Vài suy nghĩ về “Thỏa hiệp Chính trị” của Huỳnh Thục Vy - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Vài suy nghĩ về “Thỏa hiệp Chính trị” của Huỳnh Thục Vy


Mộc Lan DCVOnline

Tôi đọc bài “Lại Nói Về Sự Thỏa Hiệp Chính Trị” của Huỳnh Thục Vy khá trễ, sau khi nó đã làm xôn xao cộng đồng mạng. Do có nhiều phản hồi trái ngược nhau nên Huỳnh Thục Vy viết thêm “Lại Nói Về Sự Thỏa Hiệp Chính Trị (tiếp theo)”.

Tôi sẽ không nhắc tới hai bài của Vy và những bài viết phản hồi dù tất cả đều rất đáng đọc. Tôi lúc nào cũng thán phục cô nàng Vy trẻ tuổi, thông minh (xinh đẹp nữa chứ). Vy chọn theo ngành Luật là đúng quá vì khả năng lý luận của cô thật vững chãi, sắc bén. Bài viết về sự thỏa hiệp trong chính trị tuy ngắn gọn nhưng súc tích, chứng tỏ tác giả đã trăn trở với đề tài rất nhiều, rất lâu; khả năng diễn đạt của Vy cũng tới lắm, chọn được đúng chữ như thế thật không dễ.

Tôi còn nể Vy vì đã can đảm đụng tới một đề tài hết sức nhạy cảm, vì khi nói tới “thỏa hiệp (với cộng sản)” thì cũng gần như nói tới “hòa hợp hòa giải (với cộng sản)” – điều mà nhiều người cho là không thể và không bao giờ. Thế nhưng, như câu ngạn ngữ phương Tây “never say never” thì việc chuẩn bị cho một tình thế có thể xảy ra vẫn là điều cần thiết cho dù nó rất mong manh hay chẳng bao giờ xảy ra trong suốt cuộc đời ta.

Vì thế, tôi rất chia xẻ và đồng ý với Huỳnh Thục Vy trên ý muốn đưa ra một đề tài hóc búa để mọi người cùng suy nghĩ và bàn luận ngõ hầu có sự cảnh giác và chuẩn bị cần thiết để từ đó nhìn rõ hơn con đường mình đi.

Bài viết còn làm tôi nhớ tới lần tôi cũng đụng phải vấn đề gai góc tương tự, để rồi tôi đã bị một bác mắng: “Cô là đồ … cộng sản!”

Câu chuyện khá dài dòng nhưng tóm tắt chỉ là một cuộc trò chuyện giữa tôi và một bác lớn tuổi. Bác ấy là một người từng giừ chức vụ cao trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa và từng đi tù cải tạo nhiều năm sau 1975. Tôi đọc những bài bình luận chính trị của bác, rất thích vì lối hành văn đơn giản và lý luận chặt chẽ, dễ hiểu cho những người trẻ không biết nhiều về chính trị như tôi.

Câu chuyện đưa đẩy, thấy bác cởi mở và vui vẻ, tôi hỏi bác nghĩ sao về việc “Sẽ có một lúc người đấu tranh dân chủ phải đối thoại với nhà cầm quyền cộng sản.” Ôi, thế là bão táp nổi lên!

Ban đầu bác ấy cho rằng tôi bị cộng sản “đầu độc”. Với bác, cộng sản chỉ có thể đập bỏ chứ không thể thay đổi, đừng bao giờ nói chuyện “hợp tác để chuyển hóa” cộng sản. Bác càng nói, giọng bác càng hăng. Và càng nói, bác càng tin rằng tôi là cộng sản.

Một câu chuyện buồn và cực kỳ vô duyên.

Thành thực, lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là “chống Cộng đến chiều”. Nhưng cùng lúc tôi phải đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để chứng minh tôi không là Cộng (hay thân Cộng)?”

Có thể đem lý lịch “chống Cộng 3 đời” ra không? Có gì bảo đảm tới đời tôi sẽ không theo Cộng. Nhìn từ phía ngược lại, biết bao người có lý lịch “ theo Cộng 3 đời”: ông theo Việt Minh đánh Tây, cha theo Việt Cộng đánh Mỹ, con là đảng viên; nhưng rồi khi thấy bộ mặt tàn bạo của chế độ thì thế hệ cuối cùng lại quay ra đấu tranh chống Cộng. Vì thế, căn cước, lý lịch, không đủ sức thuyết phục ai hết.

Thành thực, nhiều khi tôi cảm thấy nặng nề với những chuyện phe này phe kia, ông này ông nọ, nhóm này nhóm khác. Có lúc nghe tin một người dấn thân đấu tranh rất hăng say, nhưng ít lâu sau lại có tin chính người đó “tưởng vậy mà không phải vậy”, hay nhẹ hơn thì “giữa chừng bỏ cuộc chơi”. Mới nghe nhóm này có vẻ “được” lắm, đụng chuyện, coi bộ lại không “được”, v.v. và v.v. Tin tức giống như đám rừng dày đặc, chằng chịt; còn tôi như giữa rừng mò mẫm nhưng vẫn mắc kẹt, không thấy đâu là lối ra.

Những lúc hoang mang, tôi thấy mình quay về những đề tài y học; ở đó không có ý thức hệ, ở đó không có giai cấp, ở đó chỉ có chung nỗi lo buồn, sự đau đớn, và niềm hy vọng.

Càng tìm hiểu về bệnh tật tôi ngày càng tin vào một điều: phản ứng của một người khá giống sự phát tác của một căn bệnh; cả hai đều có chung 3 yếu tố: nguyên nhân ban đầu, điều kiện kéo dài, và kết quả cuối cùng.

Như căn bệnh đau chân của tôi, nguyên nhân ban đầu là do bắp thịt vốn yếu, điều kiện kéo dài là ngồi nhiều, dẫn đến kết quả cuối cùng là chân đau. Còn đối với bác kia thì phản ứng của bác có nguyên nhân ban đầu là kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản, điều kiện kéo dài là thấy cộng sản không thay đổi, chỉ ngày càng thêm ác độc quỷ quyệt, để rồi kết quả cuối cùng là không thấy còn cách gì khác hơn là đập tan nó đi chứ nhất định không đối thoại, không thỏa hiệp.

Thỏa hiệp? Nguồn ảnh: © 2002 Stu
Sau khi so sánh như vậy tôi không còn buồn về sự nóng nảy đến mức bất công của bác ấy nữa. Sự cực đoan là một chứng bệnh, không phải ung thư là do các tế bào sinh sôi một cách quá đáng, một cách “cực đoan” hay sao? Chủ nghĩa Cộng sản là một chủ nghĩa vô cùng cực đoan nên cũng là một chứng bệnh, một bệnh dịch kinh tởm mà tôi không thể để mình bị lây nhiễm. Chuyện này tôi phải lo lấy cho chính mình.

Sự đụng độ cũng không làm tôi chấm dứt nghĩ tới những đề tài thỏa hiệp, đối thoại, hay, hòa hợp hòa giải. Có điều tôi sẽ không viết như Vy.

Tôi sẽ không viết như một bài quan điểm mà sẽ như bài tổng hợp. Trong đó sẽ là các dữ liệu có thực, các quan điểm từng có, các trường hợp đã xảy ra, v.v. tựa tựa như các bài về y học tôi đã tổng hợp. Những bài ấy cho tôi thêm kiến thức để tránh bệnh. Mà nghĩ cho cùng, tránh mắc bẫy như Vy có khác gì tránh mắc bệnh như tôi?

Tuy nói thế chứ tôi vẫn thích lối viết của Huỳnh Thục Vy, vẫn nhớ tới bài Vy nã ông “thần Toán” tới bến, và vẫn mong Vy cứ mãi là Huỳnh Thục Vy. Cụ Phan Khôi nói rất đúng, nếu bông cúc nào cũng nở ra y chang nhau thì thế giới này sẽ chỉ rặt một loài vạn thọ hay sao.

Theo DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad