Luật bổ sung quyền cho người giúp việc chỉ để đảm bảo công ước quốc tế? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Luật bổ sung quyền cho người giúp việc chỉ để đảm bảo công ước quốc tế?


Một người giúp việc cho một gia đình Hà Nội giặt quần áo trên đường phố trung tâm ngày 10 tháng 1 năm 2001. AFP


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Quyền lợi người giúp việc

Nghị định 28/2020 của Chính phủ Việt Nam vừa bổ sung nội dung mới về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đặc biệt đối với người giúp việc. Nghị định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4 tới đây.

Giải thích vì sao lại có những thay đổi này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“Chính phủ hướng dẫn luật lao động mới này là một trong những điều khi Việt Nam tham gia Công ước quốc tế đảm bảo cho người lao động có thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.”

Theo đó, những chủ nhà khi thuê người lao động sẽ có thể phải đóng mức phạt từ 10-15 triệu đồng nếu có những vi phạm sau đây: không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm; giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; thuê người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi theo quy định.

Chị Trần Kim Oanh, hiện đang ở Sài Gòn khi nhận xét về những quy định mới này cho rằng việc phải trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế vừa vô lý mà vừa hợp lý. Chị giải thích:

“Nếu như đóng bảo hiểm trong trường hợp nguời đó đang ở tuổi lao động thì hợp lý. Nhưng nếu người đó đến tuổi về hưu mà làm việc thì không đóng bảo hiểm được do đã quá tuổi lao động.

Người giúp việc ở Việt Nam có trường hợp là lên xin chủ nhà làm việc, thỏa thuận giữa 2 người, và không có nhu cầu đóng bảo hiểm. Thí dụ lương trả cho người ta 5 triệu, nhưng tính luôn bảo hiểm thành 6, 7 triệu thì người ta sẽ nói đưa cho người ta khoản tiền đó vì không cần đóng bảo hiểm. Việc này không riêng gì người giúp việc mà những người đi làm cho công ty nhỏ cũng vậy.”





Bên cạnh những điều khoản và mức phạt nêu trên, các chủ nhà khi mướn người giúp việc cũng sẽ bị phạt cảnh cáo nếu không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; hoặc không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Kể về kinh nghiệm bản thân, chị Kim Oanh cho biết từ trước đến nay nhà chị đa số tuyển người giúp việc thông qua người quen giới thiệu thôi chứ không quan tâm đến giấy tờ và hợp đồng. Theo chị, tất cả chỉ là thỏa thuận miệng. Nhưng chị cho rằng nếu luật quy định rõ cần phải có hợp đồng lao động cho người giúp việc thì cũng là điều tốt để mọi việc được công khai, minh bạch và không lấn cấn về luật pháp sau này.

Còn chuyện chi trả vé xe cho người giúp việc về quê, chị Oanh cho rằng đây là điều mặc định chủ nhà phải làm từ trước đến nay:

“Thật ra chi phí đi lại đúng ra mà nói trong một công ty lớn vẫn cho nhân viên đi đường. Không phải lúc nào người ta cũng về (quê) và người ta cũng y như người đi làm bình thường nếu có đóng thuế thì mình phải trả phí đi lại là đúng.”

Xác nhận thực tế này, chị Thúy Nga, đang làm giúp việc tại một gia đình ở quận Tân Bình chia sẻ chị thường kiếm việc thông qua người quen giới thiệu. Hiện chị đang trông việc nhà cho hai ông bà chủ lớn tuổi đã hơn chục năm nay. Theo chị, điểm chung duy nhất giữa các gia đình mà chị Nga đã và đang giúp việc là chị chưa bao giờ phải ký hợp đồng lao động do chủ nhà không yêu cầu và chị cũng thấy không cần thiết.

Hình minh họa chụp tại Hải Phòng, Việt Nam.
Bên cạnh đó, do quê chị ở Thái Bình nên cách năm chị phải về quê đón Tết cùng gia đình. Theo chị, những chi phí đi lại đều được con cái ông bà chủ gom lại biếu, không những đủ mua vé về quê mà còn như được thưởng thêm tháng 13.

Ngoài những nội dung trong Nghị định 28 được báo chí đăng tải, Luật sư Nguyễn Văn Hậu còn bổ sung thêm một số điều khoản mà ông cho rằng người lao động cần nên biết đến:

“Trong nghị định này cũng quy định mức phạt 2-5 triệu nếu người sử dụng lao động có những hành vi như không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong thời gian làm việc ví dụ như nghỉ chuyển ca, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định của pháp luật, hoặc không rút ngắn thời giờ làm việc của người lao động trong năm cuối cùng. Luật lao động có quy định người lao động trong năm cuối trước khi nghỉ hưu thì thời giờ lao động được rút ngắn lại.




Nếu họ (người sử dụng lao động) vi phạm pháp luật về ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày nghỉ lễ sẽ phạt từ 10-20 triệu đồng.

Mức phạt 20-25 triệu đồng cũng được áp dụng khi người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ, tức làm thêm giờ trong thời gian nghỉ ngơi.”


Không phổ biến luật rộng rãi?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trước khi có những nội dung bổ sung Nghị định 28, người giúp việc thường xuyên bị chủ sử dụng đối xử như người phụ thuộc, không có thời gian biểu rõ rệt, không được nghỉ ngơi. Do đó, cả chủ nhà và người giúp việc nhà đều cần phải hiểu rõ điều luật này để đảm bảo đầy đủ quyền con người và quyền công dân của người lao động. Tuy rằng chỉ là môi trường lao động gia đình nhưng vẫn cần được pháp luật điều chỉnh.

Tuy nhiên, đối với những người giúp việc mà RFA trao đổi, đa số họ đều không hề hay biết và được phổ biến gì về những điều luật đảm bảo quyền lợi cho họ, như lời Cô Khoa, một người giúp việc theo giờ ở Sài Gòn cho biết:

“Quen biết nếu có ai cần rồi giới thiệu thì cô tới làm chứ không nói gì về luật lao động hết. Cô làm cho người ta năm mấy rồi nên không hỏi mấy chuyện đó làm gì. Cái đó phiền phức đến chủ nhà, tội chủ nhà. Mình chỉ làm mấy tiếng cần gì đến luật lao động, cần gì đến tiền bảo hiểm.”

Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng do không nắm bắt được thông tin nên nhiều người giúp việc chưa hiểu được những quyền lợi mà họ đáng được hưởng như những người lao động trong các ngành nghề khác. Vì vậy, ông đề ra giải pháp:

“Để truyền tải thông tin này, tôi cho rằng truyền thông, tổ chức xã hội như các đoàn thể cần tuyên truyền bằng tờ rơi, truyền thông để người đi làm biết được và tự bảo vệ mình. Có khi họ có thể khiếu nại, tố cáo những hành vi mà người chủ giúp việc đối xử với họ không đúng luật.”

Chuyện thuê người giúp việc không có hợp đồng là một thực tế diễn ra lâu nay tại Việt Nam. Nay để có thể thay đổi một tập quán để tuân thủ quy định bảo đảm quyền lợi cho cả hai phía, mọi ý kiến đều cho rằng cần có thời gian và tiến hành mọi bước cần thiết chứ không thể một sớm, một chiều mà áp dụng ngay được.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad