WHO chính thức công bố: Virus Corona là tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

WHO chính thức công bố: Virus Corona là tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu


GENEVA, Thụy Sĩ (Reuters) – Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vừa chính thức công bố dịch viêm phổi Vũ Hán là tình trạng khẩn trương toàn cầu, trong lúc Mỹ chính thức xác nhận ca đầu tiên Virus Corona lây từ người sang người.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus./AFP

Tổng Giám Đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố quyết định này sau cuộc họp khẩn của ủy ban gồm 16 chuyên gia tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, 2020.

“Lý do chính để chúng tôi công bố điều này không phải vì những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, mà là những gì đang diễn ra ở những nước khác. Mối lo lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ virus này lây lan đến những nước có hệ thống y tế yếu kém hơn và chưa chuẩn bị đối phó với dịch bệnh này. Xin được nói rõ, quyết định công bố này không phải là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Trung Quốc. Ngược lại, WHO vẫn tin tưởng Trung Quốc có đủ khả năng kiểm soát dịch bệnh.”

WHO hiếm khi công bố tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu. 10 năm qua, họ chỉ công bố năm lần, gồm dịch cúm virus H1 năm 2009, dịch Ebola ở Tây Phi, dịch sốt bại liệt năm 2014, virus Zika năm 2016, và dịch Ebola đang diễn ra ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Một khi công bố tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu, WHO sẽ đưa ra những khuyến nghị cho tất cả các nước nhằm ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng lây lan xuyên biên giới, nhưng làm sao tránh ảnh hưởng đến thương mại và đi lại.

Mặc dù không có thẩm quyền pháp lý để trừng phạt nước nào vi phạm, nhưng WHO có thể yêu cầu họ cung cấp bằng chứng khoa học cho bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào mà họ ban hành.

Trong khi đó, cũng vào Thứ Năm, các giới chức y tế Chicago thông báo đã có ca lây nhiễm virus Corona đầu tiên từ người sang người ở Mỹ.

Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, cho biết bệnh nhân mới là chồng của người phụ nữ ở Chicago đã bị nhiễm bệnh sau khi đến Vũ Hán, Trung Quốc.

Đây là ca nhiễm virus Corona thứ hai được xác nhận ở tiểu bang Illinois và là ca thứ sáu ở Mỹ.

Cũng vào Thứ Năm, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho hay sẽ hướng dẫn quân nhân Mỹ cùng gia đình ở hải ngoại nhận biết dấu hiệu và triệu chứng của bệnh và các biện pháp phòng ngừa.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper công bố tin này tại buổi họp báo ở Ngũ Giác Đài. Ông cũng cho biết khoảng 200 công dân Mỹ di tản khỏi Vũ Hán hôm Thứ Tư hiện đang ở Căn Cứ Không Quân March, miền Nam California.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, số người chết do dịch viêm phổi Vũ Hán đã lên đến 170, và một ca nhiễm bệnh đã được xác nhận ở Tây Tạng, nghĩa là virus Corona đã lan đến mọi vùng của nước này.

Giới chức y tế Trung Quốc loan báo, tính đến ngày 29 Tháng Giêng, số ca nhiễm bệnh được xác nhận ở nước này là 7,711. Tuy nhiên, họ không công bố nhiều chi tiết về bệnh nhân cũng như căn bệnh ảnh hưởng đếnh bệnh nhân như thế nào.

Mặc dù những ngày qua, nhiều người nghi ngờ chính quyền Trung Quốc bưng bít thông tin, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO đã đánh giá cao cách xử lý dịch bệnh của nước này.

Hai du khách ngoại quốc đeo khẩu trang y tế tại phi trường thủ đô Bắc Kinh hôm 30 Tháng Giêng, 2020. Virus Corona nay chính thức là tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu. (Hình: Kevin Frayer/Getty Images)

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đây là con virus “quỷ sứ” và hứa sẽ tiêu diệt.

Tỉnh Hồ Bắc, nơi có gần một nửa số ca tử vong, đang ở trong tình trạng phong tỏa. Hồ Bắc, nằm ở miền Trung Trung Quốc, có 60 triệu dân và có thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh.

Vũ Hán cũng đã bị phong tỏa. Trung Quốc đã ban hành nhiều hạn chế về giao thông để ngăn chặn virus lây lan.

Người nào từng đến Hồ Bắc thời gian qua được công ty yêu cầu làm việc ở nhà đến khi nào công ty xác nhận là an toàn mới được đi làm trở lại.

Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, lớn thứ hai thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia khuyên người dân tránh đi Trung Quốc nếu không cần thiết.

Hàng loạt hãng hàng không quốc tế đã hủy hoặc giảm bớt chuyến bay đến Trung Quốc. Các đại công ty như Google, Ikea, Starbucks và Tesla thì đóng cửa hàng hoặc ngưng hoạt động.

Có tin một số nơi ở Trung Quốc bắt đầu khan hiếm thực phẩm. Báo chí nhà nước đưa tin chính quyền “đang tăng cường nỗ lực bảo đảm nguồn cung vẫn tiếp tục và giá cả ổn định”.

Liên Đoàn Bóng Đá Trung Quốc đã thông báo hoãn tất cả trận đấu trong mùa bóng 2020.

Trên thế giới, virus Corona đã lan đến ít nhất 16 quốc gia. Nhiều quốc gia đã di tản và lên kế hoạch cách ly kiểm dịch công dân của mình từ Trung Quốc về nước.

Nga đã quyết định đóng cửa biên giới miền viễn Đông với Trung Quốc dài 2,670 dặm, tức 4,300 cây số, để ngăn virus lây lan.

Trong lúc này, các nhà nghiên cứu đang chạy đua bào chế vaccine chống virus Corona. Một phòng thí nghiệm ở California đang dự tính cho thử nghiệm một loại vaccine trên người vào Tháng Sáu hoặc Tháng Bảy.

Tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma công bố chi $14.4 triệu để giúp đối phó với dịch bệnh.

Trong đó, $5.8 triệu dành cho hai tổ chức nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc để bào chế vaccine, số còn lại dành cho việc “phòng ngừa và điều trị” bệnh.


© Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad