Biển Đông: Mỹ và 'ngoại giao thầm lặng' - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Biển Đông: Mỹ và 'ngoại giao thầm lặng'


Ý kiến trái chiều từ Mỹ về việc dùng phương pháp ‘ngoại giao trầm lặng’ hay dùng ‘sức mạnh quân sự’ trong tranh chấp Biển Đông.


Hoa Kỳ dùng phương pháp ‘ngoại giao trầm lặng’ để thuyết phục Việt Nam, Philippines, Indonesia và các quốc gia châu Á khác không có động thái hung hăng nhằm lợi dụng phán quyết PCA, quan chức chính quyền Mỹ cho hay.

Reuters hôm 13/7 dẫn lời một quan chức Mỹ muốn ẩn danh nói: "Những gì chúng tôi muốn là trấn tĩnh để những vấn đề này có thể được giải quyết một cách hợp lý thay vì cảm tính".

Thông điệp này được gửi thông qua các đại sứ quán Hoa Kỳ ở nước ngoài và sứ quán nước ngoài tại Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và quan chức cấp cao khác cũng đích thân gửi thông điệp đến một số nước, nguồn tin cho biết.

"Đây không phải là nỗ lực tập hợp các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc vốn đặt giả định sai lầm rằng Hoa Kỳ đang dẫn đầu một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc", quan chức nói thêm.

Những nỗ lực làm dịu căng thẳng ở Biển Đông sau phán quyết PCA không thành sau khi Đài Loan cử một chiến hạm đến khu vực này và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố với thủy thủ rằng họ có nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của đảo quốc này.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ hy vọng sáng kiến ngoại giao của họ sẽ thành công hơn ở Indonesia, quốc gia muốn đưa hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền và ở Philippines, quốc gia có ngư dân đã bị hải quân Trung Quốc xua đuổi.

Trung Quốc đang lặp lại đề nghị nối lại đàm phán song phương giữa Bắc Kinh và Manila, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng đây là thời điểm để mọi thứ "đi đúng hướng" sau vụ kiện "trò hề".

Ngư dân Philippines tại Bãi Scarborough                 

Trong khi đó, AP dẫn lời ông Dennis Blair, cựu đô đốc Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói tại một phiên điều trần Quốc hội Mỹ hôm 13/7: “Hoa Kỳ nên sẵn sàng dùng ‘sức mạnh quân sự’ để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc tại một rạn san hô đang tranh chấp ngoài khơi Philippines.

Lời khuyến nghị Ủy ban Thượng viện của ông Blair được đưa ra một ngày sau phán quyết PCA.

“Mục tiêu không phải là châm ngòi cuộc chiến với Trung Quốc tại Bãi Scarborough, nhưng nhằm thiết lập một giới hạn về ‘cưỡng bức quân sự’, ông Blair nói.

''Tôi nghĩ rằng chúng ta cần khuyến khích Trung Quốc nhượng bộ về một số mục tiêu của họ''.

Philippines là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng hiệp ước của họ không rõ ràng về việc liệu Hoa Kỳ có bảo vệ họ trong lãnh thổ tranh chấp.

AFP hôm 14/7 tường thuật Philippines kêu gọi Bắc Kinh 'tôn trọng' phán quyết PCA.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh, Á - Âu (ASEM) hôm 15/7 ở Mông Cổ cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

"Bộ trưởng Yasay sẽ thảo luận cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp của Philippines về biển Tây Philippines (Biển Đông) và điều cần thiết là các bên tôn trọng phán quyết, " thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines viết.

'Giải pháp hòa bình'

Phán quyết PCA được trông đợi là chủ đề chính của Hội nghị cấp cao Asean diễn ra cuối tháng 7/2016 tại Lào   

Hôm 14/7, báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết nước này có thể giải quyết vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán, chỉ ra rằng họ đã đạt thỏa thuận với Việt Nam về biên giới biển ở Vịnh Bắc Bộ và các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nam Hàn.

Trong khi đó, hôm 13/7, hai máy bay dân sự của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, một động thái mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn là hạ nhiệt.

"Chúng tôi [Hoa Kỳ] không có lợi ích gì tại Biển Đông ngoài niềm tin về quyền tự do hàng hải", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói trong cuộc họp báo hôm 13/7.

"Những gì chúng tôi muốn thấy không phải là cuộc leo thang căng thẳng và chúng tôi muốn tất cả các bên tranh chấp có thời gian để cân nhắc cho giải pháp hòa bình ở phía trước."

Biển Đông trên quả địa cầu bày bán ở hiệu sách tại Bắc Kinh                 

Tuy nhiên, nếu nỗ lực này thất bại, và leo thang thành đối đầu quân sự, các lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị duy trì quyền tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hôm 13/7.

Ben Cardin, quan chức Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông ít có khả năng nổ ra nếu Việt Nam, Philippines, Indonesia và các nước khác hợp tác với Hoa Kỳ hơn là tự tìm giải pháp.

"Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn đối đầu với Hoa Kỳ," ông nói với các phóng viên. "Họ [Trung Quốc] không ngại đối đầu với một chiếc tàu cá Việt Nam nhưng họ không muốn đối đầu với Hoa Kỳ."

Phán quyết PCA được trông đợi là chủ đề chính của Hội nghị cấp cao Asean diễn ra cuối tháng 7/2016 tại Lào. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự sự kiện này, theo Reuters.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad