Bằng từng bước lắt léo, Nguyễn Phú Trọng đã đưa cả một giàn lãnh đạo cùng thế hệ với ông ta về hưu, còn lại người duy nhất cao tuổi nhất là chính ông ta ở lại.
Độ tuổi trung bình của ban chấp hành trung ương ĐCSVN là 53. Lứa tuổi từ 63 đến 70 hoàn toàn vắng bóng. Một mình Nguyễn Phú Trọng ở độ tuổi 72 còn lại và giữ chứng vụ tối cao nhất trong đảng là tổng bí thư.
Tất cả những uỷ viên BCT trong khoá 12 này đều nhận chức vụ mới, điều đó càng khiến Trọng có thuận lợi hơn trong việc thâu tóm quyền lực.
Khi còn lại một mình với lũ đàn em mới toanh, Nguyễn Phú Trọng không còn phải ngại ngần, ông ta trơ tráo tự khen ngợi cuộc bầu cử trong đảng vừa qua thành công tốt đẹp, đã chọn ra được những người xứng đáng tiêu biểu. Câu nói này của Trọng được ông ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như muốn chứng tỏ rằng uy thế của ông ta là tuyệt đối trong đảng.
Nắm tuyệt đối được ban tuyên giáo và bộ thông tin truyền thông, càng về sau này trên các phương tiện báo chí càng xuất hiện nhiều bài viết ca ngợi Nguyễn Phú Trọng như một hình ảnh trong sạch, gương mẫu và kiên quyết chống tham nhũng.
Công cuộc chống tham nhũng này thực ra là một chiêu bài Nguyễn Phú Trọng núp đằng sau để tiêu diệt những quan chức không cùng cánh với mình trước kia. Nó là một cuộc thanh tảo trả thù và cũng là sự cảnh cáo cho những quan chức đang đương vị. Hẳn ai cũng biết quan chức tham nhũng trong chế độ cộng sản Việt Nam phải chiếm đến 99%. Tuyệt đại đa số các quan chức phấn đấu để được chức vụ cao hơn đều với mong muốn quyền lực sẽ đẻ ra tiền bạc cho mình. Không có quan chức cộng sản nào hiện nay phấn đấu vì lý tưởng trong sáng nào cả, đó là hiện thực mà bất cứ người dân nào đều sẵn sàng khẳng định như vậy.
Cuộc chống tham nhũng của Trọng là đòn uy hiếp tinh thần, làm tê liệt ý chí của các quan chức trong đảng cộng sản. Vì thế Trọng ngày càng một huênh hoang và trịch thượng.
Lần đầu tiên hay có lẽ sau rất nhiều năm, một vị tướng là thứ trưởng bộ công an, thượng tướng Lê Quý Vương trả lời báo chí về vụ điều tra sai phạm Trịnh Xuân Thanh là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư.
Ở vụ án khác bị cáo là Phạm Công Danh. Nguyễn Phú Trọng cũng can thiệp chỉ đạo phải sớm đưa ra xét xử.
Như vậy Nguyễn Phú Trọng đã trắng trợn can thiệp thô bạo vào công việc của ngành tư pháp, cụ thể là các hoạt đông điều tra, xét xử. Chẳng lẽ không có ý kiến chỉ đạo của TBT thì công an không điều tra các sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, không có chỉ đạo đưa ra sớm xét xử thì toà án sẽ kéo dài thời gian đưa Phạm Công Danh ra toà? Vậy thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và các chánh án tối cao, viện trưởng viện kiểm sát tối cao, bộ công an có vài trò gì trong vụ án này?
Những câu hỏi ấy đều đưa đến câu trả lời, đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp, đảng chính là ông Trọng. Không có ai to hơn ông ta, ông ta có quyền bắt điều tra ai, bắt xử ai là được người đó. Những chức danh của chính phủ, nhà nước, quốc hội không là gì với ý kiến của ông ta.
Trong phiên họp quốc hội vừa qua, chỉ là một đại biểu quốc hội bình thường. Nhưng Trọng đã chà đạp lên quốc hôi Việt Nam bằng cách đứng trên bục để phát biểu, chỉ đạo quốc hội. Đây là hành động bất chấp quy tắc, vì các đại biểu khác muốn phát biểu đều phải đứng tại chỗ và chỉ được nói trong thời hạn ngắn. Chủ tịch quốc hội điều hành có thể cắt ngang và nhắc nhở đại biểu về thời gian. Riêng Trọng lên bục chỗ dành cho những quan chức điều hành trong quốc hội, phát biểu như chính ông ta là chủ tịch quốc hội.
Các cử tri Việt Nam là những người dân thường có thể gửi đơn khiếu nại và chất vất quốc hội về việc một đại biểu trong đoàn đại biểu Hà Nội tại sao lấy tư cách gì được đứng trên bục quốc hội chỉ đạo quốc hội? Ông Trọng chỉ là một đại biểu ứng cử do khu vực 1 thành phố Hà Nội. Không thể có vượt nguyên tắc một cách càn rỡ vượt hơn các đại biểu khác như vậy. Đó là một sự bất công trong vị thế các đại biểu do nhân dân bầu ra.
Việc làm của ông Trọng ở kỳ họp quốc hội khoá 13 vừa qua là hình ảnh của Đảng cộng sản VN vô pháp đạp lên hình ảnh quốc hội. Dẫu quốc hội Việt Nam là bù nhìn, nhưng sự trắng trợn của ông Trọng đã khiến hình ảnh bù nhìn của quốc hội đã tệ hại càng trở nên tận cùng của sự bù nhìn tệ hại.
Đảng cộng sản đã đưa những người của đảng ra lãnh những chức vụ của hành pháp, tư pháp, lập pháp. Như thế đã là mất dân chủ, nhưng dù sao nó sự mất dân chủ ấy còn được trá hình bởi những chức vụ hợp hiến. Hành động của Nguyễn Phú Trọng trực tiếp ra lệnh chỉ đạo các cơ quan tư pháp này, không cần phải thông qua những chức vụ hợp hiến như chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng là một hành động không thể chấp nhận được.
Mặc dù hiến pháp quy định là đảng CSVN là giai cấp lãnh đạo duy nhất, nhưng việc lãnh đạo đó được quy định là bằng đường lối, chính sách đảng đề ra. Những thứ mà thường gọi là nghị quyết. Nghị quyết có nghĩa những quyết định đã được hội nghị trung ương đảng thảo luận và thống nhất ý chí ban hành. Việc một cá nhân trong đảng đứng ra chỉ đạo trực tiếp vào quá trình điều tra, xét xử là việc làm lẽ ra các báo chí phải lên án. Nhưng đằng này các tờ báo Việt Nam lại đưa tin ca ngơi như hành động đó của Nguyễn Phú Trọng là đương nhiên , như thể ông ta có quyền làm bất cứ cái gì ông ta muốn.
Sự khó hiểu ấy chính là điều mà Nguyễn Phú Trọng muốn đưa thông điệp đến cho toàn dân. Đó là ông ta trên cương vị tổng bí thư có thể làm tất cả những gì ông ta muốn làm. Và tất cả những điều đó đều không cần đến điều lệ đảng, hiến pháp, sự phân công công việc quản lý trong bộ máy hành chính nước Việt Nanm.
Thiết nghĩ các cử tri Việt Nam cần sớm có kiến nghị gửi quốc hội Việt Nam để đòi hỏi làm rõ Nguyễn Phú Trọng giữ vai trò nào, quyền hạn thế nào trong việc chỉ đạo các ban ngành chính phủ. Tại sao ông ta có thể ra lệnh cho bộ công an điều tra ai ông ta muốn, tại sao ông ta có thể can thiệp thời gian tố tụng đòi xét xử sớm hay muộn. Và cuối cùng là tại sao ông ta chỉ là đại biểu quốc hội ứng cử ở một khu vực quận huyện lại có thể lên bục phát biểu vô thời hạn trước quốc hội, trong khi các đại biểu khác như ông ta chỉ được phép phát biểu tại chỗ của mình, với thời gian có hạn.
Không thể vin vào ông ta là người cao tuổi, cũng không thể dựa vào ông ta là tổng bí thư ĐCSVN. Vì dù thế nào đảng CSVN lãnh đạo nhà nước, chính phủ cũng có nguyên tắc rõ ràng. Không thể tuỳ tiện, vô lối theo kiểu Nguyễn Phú Trọng đã làm rất càn rỡ trong những ngày vừa qua. Đấy là biểu hiện cho sự mất dân chủ và một hình bóng tên độc tài mới đang hình thành. Cần sớm phải có những kiến nghị làm rõ hành vi của Nguyễn Phú Trọng có phải là vô nguyên tắc hay không.
Người Buôn Gió
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét