Hợp tác Nhật - Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Hợp tác Nhật - Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương


Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do


Sau khi tỷ phú Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, ngoại giao Nhật-Mỹ năm 2017 diễn ra nhiều sự kiện với xu hướng đáng chú ý là củng cố hợp tác an ninh. Đặc biệt, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ mới công bố tại hội nghị APEC 2017 có sự tương đồng với tư tưởng của Nhật Bản từng đề ra trước đó. Bên cạnh đó, với chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện Nhật Bản 2017 của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, khả năng cao là ông Abe sẽ được bầu lại làm chủ tịch đảng Dân chủ Tự do LDP trong năm 2018 và giữ chức vụ thủ tướng đến năm 2021. Do vậy, chiến lược quốc gia Nhật-Mỹ sẽ có tính ổn định trong thời gian tới bởi Tổng tổng Donald Trump mới bước sang năm thứ hai của nhiệm kỳ và thời gian cầm quyền của Thủ tướng Abe có thể sẽ còn kéo dài.


Chiến lược xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ thực tế vẫn tiếp tục nhưng được mở rộng với cái tên mới Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương” nằm trong tứ giác bốn đỉnh, phía Tây là Ấn Độ, phía Đông là Mỹ, phía Nam là Australia và phía Bắc là Nhật Bản. Đối với Ấn Độ, cấu trúc Ấn Độ-Thái Bình Dương phản ánh hình ảnh của New Delhi là một cường quốc đang nổi lên. Với Mỹ, mô hình này phản ảnh vai trò ảnh hưởng và trách nhiệm của nước này đối với khu vực. Đối với Nhật Bản, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc chủ đạo ở Đông Á. Đối với Australia, mô hình này chứng tỏ quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, đảm bảo sự cân bằng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương[1].



Trong chiến lược của Mỹ, Nhật Bản là cứ điểm quan trọng để triển khai sức mạnh quân sự, nên liên minh Nhật-Mỹ giữ vai trò quan trọng trong tiến trình này. Những năm tới đây, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với quân đội Mỹ trong các hoạt động chung nhằm khẳng định thể chế hợp tác an ninh Nhật-Mỹ, thể hiện thực tế về quyền phòng thủ tập thể theo luật an ninh mới. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sức răn đe và khả năng đáp trả của liên minh Nhật-Mỹ.


Bên cạnh đó, Nhật Bản và Mỹ sẽ phối hợp thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương với ba mục đích cụ thể liên quan chặt chẽ với nhau là cạnh tranh với Trung Quốc, mong muốn các nước ASEAN nhận thức rõ chiến lược này, đồng thời kêu gọi hợp tác với Ấn Độ và Australia. Có thể nhìn nhận chiến lược này qua hình sau.


Về bản chất, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là nhằm cạnh tranh sức mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tại khu vực. Trong đó, hợp tác quân sự giữa liên minh Nhật-Mỹ và Ấn Độ, Australia được coi là yếu tố then chốt nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.



Ấn Độ và Australia đang tiến bộ nhanh trong việc xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh. Ấn Độ là cường quốc lục địa rộng lớn ở châu Á, có khả năng thể hiện sức mạnh trên Ấn Độ Dương khi cần thiết. Đáng chú ý là các nguồn lực từ châu Phi và Trung Đông sang châu Á phải đi qua Ấn Độ Dương trước khi tới vùng Biển Đông và Hoa Đông. Hơn nữa, Ấn Độ Dương là nơi sản xuất lượng dầu mỏ lớn ngoài khơi của thế giới. Trong khi Australia là cường quốc bậc trung, song lợi ích nước này mang lại cho Nhật Bản rất lớn bởi vị trí chiến lược chiếm trọn vẹn lục đại châu Đại Dương và nhiều đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương[2].


Năm 2017, cuộc tập trận Malabar giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã qui tụ một lực lượng quân sự hùng hậu chưa từng có. Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ, tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ và tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật Bản, cùng 18 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm và 95 máy bay các loại đã tham gia tập trận. Có những dự báo rằng trong thời gian tới, để hướng tới sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong đảm bảo an ninh của khuôn khổ khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do”, Nhật-Mỹ, Ấn Độ và Australia hình thành liên minh bộ tứ thì qui mô tập trận Malabar hàng năm của liên minh này sẽ được mở rộng hơn nhiều[3].



Tác động đến Việt Nam


Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, là đối tác chiến lược sâu rộng nên chịu nhiều tác động trong chiến lược của Nhật Bản. Nhật Bản nỗ lực hướng tới việc đảm bảo được sự hòa bình và phồn vinh của khu vực, trong đó Nhật Bản coi trọng việc thắt chặt mối quan hệ và đồng hành cùng các nước ASEAN. Thủ tướng Abe sau khi trở lại cầm quyền lần thứ hai, chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ ngày 16-18 tháng 1 năm 2013 là tới ba nước Việt Nam, Thái Lan và Indonexia. Chỉ trong năm 2013, Thủ tướng Abe đã đi thăm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á. Ông đưa ra 5 nguyên tắc còn gọi là học thuyết Abe, trong đó đáng chú ý là cùng với các thành viên ASEAN bảo đảm sao cho các vùng biển mở và tự do được quản trị bằng pháp luật và quy định chứ không phải bằng vũ lực[4].


Nhật Bản muốn thúc đẩy các hoạt động vì hòa bình và ổn định, bao gồm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước duyên hải ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, giải quyết vấn đề khủng bố, cướp biển. Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về an ninh quốc gia ông Kentaro Sonoura cho rằng Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào tán thành chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là quốc gia then chốt. Việt Nam tiếp giáp với Biển Đông, là cửa ngõ hành lang kinh tế đông tây và hành lang kinh tế phía nam, đồng thời hai nước là đối tác chiến lược. Trên đường biển trong khu vực, có thể nói Nhật Bản và Việt Nam là nước láng giềng trên biển, có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương[5].


Thực tế, trong những năm qua Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển nhằm đảm bảo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do. Tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng là một trong những nội dung được quan tâm trong các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong thời gian qua. Hai bên thúc đẩy hợp tác giữa các quân chủng của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp tục tăng cường hợp tác về an toàn hàng hải nhằm đáp ứng nhu cầu về nâng cao năng lực cho các cơ quan chấp pháp biển của Việt Nam.


Trong năm 2017, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và cảnh sát biển Việt Nam tiến hành cuộc diễn tập chung đầu tiên nhằm đối phó với nạn đánh bắt trái phép trên Biển Đông. Cuộc diễn tập được tổ chức ngoài khơi Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Tham gia cuộc diễn tập có tàu tuần tra Echigo của Nhật Bản và một tàu tuần tra mà Nhật Bản đã tặng cho phía Việt Nam hai năm trước đó. Quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản Adachi Motonari cho biết giới chức hải quân hai nước sẽ hợp tác để đối phó với tất cả nguy cơ nhằm bảo đảm các vùng biển mở, ổn định và tự do, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực[6].



Về phía Mỹ, chiến lược an ninh quốc gia của nước này công bố cuối năm 2017 xác định cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong đó, tại khu vực Đông Nam Á, Philippines và Thái Lan vẫn là đồng minh và thị trường quan trọng của người dân Mỹ. Việt Nam, Indonexia, Malaixia và Singapore đang phát triển thành các đối tác an ninh và kinh tế của Mỹ. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vẫn là những trung tâm của cấu trúc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và là nền tảng thúc đẩy một trật tự dựa trên tự do[7].


Có thể nhận thấy rằng các tuyến đường trên Biển Đông, nơi vận chuyển gần 90% nguồn năng lượng của Nhật Bản hiện nay, có vai trò vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa sống còn đối với đất nước mặt trời mọc. Việt Nam là đối tác chiến lược sâu rộng của Nhật Bản ở Châu Á nên sẽ chịu sức ép, lôi kéo về những lợi ích chiến lược của Nhật Bản, đặc biệt là cạnh tranh với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời Mỹ sẽ coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam trong tổng thể chiến lược châu Á, ủng hộ Việt Nam trong việc phát huy vai trò giải quyết các vấn đề khu vực. Bởi vậy, Việt Nam nên tiếp tục vận dụng linh hoạt ngoại giao đa phương, xử lý hiệu quả mối quan hệ với Trung Quốc.



© Phan Cao Nhật Anh,
    Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
    cjs.inas
Chú thích:


[1] Lý do Mỹ muốn Ấn Độ trở thành cường quốc. Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 28-12-2017, tr.16
[2] Giấc mơ của Nhật Bản về vòng vây bao quanh Trung Quốc. Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 25-12-2015, tr.8
[3] “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở”: Chiến lược nhằm cân bằng sức mạnh với Trung Quốc? Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 8-12-2017, tr.11-12
[4] Lê Hoàng Anh, Điểm lại chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á qua các đời thủ tướng. Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8 năm 2014, tr.22
[5] Ba trụ cột chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật
[6] Việt Nam – Nhật Bản lần đầu tập trận trên Biển Đông
[7] Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad