Trần Đức Việt, nhà báo tự do
Tôi nhận được thư một số bạn đề nghị trao đổi tiếp xung quanh đề tài chủ nghĩa Mác-Lênin đang dạy trong nhà trường. Do thịnh tình của các bạn, tôi có nghĩa vụ trả lời, nhưng cũng cần nói rõ với các bạn đôi điều. Đầu tiên phải nói để các bạn biết, tôi không phải là người nghiên cứu về triết học, kiến thức còn rất hạn chế. Thứ hai, tất cả những điều tôi nói đều chưa hẳn đã đúng. Nhiều lắm thì các bạn cũng chỉ nên xem là ý kiến tham khảo, nghe cho biết. Có một điều tôi khẳng định: Đây là ý kiến của riêng tôi, nếu có sai thì không ai phải chịu trách nhiệm. Xin trả lời theo câu hỏi các bạn đặt:
1. Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự phát triển của chủ nghĩa Mác?
Có bạn hỏi: Chủ nghĩa Mác-Lênin có phải là chủ nghĩa Mác hay không? Nếu không thì phân biệt như thế nào giữa hai chủ nghĩa này?
Xin trả lời: Ngày nay có những người cho rằng chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mác-Lênin là hai lý luận khác nhau, theo tôi, nhận thức như vậy là sai lầm cơ bản. Những người phân biệt thành hai học thuyết khác nhau dựa vào việc hiện nay có một vài nước Bắc Âu vẫn thừa nhận Mác, nhưng không thừa nhận Mác-Lênin. Những người đó quên mất rằng một số nước công nhận Mác về mặt triết học, nhưng không công nhận Mác trong lĩnh vực kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Một số đảng ở Bắc Âu đề cao Mác, nhưng đó là đề cao về tư tưởng, về chính sách xã hội, tuyệt đối không có đảng nào, quốc gia nào sử dụng lý luận cơ bản của Mác về kinh tế chính trị là "xóa bỏ chể độ tư hữu". Đây là điểm cốt tử phân biệt giữa Mác và không phải Mác (nếu bỏ lý luận "xóa bỏ tư hữu" và "chuyên chính vô sản" thì chủ nghĩa Mác không khác gì lý luận dân chủ xã hội ở các nước Tây Âu). Chúng ta dùng điểm này để xét chủ nghĩa Mác-Lênin. Rõ ràng là chủ nghĩa Mác-Lênin kế thừa toàn bộ triết học Mác, kinh tế chính trị Mác và cả chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác. Lênin khác với Mác ở chỗ, Lênin là người vận dụng lý luận Mác vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, Mác thì mới chỉ xây dựng lý luận mà chưa hề có thực tế để chứng minh. Nếu không có Lênin thì Mác thuần túy chỉ là nhà nghiên cứu kinh viện, chưa thể coi là học thuyết "khoa học của giai cấp vô sản giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản".
Vậy Lênin phát triển Mác như thế nào? Để thực hiện lý luận "xóa bỏ chế độ tư hữu", Lênin đề ra một loạt chính sách: hợp tác hóa nông thôn, nhà nước nắm các ngành công nghiệp... Nhưng sự phát triển đáng nói nhất là lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học. Mục tiêu mọi cuộc cách mạng là giành chính quyền. Mác cho rằng sau khi giành chính quyền thì phải thực hiện chuyên chính vô sản và chính quyền chuyên chính vô sản tốt nhất là chế độ cộng hòa đại nghị (xem ra Mác dân chủ ghê!). Lênin đã tin theo Mác, năm 1917, cách mạng tháng Mười thành công, ông tổ chức bầu cử dân chủ theo cơ chế cộng hòa đại nghị. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử này những người bônsevich thất bại thê thảm, chỉ chiếm 24% trong chính quyền mới. Thực tiễn đặt ra bài toán khó đối với Lênin: Nếu theo đúng từng chữ chủ nghĩa Mác thì cuộc cách mạng tháng Mười thất bại về cơ bản, nếu muồn bảo toàn thành quả của cách mạng tháng Mười thì buộc phải "vận dụng sáng tạo và phát triển" Mác. Lênin đã chọn con đường thứ hai, cải biên Mác. Ông tuyên bố: Chính quyền chuyên chính vô sản tốt nhất là chính quyền xô-viết công nông binh. Ngày 18/1/1918, cuộc bầu cử lại đã đưa những người bônsevich lên nắm chính quyền. Từ đấy, về mặt lý luận, các đảng cộng sản trên toàn thế giới đều tổ chức theo kiểu chính quyền xô-viết, hoàn toàn khác với chế độ cộng hòa đại nghị. Cũng trên nhãn quan "xóa bỏ tư hữu" và "chuyên chính vô sản", chúng ta có thể khẳng định: Toàn bộ lý luận của Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông... đều thuộc về chủ nghĩa Mác, việc phân biệt Mác với Mác-Lênin, Stalin, Mao... là chuyện đảo lộn từ ngữ, không có giá trị học thuật.
Có bạn sẽ hỏi: Hiện nay người ta tôn vinh Mác ở điểm gì? Như trên đã nói, triết học Mác kế thừa từ Hêghen và Phơbach nên rất nhiều phán đoán còn nguyên giá trị. Những ý kiến của Mác về một xã hội công dân vẫn được đề cao, vì các ý kiến này là ước mơ của loài người đã lâu. Chỉ có điều, nếu áp dụng chuyên chính vô sản thì các ý kiến trên trước sau cũng bị xóa khỏi hiện thực. Chúng ta hiểu được, vì sao ý kiến của Mác rút cục lại có đất sống ở các nước tư bản "dân chủ" cao như Bắc Âu mà không phải là ở bất cứ quốc gia XHCN nào.
2. Vì sao không nên bàn tới lý luận giá trị thặng dư trong bộ Tư bản?
Xin trả lời: Lý luận giá trị thặng dư của Mác dẫn đến một kết luận sai là phải xóa bỏ chế độ tư hữu. Kết luận cuối cùng đã sai rồi thì toàn bộ lý luận phía trước không có giá trị gì hết. Bàn đi bàn lại về giá trị thặng dư, về bóc lột người làm công... chỉ là chuyện đảo lộn từ ngữ, chẻ sợi tóc làm tư, không có ý nghĩa thực tiễn. Nếu các bạn tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận này thì chắc chắn sẽ trở thành các "nhà ngôn ngữ học", còn trình độ kinh tế chính trị thì không tiến thêm một tấc nào. Tôi nhắc lại câu chuyện Lênin phê phán những người bác bỏ luận điểm "chính quyền chuyên chính vô sản tốt nhất là chính quyền xô-viết công nông binh" thời cách mạng tháng Mười. Đã có những nhà cách mạng cho rằng Lênin phản bội Mác. Lênin bảo đấy là ý kiến của các nhà nghiên cứu phòng trà, các chính khách sa-lông. Nếu không thay đổi ý kiến của Mác bằng kết luận mới thì chủ nghĩa Mác đã chết trong thực tiễn, còn đâu ra mà nói chủ nghĩa Mác với không Mác. Đấy là lý do tôi khuyên các bạn nên tránh xa các cuộc tranh luận kiểu này. Nhưng cũng không nên xóa bỏ hoàn toàn lý luận giá trị thặng dư. Ít ra lý luận này gợi ý cho ta phương pháp luận để khảo sát nhiều vấn đề khác. Khi Mác qua đời, nhiều người đề cập đến môn lô-gich của Mác. Ông Ăng-ghen nói: Tuy Mác không để lại một quyển sách nào về lô-gich học, nhưng Mác để lại cho chúng ta lô-gich của bộ Tư bản. Như vậy, theo Ăng-ghen, tinh hoa phương pháp nghiên cứu của Mác nằm ở bộ Tư bản. Các bạn nhớ lại quá trình phát triển của môn giả kim thuật ở châu Âu. Kết luận cuối cùng của môn này về "hòn đá triết lý" là hoàn toàn sai, nhưng phượng pháp nghiên cứu của nó thì lại sinh ra môn hóa học, một khoa học chính xác. Vậy thì tạm kết luận: Phượng pháp nghiên cứu của Mác thì nên tham khảo.
3. Có thể học gì ở Lênin?
Điều đầu tiên nhắc các bạn là phải học và nhớ những điều cơ bản về triết học Mác-Lênin, đủ để thi chính trị quốc gia khi tốt nghiệp. Nếu bạn có hứng thú nghiên cứu xã hội thì nên tìm đọc một số tác phẩm cũng rất cơ bản của Lênin viết về chủ nghĩa xã hội khoa học. Tôi giới thiệu một tác phẩm lý thú, tương đối dễ đọc là Nhà nước và cách mạng. Đối chiếu lý luận trong tác phẩm này với thực tiễn nước Nga thời Lênin bạn sẽ rút ra khối điều hay. Ví dụ, trong tác phẩm này Lênin đưa ra luận điểm nổi tiếng: Nhà nước vô sản dân chủ một triệu lần hơn nhà nước tư sản dân chủ nhất. Kết luận này rút từ kinh nghiệm của Công xã Pa-ri. Lênin cho rằng điều cơ bản để có kết luận này là ở: 1. Người đứng đầu chính phủ có lương ngang một công nhân thường; 2. Người lãnh đạo công xã có thể bị bãi miễn bất kỳ lúc nào nếu không làm được việc. Thực tế thời Công xã Pa-ri những người đứng đầu công xã đã hạ lương của mình xuống ngang bằng công nhân thường và việc bãi miễn cũng đuợc thực hiện khá nhạnh. Nhưng sau khi cách mạng tháng Mười thành công thì 2 điều cơ bản để nói "nhà nước vô sản triệu lần dân chủ hơn nhà nước tư sản" đã không được thực hiện. Và trong cả hệ thống các nước XHCN không thấy nước nào đem lý luận này ra áp dụng. Nếu chỉ thuần túy nghiên cứu lý thuyết chúng ta có thể nói: Lênin và tất cả những người cộng sản đã phản bội lại chủ nghĩa Lênin, ít ra ở điểm "cơ bản" này. Ví dụ kể trên cũng cho ta thấy việc tranh luận câu chữ nhảm nhí đến mức độ nào. Chúng ta nhớ lại lời căn dặn của Lênin: Linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là biết phân tích cụ thể một tình hình cụ thể. Tôi nghĩ, các bạn vẫn nên học tập tinh thần đó của Lênin.
Câu chuyện về chù nghĩa Mác-Lênin chắc còn có nhiều bạn muốn trao đổi, nhưng phần tôi trình độ có hạn, và theo tôi thì cũng không nên sa đà quá nhiều vào đề tài này, vì vậy xin tạm dừng ở đây. Trong thư một số bạn hỏi về việc những người cộng sản Việt Nam đã áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn đất nước như thế nào, nhưng đó lại là câu chuyện khác.
Trần Đức Việt
Theo Dân Luận
Post Top Ad
Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012
Từ khóa tìm kiếm:
# Chính Trị - Xã Hội
Share This
About
Tiến Bộ
Chính Trị - Xã Hội
Labels:
Chính Trị - Xã Hội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét