Vấn đề ngộ nghĩnh ở chỗ đó không phải là buổi họp diễn ra vào ngày 15/2, mà là một buổi họp vào ngày 3/2, trước đó hơn 10 ngày.
Mà trong buổi họp đó ông Tập nhắc chuyện họp khác nữa cách đó gần … một tháng, ngày 7/1/2020, cũng của Ban thường vụ Bộ Chính trị, cũng chuyện dịch phổi Vũ Hán.
Ghép lại chuỗi thời gian, ta sẽ thấy hình ảnh giống con búp bê bằng gỗ của Nga Maroushka, trong buổi họp này có buổi họp kia, trong buổi họp kia lại có buổi họp nọ. Nó cũng giống như thuật toán quen thuộc của những lập trình viên máy tính gọi là đệ qui (recursion) lặp đi lặp lại những thứ giống hệt nhau.
Sau khi Cầu Thị cho đăng bài nói chuyện của ông Tập, giới quan sát bèn so sánh dòng thời gian những diễn biến của dịch Vũ Hán, với dòng thời gian của ông Tập:
Ngày 3/1/2020, bác sĩ Lý Văn Lượng bị công an bắt, bị cấm loan tin về bệnh dịch.
Ngày 7/1/2020, ông Tập nói phải chống dịch (nếu như tin Cầu Thị đăng là đúng).
Suốt gần hai tuần lễ sau đó, Vũ Hán họp … đại hội đảng bộ, tổ chức “mừng đảng, mừng xuân” với bữa tiệc mấy chục ngàn người nhằm phá kỷ lục. Năm triệu người Vũ Hán rời thành phố đi tung tăng khắp nơi, và… mang virus corona đi khắp thế giới.
Ngày 20/1/2020, ông Tập tuyên bố “biện pháp mạnh”, phong tỏa Vũ Hán.
Ngày 27/1/2020, ông Chu Tiên Vượng, Thị trưởng Vũ Hán nói ông không được quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì phải chờ… trung ương, tức là chờ …ông Tập.
Rất dễ dàng đi đến các kết luận sau đây:
1/ Ông Tập đã biết sớm chuyện dịch bệnh rồi, nhưng ông im lặng vì không biết làm sao.
2/ Ông Tập biết có dịch nhưng ông xem đó là … chuyện nhỏ, vì cấp dưới báo cho ông là chuyện nhỏ, ông tin ngay.
Kết luận nào cũng cho thấy ông Tập là một kẻ bất tài.
Một việc duy nhất ông Tập có tài, đó là …trấn áp. Ông phong tỏa Vũ Hán, ông cách chức một loạt quan chức Vũ Hán và Hồ Bắc, hai nhà báo công dân tại Vũ Hán bị mất tích, một số người chỉ trích bị bắt.
Đó là người dân nghĩ như thế, chứ họ đâu dám nói ra. Ông Tập cũng sẽ không biết.
***
Chuyện vỡ chợ truyền thông của Trung Quốc không phải là đặc sản của nước này, mà là đặc sản của các nước cộng sản. Ngay mới gần đây ở Việt Nam, sau vụ đàn áp Đồng Tâm làm bốn người thiệt mạng, báo chí Việt Nam chỉ có một nguồn duy nhất là… Bộ Công an. Và bộ này cứ sáng nói A, chiều nói B, cho đến nay, người ta cũng chưa biết chính xác việc gì thật sự đã xảy ra ở Đồng Tâm. Không những dân chúng Việt Nam không biết, mà một số lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng mù tịt nốt.
Với lý do ổn định chính trị, nhà nước cộng sản chủ trương không cho phép truyền thông độc lập với nhà nước, mà tất cả báo chí, TV, truyền thanh đều là một loại công báo của nhà nước. Tất cả những chỉ trích đều được xem là “kẻ thù của nhân dân” (đáng buồn là khẩu hiệu này lại được tổng thống Mỹ Donald Trump bắt chước).
Nhưng khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, vượt quá sự hiểu biết của các “vị lãnh đạo”, chẳng hạn như vụ Chernobyl bên Nga, hay vụ Vũ Hán đang diễn ra, các vị ấy không còn biết phải điều hành cái chợ truyền thông của mình như thế nào để nó đừng vỡ.
Ngay sau khi Cầu Thị (mà tại sao chỉ có Cầu Thị? Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật báo đâu rồi?) đưa tin về chuyện ông Tập “chỉ đạo sớm” (sic), Giáo sư Hà Vệ Phương tại Đại học Bắc Kinh viết rằng, ông hy vọng cái giá quá nặng nề (dịch virus Vũ Hán) làm cho chính quyền hiểu rằng, nếu không có báo chí tự do, thì dân chúng sẽ sống trong đau khổ, còn chính quyền chìm đắm trong sự dối trá.
Giáo sư Hà dùng WeChat để truyền thông điệp của mình, nhưng ông viết tay rồi chụp ảnh gửi đi, hy vọng nó vượt qua lưới kiểm duyệt. Nhưng khoảng một giờ sau đó, hình chụp bản viết tay của Giáo sư Hà bị xóa bỏ.
Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa lục địa vẫn thích búp bê Maroushka vận hành thông tin trong khủng hoảng, vẫn không sợ cái vòng đệ qui ngớ ngẩn, có thể làm họ rơi vào một cái vòng lặp đi lặp lại (loop), không bao giờ thoát.
© Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco
Tiêng Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét