Nếu kịch bản này quả thật diễn ra, nó sẽ bắt đầu bằng việc Philippines tuyên bố lập các khu bảo tồn ở Trường Sa, triển khai tàu chiến, tàu công vụ. Từ đó kéo theo sự can dự của tàu chiến hoặc tàu tuần
Đã hơn một tháng kể từ ngày Philippines lên tiếng tố cáo sự hiện diện của tàu dân binh Trung Quốc tại Đá Ba Đầu ở cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa.
Cho đến lúc này, dù số lượng tàu Trung Quốc ở Ba Đầu đã giảm xuống, tản ra nhiều vị trí khác ở cụm Sinh Tồn và quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, phía Philippines vẫn giữ thái độ không khoan nhượng. Mới nhất, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 23.4 cho biết họ đã tiếp tục gửi công hàm phản đối đến Trung Quốc.
Những diễn biến hơn 1 tháng qua cho phép đưa ra một số đánh giá sơ bộ về ý đồ của phía Philippines trong sự kiện Ba Đầu lần này. Từ đó giúp dự báo những lựa chọn của Manila hiện nay.
1. Đánh giá
Về thời điểm
Số lượng lớn tàu dân quân Trung Quốc đã xuất hiện ở Ba Đầu từ tháng 2.2020. Trải qua hơn 1 năm, có lúc tàu tập trung nhiều, có lúc giảm xuống. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm nay, Philippines mới cấp tập lên tiếng và liên tục triển khai nhiều động thái ứng phó, bao gồm bay tuần tra, tổ chức các chuyến bay quan sát cho báo giới, triển khai nhiều tàu bè các loại ra khu vực Trường Sa nói chung và Biển Đông nói riêng (nhiều so với lực lượng hiện có của Philippines)…
Một cuộc “tổng tiến công” được Philippines phát động trên các mặt trận ngoại giao, dư luận và trên thực địa.
Những động thái phối hợp trên gợi ý về ý đồ giữ nhiệt,thu hút sự chú ý đối với vấn đề Ba Đầu. Nó cũng gợi ý rằng đây là một thời điểm được chọn lựa, dựa vào thời tiết chính trị chứ không hẳn là ứng phó trước một tình huống.
Những yếu tố tác động có thể là đối sách của chính quyền mới ở Mỹ, sự lựa chọn của Philippines đối với số phận Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ và bầu không khí chính trị ở Manila trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5.2022.
Về thái độ
Vài tuần qua, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines đã thể hiện một mặt trận đoàn kết, với sự phối hợp nhịp nhàng trong việc lên án Trung Quốc.
Tuy Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn giữ thái độ mềm mỏng, lúc này lúc khác, nhưng không hẳn vì “tư tưởng chủ bại” như nhiều nhà chỉ trích trong nước vẫn thường xuyên nhắm đến ông. Đó có thể chỉ vì ở cấp nguyên thủ, ông phải giữ dư địa trong quan hệ với Trung Quốc. Nhiệm vụ phản đối, lên án được ông ủy quyền cho Bộ Ngoại giao và Quốc phòng.
Khác với những tình huống ứng phó trước đây, thái độ của Philippines lần này có vẻ như được chuẩn bị kỹ lưỡng và nhất quán.
Về mục đích
Manila có thể có nhiều ý đồ trong việc liên tục làm nóng vấn đề Ba Đầu.
- Vạch trần mưu đồ của Trung Quốc.
- Tạo thuận lợi về mặt dư luận quốc tế đối về điều họ xem là quyền chủ quyền của họ đối với Đá Ba Đầu, theo cách diễn dịch của họ về phán quyết của Tòa Trọng tài (một cách diễn dịch không chính xác).
- Đòi hỏi chính quyền mới ở Mỹ đưa ra một cam kết rõ ràng, đặc biệt là về nghĩa vụ phòng thủ chung ở Biển Đông, trước khi đưa ra quyết định về số phận của Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). Điều này cho tới nay, phía Mỹ dường như đã đáp ứng kỳ vọng.
- Tận dụng thời cơ biện hộ cho việc tăng cường lực lượng ở quần đảo Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, tạo ra một cái cớ hoàn hảo cho các động thái tiếp theo. - Sử dụng tình hình Biển Đông phục vụ cho nhu cầu chính trị trước kỳ bầu cử tổng thống.
2. Những bước đi tiềm tàng kế tiếp
- Vận động Mỹ mở rộng phạm vi áp dụng của hiệp ước phòng thủ chung
Tuyên bố của Mỹ từ trước đến nay cho biết hiệp ước sẽ được áp dụng đối với lực lượng vũ trang, tàu bè, máy bay công vụ của Philippines ở Biển Đông. Điều này có nghĩa là việc những đối tượng khác như tàu dân sự, tàu cá… bị tấn công sẽ không kích hoạt hiệp ước.
Sau sự kiện một nhóm phóng viên của Đài ABS-CBN bị tàu tên lửa Type 22 của Trung Quốc rượt đuổi khi đến gần Bãi Cỏ Mây, Ngoại trưởng Teddy Locsin đã xác nhận hiệp ước không áp dụng với những dạng tàu này và tỏ ý rằng Mỹ nên mở rộng phạm vi.
- Xây dựng cấu trúc ở Trường Sa
Việc xây dựng cấu trúc mới ở quần đảo Trường Sa sẽ đi ngược lại tinh thần điều 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Tuy nhiên, Manila có vẻ như đang quảng báo cho một cái cớ trong thời điểm phù hợp này là Trung Quốc cũng vi phạm và Philippines không thể tiếp tục tự chế.
Thoạt tiên là lời kêu gọi đến từ cộng động nghiên cứu, thông qua bà Liz Derr, nhà sáng lập và tổng giám đốc của công ty Simularity, tại một sự kiện ngày 14.4.
Simularity được biết đến nhiều trong vài tháng qua nhờ các báo cáo về thay đổi trên thực địa ở Biển Đông, thông qua ứng dụng trí tuê nhân tạo vào phân tích ảnh vệ tinh.
Chưa đầy 10 ngày sau, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Cirilito Sobejana cũng lên tiếng nói rằng quân đội cân nhắc đề xuất xây cấu trúc mới ở Biển Đông.
- Lập khu bảo tồn biển ở Trường Sa
Cách đây 2 năm, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon hé lộ đề xuất xây dựng hai khu bảo tồn biển ở quần đảo Trường Sa, một ở Thị Tứ và một ở Bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, đề xuất này không được nhắc đến sau đó.
Việc Philippines lập khu bảo tồn biển ở Trường Sa sẽ đẩy căng thẳng leo thang, vì mở ra khả năng Philippines triển khai lực lượng vũ trang, tàu tuần duyên và tàu công vụ để bảo vệ các khu vực bảo tồn này, trục xuất tàu cá Trung Quốc hoặc tàu hải cảnh.
Tuy đề xuất này không được nhắc đến kể từ đó, nhưng trong tình hình hiện nay, không loại trừ khả năng Philippines sẽ nhen nhóm lại ý định này.
Với cam kết của Mỹ về phòng thủ chung, các tàu chiến, tàu tuần duyên và tàu công vụ sẽ được Mỹ yểm trợ để thực thi bảo vệ khu bảo tồn.
Không chỉ nhấn mạnh đến sự hiện diện của tàu dân binh Trung Quốc, Philippines vài tuần qua cũng đã đánh động về những hoạt động đánh bắt trái phép, tàn phá môi trường của tàu Trung Quốc. Tình hình hiện nay khá thuận lợi để Philippines có thể tiến hành động thái trên.
Đầu tiên là sự hiện diện của tàu Trung Quốc mang lại cho họ một cái cớ.
Thứ hai là cam kết của Mỹ sẽ cho phép Philippines tự tin hơn trong việc triển khai bảo vệ khu bảo tồn trên thực tế, thay vì chỉ tuyên bố trên danh nghĩa. Điều này sẽ có lợi cho họ trong việc củng cố yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền ở khu vực.
Cách đây ít ngày, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết Mỹ đang chờ đợi lời kêu gọi hỗ trợ từ Manila để trục xuất các tàu nước ngoài xâm nhập trái phép.
Mới nhất, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ John Law ngày 23.4 cũng nói rằng Mỹ chia sẻ quan ngại của Philippines về hoạt động đánh bắt trái phép ở Biển Đông.
Nếu kịch bản này quả thật diễn ra, nó sẽ bắt đầu bằng việc Philippines tuyên bố lập các khu bảo tồn ở Trường Sa, triển khai tàu chiến, tàu công vụ. Từ đó kéo theo sự can dự của tàu chiến hoặc tàu tuần duyên Mỹ. Và tình hình căng thẳng ở khu vực Trường Sa sẽ leo thang nghiêm trọng.
Những kịch bản nêu trên có thể sẽ được thực thi trong thực tế hoặc chỉ được sử dụng như những lời đe dọa trong một cuộc mặc cả với các nước liên quan.
Trong ba động thái tiềm tàng nêu trên, hai kịch bản sau, gồm xây dựng cấu trúc và lập khu bảo tồn, đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì thế, cần theo dõi sát sao những động thái kế tiếp của Philippines!
© Trung Hiếu tổng hợp
24/4/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét