Huawei – Anh đi đường Anh - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Huawei – Anh đi đường Anh


Quyết định của Anh khiến Trung Quốc có cơ sở để có các hoạt động “do thám rộng khắp” ở Anh và tạo cho Bắc Kinh đòn bẩy về kinh tế và chính trị. Ông Cotton thậm chí nói chuyện Anh để Huawei tham gia mạng 5G chẳng khác nào để tình báo Soviet KGB tham gia xây dựng mạng lưới điện thoại trong Chiến tranh Lạnh.

Quyết định này phản ánh chuyện chính phủ Anh đã ngủ gật trên vô lăng hồi giữa thập niên 2000 khi hãng BT chọn Huawei cung cấp thiết bị viễn thông.

Tuần này nước Anh trải qua vài cơn sốt.

Nhiều người dân, nhất là người Trung Quốc ở Anh, vô cùng lo ngại với viêm phổi Vũ Hán. Giá mặt nạ phòng độc tăng từ chỉ 15 bảng 200 chiếc lên tới thậm chí 200 bảng trên eBay. Một số cửa hàng trên Amazon không còn mặt nạ để bán. Nhiều gia đình Trung Quốc thường vẫn cho con đi học tiếng Trung thứ Bảy hàng tuần đã huỷ luôn các buổi học trong vài tuần tới. Chuyến bay đón người Anh ở Vũ Hán về lại quê hương sẽ hạ cánh tại một sân bay quân sự và người về bị cách ly trong 14 ngày tại một nơi biệt lập.

Cơn sốt thứ hai là những động thái cuốn gói của giới ngoại giao Anh và nhất là các dân biểu Nghị viện châu Âu của Anh trước ngày 31/1, ngày Anh chính thức không còn là thành viên của Liên hiệp châu Âu EU. EU sẽ hạ cờ Anh, đổi màu nước Anh trên bản đồ trong khi Anh cũng sẽ có những động thái tương tự.

Nhưng cơn sốt được hai nền kinh tế lớn nhất thế giới quan tâm nhiều hơn cả, ít nhất là trong tuần qua, là quyết định của Anh cho phép Huawei tham gia vào xây dựng mạng lưới viễn thông thế hệ 5, còn gọi là 5G.

Trung Quốc hiển nhiên vui mừng và quan hệ thương mại song phương giữa hai nước thời hậu Brexit sẽ tiến triển tốt đẹp hơn.

Hoa Kỳ từ trước tới nay vẫn vận động Anh cấm cửa Huawei và không hài lòng với chuyện Anh vẫn để Huawei có chân trong mạng 5G dù chỉ được hoạt động trong phần ngoại vi bao gồm các trạm tiếp nối và ăng ten. Theo quyết định của chính phủ Anh, Huawei sẽ không được tham gia vào phần cốt lõi liên quan tới các dữ liệu của người dùng, kết nối cuộc gọi hay chuyển tin nhắn. Hơn nữa Huawei cũng chỉ được cung cấp chừng 35% thiết bị ngoại vi và không được hiện diện tại các khu vực quân sự hay cơ sở hạt nhân.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, người có chuyến thăm Anh trong tuần này, đã thúc giục Anh cân nhắc lại quyết định vừa được đưa ra. Trong khi đó nhiều dân biểu Hoa Kỳ công khai phản đối quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Thượng Nghị sỹ Tom Cotton của Đảng Cộng hoà, thành viên uỷ ban tình báo Thượng viện, được BBC dẫn lời nói: “Tôi sợ rằng London vừa thoát khỏi Brussels đã lại nhượng chủ quyền cho Bắc Kinh.”

Vị thượng nghị sỹ cũng nói thêm rằng quyết định của Anh khiến Trung Quốc có cơ sở để có các hoạt động “do thám rộng khắp” ở Anh và tạo cho Bắc Kinh đòn bẩy về kinh tế và chính trị. Ông Cotton thậm chí nói chuyện Anh để Huawei tham gia mạng 5G chẳng khác nào để tình báo Soviet KGB tham gia xây dựng mạng lưới điện thoại trong Chiến tranh Lạnh.

Dân biểu Hạ viện Elise Stefanik của Đảng Cộng hoà viết trên Twitter rằng quyết định của thủ tướng Anh là “sai trái, nguy hiểm, và là sai lầm thiển cận”.

Cũng không chỉ có các chính trị gia Hoa Kỳ lo ngại về quyết định của Anh. Một cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ đương quyền của Anh, Dân biểu Iain Duncan Smith, nói Trung Quốc là đối thủ của Anh, giống như Nga, và coi quyết định của chính phủ Anh là “cực kỳ kỳ quặc”. Người ta cũng nói Đức từng sản xuất tàu ngầm rất tốt hồi cuối thập niên 1930 và Liên Xô cũng có radar rất tốt nhưng Anh chưa bao giờ mua những thứ vũ khí như vậy.

Chính phủ Anh trong khi đó đã có quyết định mà theo họ là thực tế và vẫn kiểm soát được an ninh của mạng 5G khi không cho phép Huawei tham gia vào hệ thống thần kinh của mạng viễn thông cũng như giới hạn đóng góp của họ ở mức 35% thiết bị ngoại vi.

Quyết định này phản ánh chuyện chính phủ Anh đã ngủ gật trên vô lăng hồi giữa thập niên 2000 khi hãng BT chọn Huawei cung cấp thiết bị viễn thông vì giá của họ cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ khác. Từ đó tới nay Huawei đã cung cấp hệ thống thiết bị trị giá nhiều tỷ đô la cho các hãng viễn thông Anh. Trong việc phát triển mạng 5G hiện nay, Huawei cũng được cho là cần ít hệ thống ăng ten hơn so với các hãng khác và như vậy đẩy nhanh tiến trình xây dựng mạng viễn thông thế hệ 5.

Hôm vừa rồi tôi gia hạn hợp đồng với hãng điện thoại kiêm dịch vụ internet TalkTalk thêm một năm nữa và được họ gửi cho một modem mới. Mọi khi tôi không mấy khi xem modem do hãng nào sản xuất nhưng thấy các thảo luận về Huawei trong vài ngày qua nên xem thử. Và quả thật modem đó là của Huawei. Khó mà biết quyết định của Anh có thực sự gây tác hại về lâu dài dù được lợi trước mắt về giá thành và tốc độ phát triển mạng 5G. Nhưng ít ra khi Huawei chỉ là thành viên thiểu số của mạng ngoại vi, Anh vẫn có khả năng xoay sở nếu gặp bất trắc.


© Nguyễn Hùng
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad