018, 25 September 2018.
9. George Brandis, “Statement to 4 Corners from Attorney-General”, ABC Four Corners, 2 June 2017.
10. Matthew Doran, “Senate rushes through foreign interference legislation before by-elections across the country”, ABC News, 28 June 2018.
11. Parliamentary Hearing, “PJCIS inquiry on the National Security Legislation Amendment (Espionage and Foreign Interference) Bill 2017”, Official Committee Hansard, PARLIAMENTARY JOINT COMMITTEE ON INTELLIGENCE AND SECURITY, 16 March 2018.
12. Paul Karp, “Journalists would be recruited as foreign spies if exempted from new laws, Asio warns”, The Guardian, 16 March 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad