Trong những ngày đổ xô các lực lượng đi tìm xác chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân của thẩm Mỹ viện Cát tường, người bị tử vong sau khi giải phẫu hút mỡ, nâng ngực và bị bác sĩ Nguyễn Cát Tường ném xác xuống sông Hồng để phi tang, theo như lời khai.
Các nhà ngoại cảm (dỏm) cũng sốt sắng vào cuộc nhưng toàn đưa ra những thông tin sai lệch, bịp bợm, chỉ tốn thêm tiền cho gia đình nạn nhân.
Công an đã dùng các biện pháp lặn, rà đáy sông bằng lưỡi câu chùm, nhưng vẫn biệt âm vô tín.
Nhưng điều đang nói là lực lượng tìm xác đã phát hiện thêm tới 6 xác người nữa cũng trôi trên sông Hồng, theo báo chí trong nước.
Ôi, dòng sông tử thần! Họ là ai? Dường như chưa xác định được hết danh tính. Nhưng chắc chắn một điều, họ là những người bất hạnh, có thể chẳng kém gì thân phận của người đàn bà xấu số Lê Thị Thanh Huyền.
Thế nhưng, dư luận xã hội, báo chí chính thống chỉ quan tâm và sốt sắng với nạn nhân của viện thẩm mỹ. Không ngày nào mà không có tin tức trên báo nhà nước về chị Lê Thị Thanh Huyền.
Không ai có thể tưởng tượng nổi vì sao, Nguyễn Mạnh Tường, một bác sĩ bệnh viện công được ăn học đang hoàng, lại là hiện thân của cái ác như thế. Vì tiền, vì sự tắc trách cá nhân Nguyễn Mạnh Tường và của ban ngành y tế, và vì cả xã hội bây giờ đẩy con người vào chuyện kiếm chác, bất chấp mọi nguyên tắc y khoa?
Thế nhưng, Nguyễn Mạnh Tường không bị khởi tố tội giết người, trong khi chính cuộc giải phẫu không chuyên của ông ta đã gây nên cái chết. Ðiều này mâu thuẫn với anh Ðoàn Văn Vươn, chỉ bắn súng hoa cải cảnh báo trong một cuộc cưỡng chế trái pháp luật tại Tiên Lãng (Hải phòng), không gây thương vong, nhưng bị quy kết tội cố ý giết người. Nén bạc đâm toạc tờ giấy?
Danh dự, y đức, lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm, tính nhân ái của con người, đã bị triệt tiêu trong một xã hội mà đạo đức bị tan rã. Tính mạng con người vô cùng rẻ rúng.
Trong bài “Ý kiến: Vụ Cát Tường và sáu thi thể khác” trên BBC Việt ngữ viết:
“Những ngôn ngữ về đạo đức, lương tâm vẫn đang hàng ngày, hàng giờ được lan truyền khủng khiếp trên mạng internet, người ta căm phẫn trước hành động vô nhân tính của bác sĩ Tường, người ta xót xa cho sự bất hạnh của chị Huyền.
Nhưng chẳng thấy bất cứ một ai, bất cứ một tổ chức hay cơ quan nào lên tiếng về 6 thi thể bạc mệnh trôi sông kia cả. Ai dám chắc rằng, những cái chết kia là không dã man, và không bất hạnh như chị Huyền!?”
Có thể vì sự việc viện thẩm mỹ Cát Tường được phát hiện nhanh chóng và âm mưu tội ác đã vượt qua giới hạn của nhân tính? Hay vì xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi đang có kỳ họp thứ 6 của Quốc hội 13 và câu chuyện trở thành chủ đề nóng? Hay là chỉ thuần hiếu kỳ, hiệu ứng đám đông?
Sáu xác chết trôi sông lềnh bềnh kia, chắc phải chịu một số phận bi thảm, mà nếu như không có cuộc tìm kiếm xác chị Lê Thị Thanh Huyền, thì sẽ làm mồi cho cá và xương tàn nằm dưới đáy sông. Không có cuộc điều tra, tìm hiểu ngọn ngành, vì sao họ lại bị vứt xác xuống sông như thế. Họ chẳng là ai, chẳng là gì cả! Con người vẫn chết tức tưởi hàng ngày đấy thôi, có ai quan tâm đâu.
Hàng chục trẻ em sơ sinh bị chết oan ức vì tiêm vác-xin rởm; những sản phụ tử vong vì thiếu thủ tục phong bì; cả ngàn nạn nhân chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày; 75 ngàn người chết vì ung thư mỗi năm do thực phẩm nhiễm độc. Và biết bao tai nạn khác đổ ập xuống đầu, hàng chục người chết trong cơn bão lụt vừa qua, hay cháy nổ nhà máy pháo hoa của Bộ Quốc phòng. Người ta chôn hóa chất xuống đất làm cả làng bị ung thư và hàng trăm người chết. Nhiều người khác bị cảnh sát giao thông đánh đến chết vì đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc cơ thể khỏe mạnh vào đồn công an ra về là xác chết...
Khi con người sống mà cái chết có thể đột nhiên, bất ngờ ập tới bất cứ lúc nào, vì bất kỳ lý do gì, thậm chí lý do lãng nhách, thì nó đồng nghĩa với một cuộc sống luôn mang tính tạm bợ, sống gấp, có nhu cầu hưởng thụ, chụp giật bằng mọi cách, được đâu hay đấy, sống hôm nay chẳng cần tính đến ngày mai.
Tâm lý này dường như phổ biến. Nó làm cho con người hết sáng suốt vì niềm tin bị đổ vỡ, không còn nhận ra đâu là chân lý và giới hạn của những điều dị thường. Người ta tin vào các nhà ngoại cảm dỏm, lừa đảo, lấy xương thú vật làm hài cốt của liệt sĩ. Tin vào những giấc mơ để ghi số đề. Tin vào cây vàng, lá rụng chỉ vì tướng Giáp chết, hoặc tướng Giáp hiển thánh, như Hồ Chí Minh. Người ta cũng sẵn sàng chà đạp lên nhau để trang giành quẻ tại đền Vua Trần, hay phủ kín tượng Phật bằng những đồng tiền lẻ để cầu may... Sự ấu trĩ, ngô nghê đi quá xa, còn tín ngưỡng bị thương mại hóa.
“Chưa bao giờ “lực lượng” mê tín lại hùng hậu như bây giờ, gồm già trẻ, gái, trai, dân trí thấp đến dân trí cao... Mà nói như giáo sư Ngô Ðức Thịnh, không phải là mê tín mà là cuồng tín mới chính xác. Hình như trong tôn giáo, phải có chút “mê” mới đúng chữ “tín”. Họ cuồng tín đến độ: quên cả “lối về”, biến chính đạo thành tà đạo”, tờ Petrotimes ngày 31/10/13 viết.
Xã hội như thế cho nên bế tắc cho một tiến trình thay đổi. Kẻ giàu có cứ việc làm giàu, làm giàu bất chính, với mọi thủ đoạn, nhiều khi tiền không biết để đâu cho hết, mặc sức hoang phí. Người nghèo khó thì tất tưởi lo toan miếng ăn hàng ngày. Sự hy sinh vì cái chung, ý chí tranh đấu cho cho một ngày mai với công bằng xã hội bị triệt tiêu. Ai cũng chỉ biết chăm chút cho bộ lông cánh của riêng mình.
Chủ nghĩa sống chết mặc bay trở thành bản chất, phương châm. Mọi người mặc nhiên chấp nhận đời sống hiện tại, sống chung với lũ. Trong tâm trạng bất an và sự suy giảm niềm tin của người dân đối với nhà nước xuất hiện thường xuyên hiện tượng người dân bỏ qua hàng rào pháp luật, đứng lên tự xử theo luật giang hồ.
Nước sông Hồng vẫn chảy và đổ ra biển cả. Và còn nhiều dòng sông nữa trên khắp ba miền. Hôm nay là 6 xác chết, ngày mai có thể sẽ là 7, 8, hay bao nhiêu nữa? Chẳng ai có thể lường trước. Sự tang tóc, đau thương diễn ra thầm lặng, bình thường trên một đất nước được gọi là “phát triển” và “ổn định” chính trị.
Sự “ổn định” này đã được phiên họp toàn thể lần thứ 13 ngày 20/10/2013 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá như sau:
“Năm 2013, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội nên đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng của vi phạm pháp luật và tội phạm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.
Bộ Công an đã đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm theo từng tuyến, địa bàn, loại tội phạm nổi lên và đã mang lại hiệu quả cao, góp phần kiềm chế gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm”.
Làm thì láo, báo cáo thì hay, không ai bì kịp chế độ cộng sản Việt Nam!
Chỉ 10 ngày sau, trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 30/10/13, ông Bùi Ðặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã phải thú nhận:
“Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm, kẻ cướp mà thậm chí giờ nó còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, lột tài sản, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở đến những nơi trang nghiệm như trường học, bệnh viện... đều có tội phạm cả”.
Tội phạm ở khắp mọi nơi. Ðất nước như trong thời loạn tặc. Sẽ còn bao nhiêu nữa số phận bạc mệnh bị vùi dập và lãng quên?
Lê Diễn Đức
Theo Người Việt
Post Top Ad
Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013
Từ khóa tìm kiếm:
# Bình Luận - Quan Điểm
# Lê Diễn Đức
Share This
About
Tiến Bộ
Lê Diễn Đức
Labels:
Bình Luận - Quan Điểm,
Lê Diễn Đức
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét