Nói chuyện bằng nắm đấm: Đừng nhầm 'thủ phạm' - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Nói chuyện bằng nắm đấm: Đừng nhầm 'thủ phạm'


Muốn có một nụ cười, thay cho nắm đấm có lẽ, những bức xúc xã hội ngay từ khi nó chưa thành hình phải được giải tỏa, bằng một lẽ công bằng về lợi ích. Chứ không phải ngó sang trời Tây để "đổ tại" cơ chế thị trường.

Một người đàn ông mù đứng trên bờ dòng sông lười tại một công viên nước. Và... vạch quần, tiểu vào những người đang thư thả nằm phao trôi ra từ đường hầm.

Đây là một trong những trò kinh điển của loạt chương trình hài Just For Laughs Gags nổi tiếng trên toàn thế giới. Những "nạn nhân Canada" đã khó chịu không che giấu. Và họ phản ứng bằng cách la hét (để cảnh báo), ngã lộn xuống nước (vì tránh), hay nhảy lên bờ để "nói chuyện phải quấy", tất nhiên, cũng chỉ nói bằng... mồm.

Nhắc lại, Just For Laughs Gags là chương trình hài được làm theo kiểu giấu camera, làm trò ngớ ngẩn để đối tượng không nghi ngờ và chộp những phản ứng hoàn toàn tự nhiên của họ.

Nhưng, cứ giả sử như trò chơi tè nhầm này diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây chẳng hạn, không hiểu, những phản ứng của người dân chúng ta sẽ thế nào?

Một sự thông cảm? Chút xíu càu nhàu? Hay "nói chuyện phải quấy" bằng nắm đấm?


Rất khó để lấy những hình ảnh nữ sinh đánh ghen lột quần lột áo, thanh niên tóc xanh tóc đỏ luôn xử nhau bằng mã tấu, côn đồ ngập bệnh viện, hay những vụ nổ súng đang khiến cả xã hội bất an, để đánh giá nền tảng ứng xử cơ bản của một xã hội. Nhưng tình trạng bạo lực đến mức bất an như hiện nay, rõ ràng, đang đặt ra một câu hỏi lớn về sự... hài hước.

Năm ngoái, kết quả một cuộc thăm dò mang tên "Tiếng nói của người dân", do Viện thăm dò BVA của Pháp thực hiện tại 53 quốc gia đã đưa ra khẳng định "Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia lạc quan nhất".

Nói chính xác hơn, người dân Việt Nam lạc quan nhất thế giới, rất lạ là từ niềm tin vào triển vọng kinh tế. Nhưng lạc quan nhất thế giới không có nghĩa là họ biết đùa, càng không phải biết cách giải quyết vấn đề bằng một cách thức lạc quan.

Hãy cùng nhìn lại một số sự kiện gần đây...

Đơn cử, mới ngày hôm qua, có hai ý kiến đã nhắc tới những vụ nổ súng ở Thái Bình và ở Đồng Nai.

Một ý kiến là khi thảo luận về chuyện Luật đất đai, trong khuôn khổ hội nghị của Quốc hội. Phó nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại "Những vụ việc đau lòng như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình", để nói về định chế, và thực tế thu hồi đất với những "Mâu thuẫn, xung đột lợi ích gay gắt".

Mâu thuẫn gì? Mâu thuẫn như thế nào khiến những người hiền như cục đất phải khỏa thân, rào làng, lập miếu để giữ đất, và xả súng để giải quyết? Đó là "cán cân lợi ích", mà theo bà Nga, đang "nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư, người được lợi ít hơn là nhà nước còn người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân".

Trong một sự kiện khác, một Phó giáo sư, tiến sĩ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển- Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh lý giải "cái tâm của con người bị xáo trộn, như một sợi dây đàn căng lên đầy sự bức xúc xã hội", bằng nguyên do: tại cơ chế thị trường.

Ông vừa phàn nàn về mặt trái của những vấn đề pháp luật: "Pháp luật xử có nghiêm, có đúng không hay còn để tồn tại những nỗi oan ức khiến người ta không xử với nhau bằng pháp luật được mà phải dùng tới luật rừng?" nhưng cũng đồng thời chỉ thẳng nguyên nhân "do mặt trái của cơ chế thị trường, và sự ảnh hưởng từ lối sống bạo lực bên ngoài. Chẳng hạn như lối sống của nước Mỹ, dùng súng có thể để tự vệ nhưng cũng có thể để thể hiện bản năng "cuồng sát" của một số người".

Đằng sau những vụ bạo lực đã xảy ra, có sự cùng quẫn giống như một sự oan ức. Có cái tâm con người bị xáo trộn.

Có một sợi dây đàn đang căng như những bức xúc xã hội.

Nhưng không phải vì thế mà người ta giải quyết vấn đề bằng súng ống, dao kiếm, hay tự hủy như vụ tự thiêu ngay trước trụ sở Công an phường, chỉ vì một món nợ nhỏ, và bị xã hội đen thúc ép.

Và cũng đừng giải thích nguyên nhân bằng thủ phạm vô hình "cơ chế thị trường" hay "lối sống bạo lực từ bên ngoài".

Cách nhìn nhận vấn đề cho biết hậu quả hay kết quả.

Muốn có một nụ cười, thay cho nắm đấm có lẽ, những bức xúc xã hội ngay từ khi nó chưa thành hình phải được giải tỏa, bằng một lẽ công bằng về lợi ích. Chứ không phải ngó sang trời Tây để "đổ tại" cơ chế thị trường.

Đào Tuấn
Theo Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad