Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 20/2, nhận định về nghị quyết này:
“Trước hết đây là định hướng chứ không phải chính sách, khi mà định hướng của Đảng, của Bộ chính trị mà giao cho Thủ tướng Chính phủ, thì Thủ tướng sẽ ban hành thành chính sách rất cụ thể, và tất cả sẽ thực hiện theo định hướng này. Trước nhất, hiện tại phát triển điện của Việt Nam có khả năng sắp tới sẽ khó khăn, có khả năng sẽ thiếu điện, nên sẽ có hướng phát triển để cung cấp đủ điện thì phải sử dụng đầy đủ các nguồn nguyên liệu sơ cấp mà phần lớn có ở Việt Nam.”
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, hiện nay ở Việt Nam chưa thống nhất việc sẽ sử dụng loại nguyên liệu năng lượng sơ cấp nào là ưu tiên, trong các loại như điện than, năng lượng tái tạo, thủy điện hay khí… Nhưng theo ông, nghị quyết 55 này viết rất rõ là phải sử dụng hợp lý và hài hòa các loại năng lượng sơ cấp hiện có tại Việt Nam.
|
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nói tiếp:
“Trước đây tính nhiệt điện than chiếm tỷ lệ cao nhất, vì giá thành nhiệt điện than rẻ nhất so với thủy điện. Thủy điện là rẻ nhất, sau đó đến than… Nhưng nghị quyết này xác định giá than không phải là rẻ nhất, vì chưa tính những ô nhiễm do nhiệt điện than gây nên. Cho nên kỳ này đưa vào phí ô nhiễm do nhiệt điện than gây nên. Ngoài ra tôi thấy kỳ này còn tiến bộ hơn, còn nghiên cứu thuế khí thải nhà kính, mà các nước gọi là thuế carbon, phải tính cả cái đó vào trong giá thành. Và nếu tính cả cái đấy vào thì giá nhiệt điện than không còn rẻ như trước nữa và nó sẽ bảo đảm cho sự cạnh tranh của các nhà máy điện được tốt hơn.”
Ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng
Theo Tổng sơ đồ quy hoạch điện 7, do Bộ Công Thương giao Viện Năng lượng lập quy hoạch, dự kiến đến 2030, điện từ than chiếm 42,6%; khí tự nhiên chiếm 14,7% và năng lượng tái tạo chiếm 21%... Do đó với tỷ lệ này, nếu giá điện than mà tăng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ giá thành điện khi đến tay người tiêu dùng.
Theo Quyết định số 281 do Bộ Công Thương ban hành về việc ban hành khung giá điện năm 2019, đối với nhà máy nhiệt điện than, mức trần của khung giá bán điện, chưa bao gồm phí môi trường, thuế giá trị gia tăng, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung… áp dụng cho than nhập khẩu giao động từ 1.896,05 đồng/kWh đến 1.677,02 đồng/kWh.
Nếu giá điện tăng thêm sẽ ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng? Một người dân ở Quảng Nam cho biết:
“Nếu mà tăng giá điện thì chắc chắn ảnh hưởng đến túi tiền của mình rồi. Em không kinh doanh, chỉ là nhà ở thôi, nhưng tăng giá điện thì chắc chắn phải bỏ ra thêm tiền mỗi tháng rồi. Tăng lên thì mình là người dân thì phải chịu thôi, chứ đâu làm gì được.”
Một chủ cơ sở gia công xay xát lúa gạo ở khu vực ĐBSCL nói:
“Nếu tăng giá điện như vậy thì rất là ảnh hưởng và khó khăn lắm, khó khăn cho người nông dân và thương lái mua lúa đem về nhà máy để gia công, rồi doanh nghiệp gạo cũng sẻ bị ảnh hưởng. Ví dụ em gia công gạo, em ăn 270 đồng của người thương lái mua lúa khô để về nhà máy em gia công, bây giờ giá điện tăng lên, em tăng giá thì người ta không chấp nhận. Nói chung là rất khó khăn cho doanh nghiệp và người thu mua.”
Theo Luật Điện lực Việt Nam, thị trường điện lực Việt Nam chia làm ba giai đoạn: giai đoạn phát điện cạnh tranh, giai đoạn bán buôn điện cạnh tranh và giai đoạn bán lẻ điện cạnh tranh; nó phải được hoàn chỉnh vào năm 2023.
Hiện Việt Nam đã chuyển sang thị trường bán buôn, nhưng theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, thực tế lại chưa đúng nghĩa của bán buôn điện. Vì hiện nay không có công ty tư nhân đi buôn điện bán lại, mà chỉ là những công ty con của EVN buôn điện từ Tổng công ty để bán lại với giá cao hơn.
Vì vậy, hiện cạnh tranh ngành điện không có, vẫn độc quyền. Thị trường điện lực chưa có. Khi thị trường điện lực không có thì sẽ còn nhiều khuất tất bên trong. Cạnh tranh là biện pháp tốt nhất trong quản lý.
Trao đổi với RFA hôm 20/2 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:
“Theo tôi việc tính thêm phí môi trường vào giá điện than là hợp lý. Như vậy giá điện sẽ tăng, người tiêu dùng phải trả chi phí đó. Giá điện tăng thì sức ép lên năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ cao hơn, đòn hỏi các doanh nghiệp VN phải chuyển sang sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió… ”
Cũng Trong Nghị quyết số 55, Bộ Chính trị nêu rõ, với ngành than, ngoài nhập khẩu, cần khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò… để có thể giảm giá thành… giảm thiệt hại cho người dùng điện.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nhận định:
“Thực ra mà nói, từ chủ trương ấy, khi đưa vào thực tế, còn phải qua nhiều chính sách, mà trong đó chính sách cơ bản nhất, là chính sách sẽ hỗ trợ những người bị thiệt thòi vì giá điện tăng cao. Theo cá nhân tôi nghiên cứu, các nước người ta sử dụng thuế môi trường, thuế carbon, đều có phần tính toán, thành phần nào trong xã hội bị ảnh hưởng thì nhà nước sẽ dùng thuế đó để hỗ trợ. Chủ trương là sẽ tính, nhưng chưa biết tính đến mức độ nào, vì chưa ban hành chính sách cụ thể. Tuy nhiên cũng không phải chờ lâu, vì có khả năng tháng 9 này sẽ có nghiên cứu tổng sơ đồ 8 để thay thế tổng sơ đồ 7 thì sẽ nói rõ.”
Tổng sơ đồ quy hoạch điện 7 được lập ngày 30/12/2005, theo Luật Điện lực số 28/2004/QH11. Sau đó được điều chỉnh vào năm 2014. Tuy nhiên từ năm 2018, nhiều chuyên gia đã đề xuất lập Tổng sơ đồ quy hoạch điện 8, để có những cải tiến phù hợp hơn.
Sau cùng, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng trong nền kinh tế mà các thành phần có thể cạnh tranh với nhau thì giá sẽ ổn định hơn. Giá tăng cao thì cũng là hình thức bỏ được độc quyền, bỏ được hỗ trợ, theo ông là đúng. Nhưng với cái lo toan của người dân về giá điện thì nhà nước cần phải tính toán kỹ hơn để hỗ trợ những người có thu nhập thấp.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét