|
Nghe bài tường thuật |
Bản án bỏ túi
Người dân Việt Nam quá quen thuộc với câu chuyện án bỏ túi, bản án được quyết định trước. Những tưởng sự kiện này chỉ có trong quá khứ, nhưng mới đây ngày 23/9/2014 báo chí đưa tin Quyết định 13 của Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội vi phạm Hiến Pháp. Chính ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định việc Chánh tòa Hà Nội buộc tất cả thẩm phán phải báo cáo việc xử án là vi phạm rất nặng nề.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý được báo chí trích thuật cho rằng, hệ thống tòa án Việt Nam vẫn đang duy trì một dạng “án bỏ túi” qua việc báo cáo án, báo cáo nghiệp vụ với chánh án, chánh án tòa cấp trên.
Trả lời chúng tôi Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:
Trước đây, người ta có tình trạng duyệt án, xét án. Thời kỳ tôi làm thẩm phán Tòa án Thành phố từ năm 1983 đến 1989, lúc đó có tình trạng đó. Có những vụ án gọi là án điểm, mức án cao nhất là tử hình thì phải qua báo cáo Ban Nội chính, Ban này cho ý kiến về mức án… có tình trạng đó.
-LS Trần Quốc Thuận
-LS Trần Quốc Thuận
Độc lập xét xử nó đã có từ lâu trong Hiến pháp Việt Nam nhưng mà trên thực tế làm việc thì nó có tình trạng đó (can thiệp) nhưng theo tôi cơ bản nó được giảm rất là rõ.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, để thực hiện bản Hiến pháp 2013 Quốc hội cần sửa đổi 100 bộ luật. Riêng về vấn đề quá nhiều án oan sai và làm thế nào để xét xử công bằng, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:
“Bên cạnh việc sửa đổi luật, việc sửa đổi luật lần này theo tinh thần Hiến pháp 2013, tức là quyền suy đoán vô tội. Để thực hiện quyền này thì phải sửa lại Luật Tổ chức Tòa án, thứ nhất tập tục tại tòa, thứ hai hiện nay Quốc hội đang bàn thì ở các nước có quyền được im lặng. Quyền suy đoán vô tội được đưa vào trong thiết kết của Luật Tổ chức Tòa án, tôi thấy đây là một điểm mới và chúng ta cũng sẽ sửa đổi Luật Hình sự. Nếu sửa đổi được vấn đề này thì án oan sai sẽ hạn chế, tức là luật sư sẽ được tham gia, khi mà bắt một người cơ quan tố tụng sẽ hỏi anh có chờ luật sư hay không để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị can trong vụ án. Đây là một vấn đề giới luật sư chúng tôi quan tâm và nó cũng cùng một cái mạch với Quốc hội đang thảo luận về vấn đề này.”
|
“Án lệ là điều ở các nước đã làm rồi, đây là điều mới với Việt Nam thôi. Án lệ sẽ thể hiện nhà nước pháp quyền, một bản án được Tòa tối cao tuyên thì nó là hình mẫu trong công tác tư pháp hiện nay. Vấn đề này được chú ý thảo luận bàn cãi rất nhiều tại Quốc hội, theo dõi thấy có nhiều ý kiến rất mới cả trong Luật Tổ chức Tòa án và Luật về Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp. Nếu mà theo đúng tinh thần như vậy thì đây là một bước đột phá trong hoạt động tư pháp của Việt Nam.”
Hạn chế xử án oan sai
Tại sao đến năm 2014 này Quốc hội Việt Nam mới rộ lên vấn đề nguyên tắc xét xử độc lập theo pháp luật và không chịu bất kỳ sự chỉ đạo nào, tòa án phải là người bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng trong xét xử. Những vụ án oan điển hình được mổ xẻ nhiều nhất là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù oan 10 năm, bị bức cung và nhục hình hay “vụ án vườn điều” có nhiều nghi vấn nhưng tòa vẫn xử và bị can Huỳnh Văn Nén đang ngồi tù hơn 14 năm, gia đình kêu oan chẳng ai nghe.
Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
Nhưng bây giờ qua hoạt động Internet , giao lưu với quốc tế nhiều thì tôi cho là Việt Nam sẽ khó trở lại thời kỳ duyệt án, xét án, thời kỳ đó lạc hậu rồi không thể chấp nhận được.
-LS Trần Quốc Thuận
-LS Trần Quốc Thuận
Mặc dù Việt Nam không theo thể chế tam quyền phân lập, trong đó ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập và giám sát lẫn nhau. Nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam có ý kiến cho rằng chỉ cần Đảng, Quốc hội và Chính phủ thực hiện những gì Hiến pháp qui định về quyền con người, quyền cơ bản của công dân thì cũng có thể hạn chế bớt những vụ xử án oan sai, nhầm lẫn nghiêm trọng. Và như Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói với chúng tôi, tất cả các bộ luật sắp sửa đổi phải được thực hiện theo cái nền của Hiến pháp 2013. Tất cả mọi người phải hoạt động tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật và ngay cả Đảng cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Nam Nguyên,
phóng viên RFA
Theo RFA
========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét