Hãy lôi những người gây oan sai ra toà - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Hãy lôi những người gây oan sai ra toà


“Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”. Ông Nguyễn Thanh Chấn đã ở trong lao tù không phải một ngày mà trên 3.600 ngày. Nếu như phiên toà tái thẩm kết luận ông Chấn bị oan sai (khả năng này là rất cao) thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Tất nhiên là phải tiến hành bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388.

Ông Nguyễn Thanh Chấn được người nhà đón ra khỏi cánh cửa nhà tù.

Đăng báo thông báo kết luận về vụ án và xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn. Tất nhiên phải làm, nhưng nó có ý nghĩa gì với nỗi khổ hận của một người lương thiện trong song sắt nhà tù và bản án chung thân đè nặng trong tâm trí.

Tổ chức xin lỗi tại địa phương nơi cư trú của ông Nguyễn Thanh Chấn. Tất nhiên phải làm, nhưng nó không thể chữa lành những tổn thương mà vợ con, dòng họ của ông Chấn gánh chịu trong 10 năm qua.

Bồi thường tiền cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng không biết bao nhiêu tiền có thể đền bù được một thân phận công dân bị tù đày 10 năm trời, bốn đứa con thất học, một người vợ tâm thần, một dòng họ cay đắng suốt ngần ấy thời gian.

Dù không thể bù đắp cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Vậy thì, tiền bồi thường ở đâu mà ra. Có ai trong những người gây ra oan sai bỏ tiền túi hay là lấy tiền ngân sách. Tiền ngân sách là tiền thuế của dân. Lấy thuế của dân bồi thường oan sai cho dân. Thật là oan trái.

Oan sai công dân chịu, bồi thường oan sai có tiền thuế của dân, vậy thì những người gây ra oan sai chịu trách nhiệm gì? Như trong vụ án này, ông Trần Văn Duyên, thẩm phán phiên xét xử ông Chấn năm 2004 nay đã về hưu thì làm gì được ông.

Cứ theo quy định của Nghị Quyết 388 thì ông phủi tay vì đã có cấp phúc thẩm gánh trách nhiệm. Còn ông Nguyễn Minh Năng, chủ tọa phiên toà lại nói với báo chí lạnh băng như không có chuyện gì xảy ra: “Tôi quên phiên xét xử đó rồi”. Thế là xong.

Cả hai ông không hề tỏ ra ân hận vì trách nhiệm của mình với bản án 10 năm tù oan sai cho một công dân. Năng lực kém quá rõ, nay bộc lộ thêm đạo đức, lương tâm của họ. Thật quá đáng sợ khi nghĩ đến phải giao phó số phận công dân cho những thẩm phán như thế này.

Không phải chỉ công dân Nguyễn Thanh Chấn mà nhiều trường hợp oan sai thấu trời khác đã từng xảy ra và chắc chắn sẽ còn xảy ra. Nguyên nhân thì quá rõ, do con người, trình độ và phẩm chất thấp kém. Vậy thì, để hạn chế án oan sai, phải chấn chỉnh việc đào tạo, sử dụng con người trong các cơ quan tiến hành tố tụng tư pháp.

Nhưng con người chưa đủ, cần phải có chế tài phù hợp để người chấp pháp biết sợ pháp luật. Đã đến lúc phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây ra oan sai, cụ thể là kết tội người vô tội. Những người ra kết luận điều tra, cáo trạng, bản án trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phải bị đưa ra toà, xét xử và chịu hình phạt.

Từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự do gây ra oan sai. Với vụ án Nguyễn Thanh Chấn, hãy lôi cho được những người có trách nhiệm ra toà; hãy bắt đầu một chương mới cho ngành tư pháp của đất nước.

Lê Thanh Phong
Theo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad