Vì sao ầm ĩ lên án ‘giặc Trung Quốc xâm lược?’ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Vì sao ầm ĩ lên án ‘giặc Trung Quốc xâm lược?’


Bảng gỗ khắc ghi tội ác của quân Trung Quốc ở bản Tổng Chúp (xã Hưng Đạo). (Hình: Vietnamnet)

“Chưa bao giờ thấy báo chí và mấy ông nhà nước chửi Trung Quốc ác liệt như thế! Có chuyện gì vậy?” – một người dân ngơ ngác. Một số người dân khác xì xầm lo ngại “Sắp chiến tranh à?”

Sắp chiến tranh à?

Vào mùa Xuân năm 2019, một trong những lần hiếm hoi kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, một chiến dịch tố cáo “giặc Trung Quốc xâm lược Việt Nam” đã được tổ chức ầm ĩ bất thường trên mặt báo chí nhà nước, được bật đèn xanh bởi Ban Tuyên Giáo Trung Ương – cơ quan mà hẳn phải nhận được cái gật đầu mạnh mẽ bất thường không kém bởi Bộ Chính Trị, đặc biệt là giới tướng lĩnh trong Bộ Quốc Phòng và có thể cả “Tổng chủ” Nguyễn Phú Trọng.

Không còn như những ẩn dụ về “tàu lạ,” “nước lạ” mà vẫn còn được quán triệt từ cấp trung ương đến từng tờ báo từ năm 2018 trở về trước, vào lần này giới truyền thông nhà nước không chỉ gọi thẳng tên Trung Quốc mà còn dùng nhiều động từ và tính từ mạnh mẽ để tố cáo cuộc xâm lược “đốt hết, phá hết, giết hết” của hơn 60 vạn quân Đặng Tiểu Bình, cứ như thể quân dân cả nước đang sống lại bầu không khí chiến tranh biên giới bốn chục năm về trước.

Cái gì đã xảy ra, xảy ra đến mức đột biến mà đã khiến não trạng và quan điểm về quan hệ Việt – Trung đột ngột biến động đến thế?

Chiến dịch truyền thông tố cáo đầy giận dữ ấy đã khiến cho giới quan sát chính trị quốc tế ngạc nhiên thật sự. Một số phóng viên quốc tế và thường trú tại Việt Nam đang cố gắng tìm hiểu xem điều gì đã thực sự xảy ra trong Bộ Chính Trị ở Hà Nội.

“Tôi rất bất ngờ khi đọc báo. Chưa bao giờ thấy báo chí và mấy ông nhà nước chửi Trung Quốc ác liệt như thế! Có chuyện gì vậy?” – một người dân ngơ ngác. Một số người dân khác xì xầm lo ngại “Sắp chiến tranh à?”

Không chỉ dân chúng mà cả nhiều quan chức bậc trung và thấp ở các tỉnh thành cũng ngạc nhiên một cách lo lắng về trạng thái “lên đồng” của giới tuyên giáo và báo chí nhà nước khi lên án Trung Quốc. Người ta lập tức nhớ lại một sự kiện lạ lùng xảy ra vào Tháng Mười Hai năm 2018: những ngư dân Phú Yên đã phát hiện ra một quả ngư lôi lớn trôi dạt vào bờ biển với những đặc điểm mà chỉ có thể của hải quân Trung Quốc. Dù sau đó khi các chuyên gia của Bộ Quốc Phòng Việt Nam tìm cách trấn an rằng “đó chỉ là ngư lôi giả để tập trận,” chẳng có mấy người dân tin tưởng vào cung cách á khẩu như thế. Khả năng hải quân Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận đột kích Việt Nam và hoặc vô tình hoặc cố ý để tuột ra những quả ngư lôi hướng về phía bờ biển Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngư dân ở Phú Yên, và còn ở nhiều vùng biển khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam… luôn là nạn nhân xấu số của những đợt tấn công liên hồi và tàn bạo từ các tàu hải cảnh và tàu cá được bọc sắt của Trung Quốc. Một thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn vào năm 2016 cho biết có đến vài ba ngàn ngư dân đã trở thành nạn nhân của các vụ đâm va và bắn giết từ phía Trung Quốc trong những năn trước. Nhưng số lượng nạn nhân trong thực tế còn có thể cao hơn. Song về phía Việt Nam, lại có một thực tồn không kém tàn nhẫn: hầu hết những vụ đâm va và bắn giết của Trung Quốc đã không được các lực lượng biên phòng và cảnh sát biển điều tra hoặc điều tra đến nơi đến chốn; hầu hết những vụ ngư dân Việt bị bắn chết đều chìm xuồng trong khi toàn bộ Bộ Chính Trị Việt Nam gần như không dám mở miệng.

Vậy làm sao lại có một chiến dịch truyền thông ầm ĩ tố cáo “giặc Trung Quốc xâm lược” vào đầu năm 2019?

“Cho lu loa mới được quyền lu loa”

Để “kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc?” Nhưng nếu ý nghĩa này là đúng, tại sao đã không hiện ra những lời tố cáo mạnh mẽ tương tự vào những đợt kỷ niệm 30 năm và 20 năm chiến tranh biên giới?

Hay Nhà nước Việt Nam đang muốn chứng tỏ với người dân rằng đó không phải là một nhà nước “thân Trung,” không phải là một chế độ “hèn với giặc, ác với dân” như lời tố cáo của rất nhiều người dân và giới bất đồng chính kiến?

Nhưng nếu thái độ chứng tỏ trên là có thực, làm thế nào nào để giải thích việc chính quyền TP.HCM chỉ đạo cho xe cẩu cái lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn đi giấu ở chỗ khác – như một trong nhiều cách ngăn chặn thô bạo những trí thức và người dân đến đó thắp nhang tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, hành động của một chính quyền cùng những quan chức điều hành nó mà chỉ có thể bị xem là hạ đẳng, ti tiện và dưới đáy văn hóa, xứng đáng bị lịch sử nguyền rủa đến muôn đời?



Thực ra cho đến tận giờ này, chẳng có gì bảo chứng cho thái độ “thành tâm” hay tiết giảm chí khí “hèn với giặc, ác với dân” của chính quyền, cho dù có thể đến một lúc nào đó cái chính quyền đó sẽ buộc phải hồi tâm thật sự theo cách mà nếu không làm như thế thì nó sẽ bị tiêu diệt bởi dân chúng.

Tình trạng quá trống vắng tính bảo chứng như thế lại một lần nữa xảy ra trong sự kiện “kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc”: Sau ít ngày được “cho mở mồm mới mở mồm, cho lu loa mới được quyền lu loa,” báo chí nhà nước bất chợt lắng hẳn mà không còn ồ ạt công kích “giặc Trung Quốc.” Thay vào đó, thậm chí có tờ báo còn sáng tác ra từ “đối phương” để chỉ quân Trung Quốc tấn công các tỉnh phía Bắc vào năm 1979. Nghe nói cũng là một bàn tay “cho sủa mới được sủa” của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, sau khi gặp phản ứng bởi đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội chạy đôn đáo các cơ quan để vừa chỉ trích vừa răn đe đối với chủ trương lên án “giặc Trung Quốc.”

Thói tuyên truyền đầu voi đuôi chuột như trên khiến người ta lập tức liên tưởng với một sự kiện vừa được mở miệng đã phải câm miệng mà có lẽ chỉ tồn tại trong đời sống chính trị và nhung nhúc tham nhũng ở Việt Nam: nếu trong tuần đầu tiên của Tháng Năm năm 2018 báo chí nhà nước được thả phanh đăng tin bài về vụ khiếu kiện ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, cùng tiếng nức nở tràn ngập trên các diễn đàn về hoàn cảnh dân oan Thủ Thiêm màn trời chiếu đất và không tấc đất cắm dùi, thì sang tuần sau đó và như một hội chứng kỳ lạ – toàn bộ báo chí nhà nước thình lình câm bặt như thể bị ai đó bóp họng.

Sự thể trớ trêu và cay đắng tận cùng là trong khi giới quan chức Việt Nam bóp họng dân chúng thì chính những quan chức này lại bị Bắc Kinh tìm cách cắt cổ.

Đàm phán “hợp tác khai thác khai khí” đã thất bại?

Gần một năm trước khi quả ngư lôi Trung Quốc hiện hình ở Phú Yên, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Hà Nội với một đề nghị không tiền khóng hậu và hàm ý như một tối hậu thư: Việt Nam phải cho Trung Quốc “hợp tác khai thác dầu khí” ở Biển Đông.

Khi đó, Việt Nam vừa trải qua một năm 2017 chấn động tâm thần đến mức hình như đứt hẳn dây thần kinh nói: với cái cớ “đường lưỡi bò” được vẽ lại quét qua hầu hết các mỏ dầu của Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc đã cho đến vài trăm tàu vây bọc mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ – dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một hãng dầu khí của Tây Ban Nha là Repsol. Kết quả là Repsol đã phải bỏ của chạy lấy người, còn mỏ Cá Rồng Đỏ thì bị Trung Quốc gây sức ép một lần nữa vào Tháng Ba năm 2018 nên phải đình trệ hoàn toàn việc khai thác cho đến nay.

Không những thế, Trung Quốc còn gây sức ép ở mỏ Lan Đỏ và Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính Trị Việt Nam mất ăn ngay trên “vùng biển chủ quyền không tranh cãi” của mình.

Rất có thể trong năm 2018 đã diễn ra một số cuộc đàm phán Trung – Việt liên quan đến yêu cầu “hợp tác khai thác dầu khí” của Vương Nghị mà phía sau đó là Tập Cận Bình. Trong khi không có bất cứ tin tức nào lộ ra trên mặt báo nhà nước Việt Nam, vài tờ báo thân đảng và cực đoan ở Trung Quốc tỏ ra hằn học vì Trung Quốc không có phần ở những mỏ dầu mà Việt Nam đang khai thác ở Biển Đông. Sau đó và rất có thể, quá trình đàm phán giữa hai “đảng cộng sản anh em” về tỷ lệ chia bôi dầu khí đã thất bại.

Nếu Trung Quốc đã từng áp đặt đề nghị với Philippines cũng về “hợp tác khai thác dầu khí” trên vùng biển Phi nhưng tỷ lệ mà Bắc Kinh được hưởng lên đến 50 – 60%, nghĩa là Trung Quốc xông vào nhà người khác như một tên cướp đòi chủ nhà phải chia tài sản cho hắn, thì có thể Bắc Kinh cũng dùng đúng cái cách đó để triệt đường sống của “đảng và nhà nước ta.”

Hạ nhục

Tâm thế của giới chóp bu Việt Nam hiện thời là quá bĩ cực. Giờ thì chẳng còn gì để nhượng bộ như những năm trước, nhất là khi dầu khí là nguồn tài nguyên gần như cuối cùng để hô hấp đảng được ngày nào hay ngày nấy, còn quả ngư lôi Trung Quốc đã chình ình ở biển Phú Yên như một cú vỗ mặt và hạ nhục quân đội Việt Nam.

Vào năm 2014, chính quyền Việt Nam đã từng bị Trung Quốc hạ nhục đến mức không ngóc đầu lên được. Sau vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc lao vào Biển Đông như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính Trị Việt Nam, đã xuất hiện những dư luận về việc Tổng bí thư Trọng đã tìm cách liên lạc với Tập Cận Bình để xoa dịu tình hình, nhưng họ Tập vênh mặt không thèm nghe điện thoại dù phía Việt Nam đã gọi qua Bắc Kinh đến hai chục lần.

Với tính khí đặc thù sĩ diện và xem nặng thể diện của Nguyễn Phú Trọng, lối hạ nhục trên quả là khó tiêu hóa. Rất có thể trong tình thế “con giun xéo lắm cũng quằn,” ông Trọng cùng bộ chính trị của ông ta đã phải tìm cách phản ứng truyền thông nhân dịp “kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc” như một lối trả đũa giận dỗi, nửa vời và “vừa chửi vừa run.”


Phạm Chí Dũng
nGƯỜI vIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad