Sau khi tin này được báo chí trong nước đưa lại, nhiều người Việt Nam đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng kết quả đó chỉ nên coi là tính tham khảo vì trên thực tế mức độ hài lòng với cuộc sống ở Việt Nam còn thấp, chưa nói đến hạnh phúc.
Chia sẻ với quan điểm vừa kể, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Hà Nội, chỉ ra rằng phương pháp phỏng vấn, lấy mẫu ở Việt Nam của Quỹ Tân Kinh tế học có thể không đúng đối tượng. Bà nói với VOA:
“Tôi cho rằng tất cả các tiêu chí đó của Việt Nam đều có vấn đề. Tuổi thọ của Việt Nam cũng không phải là cao. Về môi trường thì rõ ràng là có quá nhiều vấn đề. Việc khai thác tài nguyên của Việt Nam từ trước đến nay rất là không bền vững. Việt Nam đang ở trong thời kỳ mà cái phân tầng xã hội nó càng ngày càng lớn. Ở Việt Nam có một số những người rất giàu, còn lại có những người rất nghèo. Cái bất bình đẳng tôi nghĩ nó khá là rõ. Nếu mà nói về bình đẳng thì cũng rất là khó để xếp Việt Nam ở một cái top cao của hạnh phúc. Tôi cảm thấy những cái đánh giá, nghiên cứu đấy có thể rất có vấn đề về phương pháp”.
Tỏ ý nghi ngờ về tính đáng tin cậy trong cách đánh giá về vấn đề sinh thái, môi trường, chị Mai Mai Hương, một cựu ký giả có 14 năm viết về các chủ đề văn hóa, xã hội hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến như sau với VOA:
“Riêng về vấn đề sinh thái thì rõ ràng là không chính xác vì là trong năm qua Việt Nam đã đối mặt với các vấn đề về môi trường rất là trầm trọng, đặc biệt là vụ cá chết. Nhưng mà tại sao ở một quốc gia mà cá chết dọc bờ biển đến 200 kilomet mà lại vẫn đạt được một số đỉnh cao về sinh thái thì cũng không rõ lắm về cách tính của họ”.
Thảm họa ô nhiễm biển do hãng Formosa gây ra ở Hà Tĩnh làm cá chết ở vùng biển 4 tỉnh đã khiến ngư dân các tỉnh miền trung vẫn điêu đứng từ tháng 4 đến nay.
Anh Nguyễn Văn Mộng, một người dân ở thôn Cồn Sẻ, ven biển tỉnh Quảng Bình, ngay sát nơi khởi nguồn thảm họa cá chết, khi được hỏi cá nhân anh và người dân địa phương có hạnh phúc với tình hình môi trường và các mặt khác của đời sống hiện nay hay không, đã trả lời:
“Không hạnh phúc được tí mô anh ạ. Toàn là bất an đến giờ, hạnh phúc chi anh”.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm các nước hạnh phúc nhất thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế khác, kể cả Viện Gallup của Mỹ, trong các năm trước như 2009, 2012 cũng từng xếp Việt Nam trong số các nước hạnh phúc hàng đầu thế giới với căn cứ vào các tiêu chí khác nhau.
Mặc dù vậy, bất cứ khi nào các kết quả như vậy được đưa ra, luôn có đông đảo người Việt Nam cho rằng việc xếp hạng đó không phản ánh đúng thực tế. Để có đánh giá chính xác hơn về mức độ cảm nhận hạnh phúc ở Việt Nam, Tiến sỹ Hồng nêu ra yếu tố cần được tập trung nhất vào:
“Hiện nay có lẽ thiết thực nhất là chữ an toàn. An toàn đây là nói an toàn trong thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn trong môi trường xã hội. Những cái mâu thuẫn xã hội hiện nay rất dễ dàng bùng nổ. An toàn nói chung ở Việt Nam bây giờ tôi nghĩ là rất là có vấn đề. Tôi nghĩ đối với người Việt Nam thì có lẽ đấy là một trong những vấn đề hết sức là ưu tiên. Thế rồi là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cái môi trường sống hiện nay cũng không an toàn. Môi trường tự nhiên đang bị phá hủy”.
Bà viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cũng gợi ý cần chú ý đến các dịch vụ xã hội cơ bản như dịch vụ giáo dục, y tế. Các khảo sát của chính một số cơ quan ở Việt Nam gần đây đã chỉ ra rằng người dân Việt Nam “hoàn toàn không hài lòng” vào các dịch vụ này. Bà Hồng bình luận:
“Nếu mà các vấn đề an toàn như tôi vừa nói đang có vấn đề, rồi những dịch vụ xã hội cơ bản cũng chưa đáp ứng thế thì khó có thể nói là người Việt Nam cảm thấy hạnh phúc được”.
Tiến sỹ Hồng cũng nhắc đến thực tế là hiện nay đang ngày càng có nhiều người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài. Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã không công nhận tư cách đại biểu của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau khi phát hiện bà này đã xin quốc tịch Malta cho cả gia đình. Trên bình diện rộng hơn, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho VOA biết trong hai năm nay số người giàu và doanh nhân Việt Nam xin quốc tịch nước ngoài đã tăng lên rất nhiều.
Bà Khuất Thu Hồng nhận xét rằng “việc đó thể hiện chắc chắn là có nhiều người không hài lòng với cuộc sống ở đây”.
Theo cách đánh giá của Quỹ Tân Kinh tế học Anh, nước Costa Rica nhỏ bé ở Nam Mỹ là nước hạnh phúc nhất thế giới. Quỹ cho hay đứng thứ nhì là Mexico mặc dù nước này có nạn tham nhũng và bạo lực băng đảng hoành hành. Trong nhiều năm nay, đã có một số lượng lớn người dân Mexico tìm nhiều cách để nhập cư vào Mỹ để tìm kiếm các cơ hội kinh tế trong khi Mỹ chỉ xếp hạng 108 về hạnh phúc trong bảng kết quả vừa rồi.
An Tôn
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét