Vẫn chuyện cấm dạy chữ và cuộc đua vào trường tốt - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Vẫn chuyện cấm dạy chữ và cuộc đua vào trường tốt



Không gì ngăn được “rat race”

Đứng về phía quản lý hành chính, việc chia theo tuyến (Việt Nam) hay zone (Mỹ) như đã trình bày trong một bài trước là nhằm giảm áp lực của các trường tốt nhất và tạo điều kiện cho các trường bình thường có thể tuyển sinh.

Ở Mỹ, vì học trường tư phải đóng học phí cao (thường là trên 20 nghìn Đô la mỗi năm) trong khi học trường công lập hoàn toàn miễn phí, các trường công lập tốt nhất thường rất khó xin vào, thậm chí khó hơn cả trường dân lập tốt. Vì lý do này, phụ huynh buộc phải “đối phó” bằng cách mua hoặc thuê nhà ở trong zone của các trường công lập tốt nhất nếu có điều kiện. Giá nhà trong vùng của các trường tốt nhất vì thế luôn cao hơn hẳn các vùng khác và luôn ổn đình chứ không dễ gặp tình trạng “xì”/“vỡ” bong bóng bất động sản.

Cách làm ở Mỹ dẫn tới việc những gia đình khá giả có thể mua được nhà trong các khu vực có trường tốt. Bố mẹ nghèo ít khi có điều kiện mua hoặc thuê nhà trong khu vực có trường tốt, vì vậy con cái bắt buộc phải vào học các trường bình thường. Các trường tư tốt nhất thì vừa tốn kém do học phí cao, vừa khó xin vào do điều kiện tuyển sinh ngặt nghèo. Theo Tạp chí New York, nếu như trung bình hồi năm 2000 mỗi gia đình phải nộp hồ sơ tới khoảng 5 hoặc 6 trường cho một học sinh xin vào lớp mầm non thì ngày nay họ phải nộp tới 10 trường mới hi vọng con mình được nhận vào một trường ưng ý.

Còn ở Việt Nam, cơ chế phân tuyến chưa dẫn đến tình trạng giá nhà gắn liền với uy tín của trường học trong vùng như ở Mỹ. Trái lại, ở Việt Nam phụ huynh thường phải tốn phí để “chạy” cho con mình vào trường công tốt. Thường việc này diễn ra dưới hai hình thức “chạy tuyến” (nhập hộ khẩu về nơi có trường tốt mặc dù không ở đó) hoặc chạy cho con học trái tuyến.

Gần đây báo Thanh Niên đăng lại kết quả một khảo sát của trường ĐH Mở TP.HCM thực hiện trong tháng 3-2012 cho thấy trong số 150 phụ huynh được hỏi ý kiến, có tới 45,3% có con học trái tuyến. Cũng trong số này, có tới 54,4% phụ huynh thừa nhận đã “chạy” trường cho con và 64,9% cho rằng việc chạy trường là bình thường.

Theo kinh nghiệm của nhiều phụ huynh đã tham gia chạy trường, việc “chạy” trường cho con cũng gần giống như việc tham gia đấu thầu. Mỗi giáo viên hoặc cán bộ trong trường thường có một vài suất “ưu tiên”. Tại một vài trường tốt nhất, các suất này có nhiều phụ huynh muốn “mua” và vì thế giá mua rất cao, có thể lên đến 4 hoặc 5 nghìn USD cho một suất. Vì không có cơ chế nào rõ ràng để việc mua - bán diễn ra minh bạch, trong nhiều trường hợp phụ huynh chi tiền “chạy”, sau đó chờ phản hồi. Trong trường hợp có người “chạy” với giá cao hơn, phụ huynh này sẽ được trả lại tiền và phải đi xin cho con học ở chỗ khác.

Đương nhiên đây là một cơ chế rất kém hiệu quả cho cả nhà trường lẫn phụ huynh. Tuy nhiên, vì các cán bộ hay giáo viên này không thể công khai “bán suất” nên việc chạy và chờ đợi may mắn theo kiểu này vẫn là việc mà các phụ huynh phải làm.

Nhà nước và phụ huynh nên làm gì?

Đứng về phía nhà nước, nhà nước không thể, và không nên, gánh vác nhiệm vụ đảm bảo công bằng cho học sinh khi xin vào các trường công lập tốt nhất. Việc của nhà nước là đầu tư và nâng cao chất lượng của cả hệ thống trường công, trong đó đặc biệt là các trường công có chất lượng chưa thực sự tốt. Nhà nước cũng không nên áp đặt các trường tư về quy cách xét tuyển đầu vào của họ, bao gồm cả việc thi tuyển đầu vào.

Đối với trường tư thục vì lợi nhuận, uy tín của trường, sự thành công của học sinh khi tốt nghiệp ra trường chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của họ, vì thế việc xét tuyển đầu vào chính là quyền lợi chính đáng mà họ phải có. Việc cấm xét tuyển đầu vào đối với trường tư xem ra là việc làm vô lý và cần phải bãi bỏ.

Đứng về phía phụ huynh, cho con học ở các trường tốt nhất là một nguyện vọng đáng trân trọng. Tuy nhiên, nói như Andrew Marks, phóng viên Tạp chí New York, thì “sự hoảng loạn và phấn khích của việc xin học mầm non cho con cũng tựa như việc một nửa thành phố New York cố chen chân vào một nhà hàng sang trọng bậc nhất thành phố vào tối thứ Bảy.

Đương nhiên là bạn muốn đến đó, và muốn khoe với bạn bè rằng mình được ngồi ngay cạnh Michael Douglas hay Catherine Zeta-Jones, nhưng liệu bạn sẽ có một bữa ăn tồi hay không nếu bạn không đến đó?”

Trần Vinh Dự
Theo blog Trần Vinh Dự



Trần Vinh Dự

Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad