Trung Quốc Thời Bất Chấp: Tại sao Trung Quốc muốn biến Mỹ thành kẻ thù? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Trung Quốc Thời Bất Chấp: Tại sao Trung Quốc muốn biến Mỹ thành kẻ thù?


Những diễn biến gần đây cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thể đã tiến tới một bước ngoặt không thể quay đầu, xoay quanh nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát tán thuyết âm mưu hòng đổ vấy trách nhiệm cho Mỹ trong đại dịch Covid 19.


Thoạt tiên, không ít người cho rằng phát ngôn viên mới được bổ nhiệm cách đây không lâu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nổi hứng bất tử khi đăng dòng tweet gợi ý có thể quân đội Mỹ đã mang virus tới Vũ Hán.

Nhưng những diễn biến sau đó cho thấy họ Triệu không hề nông nổi mà chỉ làm theo chỉ đạo và đây là một chiến dịch được hoạch định, triển khai nhịp nhàng để chạy tội và chuyển dịch trách nhiệm cho Mỹ, ít nhất là về mặt đối nội.

Trò thay trắng đổi đen của Trung Quốc đương nhiên khiến chính giới Mỹ kinh ngạc và giận dữ. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell lập tức triệu tập Đại sứ Thôi Thiên Khải đến Bộ Ngoại giao nhưng cuộc "nói chuyện phải quấy" này dường như không đủ đô và Bắc Kinh vẫn giữ lập trường không khoan nhượng.

Diễn biến này không khó hiểu một khi dòng tweet là một phần chiến dịch được Trung Quốc hoạch định từ trước.

Trao đổi được nâng cấp lên thành cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc điện đàm này không giải quyết được gì mà dường như còn đổ thêm dầu vào lửa, càng khiến hai bên xa cách nhau hơn.

Thông báo của phía Trung Quốc về cuộc điện đàm chỉ toàn phát biểu của Dương cực lực lên án âm mưu bôi nhọ nỗ lực của Trung Quốc nhằm khống chế sự lây lan dịch Covid 19.

Ở phía bên kia, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng thông cáo chưa đầy 5 dòng, nói rằng Ngoại trưởng Pompeo truyền đạt sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ trước nỗ lực của Trung Quốc nhằm đổ trách nhiệm dịch Covid 19 cho nước Mỹ.

Không hề có một điểm chung!

Có vẻ như đổ vỡ từ cuộc điện đàm đã thúc đẩy Tổng thống Trump dấn thêm một bước bằng cách sử dụng thẳng thừng cụm từ "virus Trung Quốc" để chỉ loại virus được WHO gọi bằng một cái tên gì đó. Trước đó hai ngày, Trump vẫn khá nhẹ nhàng khi chỉ nói rằng: "Chúng tôi biết nó bắt nguồn từ đâu".




Trung Quốc, một khi đã xác định cuộc chơi, cũng không vừa với màn trục xuất hàng loạt phóng viên người Mỹ của ba tờ báo lớn The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal.

Trên danh nghĩa đó là hành động trả đũa cho việc Mỹ khống chế số lượng phóng viên người Trung Quốc của các cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động trên đất Mỹ.

Nhưng thực chất đó là một nước đi mà Trung Quốc cho dù có dự tính trước cũng chỉ tung ra khi quan hệ giữa hai bên thực sự xấu đi và lâm vào tình cảnh khó có thể vãn hồi.

Thoạt nhìn, Trung Quốc dường như đi quá xa trong nỗ lực dịch chuyển trách nhiệm cho Mỹ, không thể không đặt câu hỏi liệu có đáng không?

Thứ nhất, nỗ lực của Trung Quốc có thể dễ dàng bị vạch mặt.

Thứ hai, lợi ích từ một chiến dịch như thế không tương xứng với việc đánh cược mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất đối với Trung Quốc, vốn đã khá mong manh vì chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, Trung Quốc, hay đúng hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề khinh suất, mà trái lại họ thực sự chủ động đẩy quan hệ với Mỹ xấu đi.

Lý do là Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực sự đối mặt với vấn đề sống còn sau những sai lầm chí tử trong việc phòng chống bệnh dịch.




Sau khi tình hình lây lan bệnh dịch phần nào được khống chế ở Trung Quốc, thực tại của nền kinh tế đang đập vào mặt những người sống sót.

Dù cho quanh co thế nào, Tập Cận Bình và các đồng chí cũng không thể xóa được vết nhơ lần đầu tiên GDP tăng trưởng âm kể từ năm 1976.

Cái gọi là khế ước xã hội giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người bị họ cai trị - chấp nhận hy sinh quyền tự do miễn sao được bảo đảm cuộc sống khá giả - đang lung lay.

Sự tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự đang lâm nguy. Và mỗi khi như thế, như một tập tính đã được ghi sâu vào trong ADN, họ cần phải tạo ra một kẻ thù.

Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc không có một kẻ thù xứng tầm nào ngoài Mỹ - một kẻ thù đủ cân nặng để chuyển dịch và đánh lạc hướng nỗi uất hận chực chờ phun trào của dân chúng.

Và cũng chỉ có sự an nguy của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đủ tương xứng để các nhà lãnh đạo của nó đánh liều mối quan hệ với Mỹ, vốn có thể một đi không trở lại.

Như thường thấy trong quan hệ ngoại giao và trong cuộc chiến thương mại, mỗi khi cấp dưới không giải quyết được khủng hoảng và trục trặc trong mối quan hệ, như giữa Pompeo và Dương Khiết Trì mới đây, nhiệm vụ khai thông bế tắc sẽ được đẩy lên cấp cao hơn.

Tuy nhiên, lần này có lẽ sẽ phải rất lâu nữa mới có cuộc điện đàm giữa Tập Cận Bình và Donald Trump. Bởi Trung Nam Hải đang muốn biến Mỹ trở thành kẻ thù thực sự.


© Duan Dang
    FB Duan DangA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad