“Cái lo lắng ở đây là đông dân mà đi lại ra đường phố thì mọi người lại chưa đề cao ý thức lắm. Cho nên là mình cũng phải cẩn thận hơn bởi vì cái dịch bệnh nó cũng không thể nào mà hết ngay được và có khả năng còn kéo dài khi trẻ con vẫn còn đang nghỉ học,” bà Dung chia sẻ.
“Những người lớn tuổi như chúng tôi thì đương nhiên cái bệnh lây truyền nó cũng dễ xâm nhập. Do vậy chúng tôi phải tự bảo vệ bằng cách hạn chế ra đường hơn, khi có việc cần thiết thì mới ra đường. Người già và trẻ em thì như vậy. Còn đối với những người phải đi làm thì không thể tránh khỏi là vẫn phải ra đường và đến cơ quan. Trong khi đó, khẩu trang và nước rửa tay để phòng tránh thì lại khó mà mua được,” bà Dung tỏ vẻ ngao ngán.
Đó là câu chuyện của một người cao tuổi chủ yếu dành phần lớn thời gian ở nhà và con cái đã trưởng thành. Còn đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ, có con nhỏ, thì thời gian dịch bệnh này gây nhiều vất vả đối với cả gia đình khi con em trong nhà phải nghỉ học kéo dài trong khi lại không được ra ngoài vui chơi. Có những gia đình cho rằng điều lo lắng hơn đối với họ là giờ đây là những thông tin về dịch bệnh của các cơ quan quản lý y tế Việt Nam được truyền tải trên hệ thống báo chí nhà nước không phải là những thông tin mà họ có thể tin cậy được. Vì thế, họ không thực sự hiểu được mức độ nghiêm trọng thật sự của đợt dịch bệnh lần này.
Chị Phạm Thu Hiền, sinh sống tại quận Hai Bà Trưng, cho biết người dân bây giờ ‘cần có một hệ thống thông tin trung thực, minh bạch và độc lập'.
Một số người cũng chia sẻ rằng sự điều hướng thông tin trên báo chí về tình hình dịch bệnh có thể giúp giảm thiệt hại đối với các hoạt động kinh tế, nhưng thực sự khiến nhiều người rơi vào cảnh bất an, bị động và dẫn tới nguy cơ nhiễm bệnh khi không thực sự ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Vài tuần qua, do người dân hạn chế ra đường, học sinh, sinh viên được nghỉ học, nên đường phố Hà Nội thoáng đãng và vắng vẻ chưa từng thấy, một số cư dân cho biết. Việc giao thông đi lại không gặp cản trở hay tắc đường, nhưng đi kèm với nó là hoạt động kinh doanh ế ẩm của nhiều cửa tiệm, nhà hàng, đặc biệt là những nơi tập trung đông người như các trung tâm giải trí, quầy bar hay quán bia… Những tụ điểm này cũng như những cửa tiệm kinh doanh tại sân bay Nội Bài hiện đang hoạt động cầm chừng. Và nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài nhiều người dự báo sẽ thua lỗ lớn trong hoạt động kinh doanh trong năm nay.
Anh Đoàn Trần Sơn, người giữ vị trí trưởng phòng kinh doanh miễn thuế của một doanh nghiệp nước ngoài tại sân bay Nội Bài chia sẻ những ưu tư của mình: “Bây giờ mọi người rất là sợ. Nếu như anh ở Việt Nam anh sẽ thấy hầu như đi ra ngoài đường ý là hầu như 100% khẩu trang đeo bất kỳ chỗ nào, thậm chí là không ra ngoài đường luôn. Tôi là người đi làm ở xa, tôi đi làm cách nhà khoảng 30 – 40km, tôi làm trên sân bay Nội Bài thì tôi thường đi xe tuyến hoặc xe bus thì chưa bao giờ tôi thấy một khung cảnh đi làm nó lại ảm đạm và vắng vẻ như vậy. Nói thật như là Tết luôn nhưng nó ảm đạm, buồn rầu lắm vì nó chẳng có người đi lại gì cả. Mọi người tôi nghĩ rằng cái ảnh hưởng của con virus này làm cho cái tâm lý lo lắng mọi người rất là lớn cho nên mọi người hạn chế đi lại rất là nhiều.”
Tính đến ngày 20/02, dịch bệnh do virus corona, với tên gọi Covid-19 đã giết chết 2129 người và gần 76.000 người nhiễm bệnh. Việt Nam nói 14 trên 16 ca được xác nhận dương tính với virus này đã khỏi. Hơn trăm người ngày 21/2 sẽ được rời khỏi nơi cách ly tại doanh trại quân đội ở Lạng Sơn, một giới chức cho Reuters biết ngày 20/2. Tổng cộng 505 người Việt bị cách ly tại doanh trại này sau khi trở về từ Trung Quốc nhưng 2 người đã được chuyển tới một bệnh viện gần đó để theo dõi sức khỏe thêm, giới chức ẩn danh nói với Reuters.
© Nguyễn Lại
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét