Lê Luân - Nghĩa Hẹp - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Lê Luân - Nghĩa Hẹp


Trang web Vietnam Airlines đã bị tấn công ngày 29/7
Tôi không hiểu, từ bao giờ, lòng yêu nước, sự dũng cảm và tình đoàn kết dân tộc nó lại bị hiểu một cách lệch lạc như bây giờ.

Giữa một cuộc tấn công "không vũ khí" và "tiếng động", khi những chuyến bay bị đình hoãn và những hành khách còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, phải đứng co cụm sát vào nhau và vào một nơi, lại được một số con người cầm bút gọi đó là sự đoàn kết dựa trên tính tự tôn dân tộc do người ta đã xích lại về khoảng cách trong trật tự.

Những hành khách còn ngơ ngác chưa biết chuyện gì đang diễn ra trước mắt, họ chịu chung một hoàn cảnh như nhau, và họ có nghĩa vụ phải tuân thủ những nguyên tắc xảy ra sự cố là trật tự xếp hàng và chờ đợi, thì người ta lại tôn vinh hành vi mang tính nghĩa vụ ấy lên thành "tính đoàn kết dân tộc". Một sự đánh tráo khái niệm, mà thực sự nguy hiểm, bởi nó khiến con người ta dễ rơi vào trạng thái ngộ nhận và sai lầm, mà có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường không thể biết trước khi nếu phải lựa chọn đưa ra một phương cách hành động mà dựa trên và xuất phát từ sự nhận định chủ quan ấy.

Đoàn kết, tính tự tôn dân tộc, được hiểu đó là sự kết nối những hành xử của những con người trong một cộng đồng nhằm góp sức, chung tay để giải quyết, xử lý hoặc phá bỏ một thứ gì đó, một thế lực nào đó nhằm đạt được một mục đích chung tốt hơn, chứ không phải tình cảnh kiểu như mất điện thì tất cả đều phải chờ đợi để "những người có chuyên môn" giải quyết sự cố theo trách nhiệm của họ. Vì trong hoàn cảnh đó, hoàn toàn có thể phải thực hiện một cuộc sơ tán khẩn cấp mà không thể tập hợp tại nơi đó được thì giải thích ra sao về sự đoàn kết mà tác giả đã trót gọi tên?

Đơn giản, trong sự cố tin tặc, những con người co cụm lại chỉ đơn giản là một tập hợp người được sắp xếp trật tự, mà trong cuộc sống thường ngày chúng ta không hoặc hiếm khi thấy nó là nét hành xử thuộc về đặc tính văn hoá của người Việt. Nên sự khác thường so với thường ngày bỗng lại trở thành một hành vi được tôn vinh bằng cách cưỡng ép nhập gộp khái niệm của hai thứ vốn khác nhau hoàn toàn về nội hàm trở thành đồng nhất theo ý chí chủ quan của người cầm bút.

Việc của đám đông là trật tự, việc của hacker là tấn công, và việc của các an ninh mạng là phải khắc phục sự cố, và trong sự cố ấy, chúng ta đang thất bại khi không thể chống trả sự tấn công đó từ bên ngoài, trong khi những hành khách ngơ ngác kia chỉ là những con người chịu chung sự tác động của sự cố mà đâu có hiểu gì về nó.

Và việc người ta có hỗn loạn, hoặc có trật tự trong yên lặng, thì nó hoàn toàn tách biệt và chẳng chút gì dính dáng đến kết quả hay sự tương tác qua lại giữa và của những hành vi được thực hiện bởi những tên hacker tấn công và những người an ninh mạng đang chống trả cả.

Mà nếu coi sự tập hợp cơ học một nhóm người về khoảng cách là một sự đoàn kết mang tính tự tôn dân tộc thì há chẳng phải đã tự nó phủ nhận sự đoàn kết trong trường hợp phải phân tán lực lượng để giải quyết sự việc cũng như bản chất của đoàn kết là sự gắn kết về mặt tinh thần thuộc nhận thức của trí não?

Tôi hoàn toàn không tìm được bất kỳ mối liên hệ của vị nhà báo viết trên VnExpress mới sáng nay về việc, rằng, cuộc tấn công từ những tin tặc của nhóm 1937CN thuộc Trung Quốc là đã thất bại, mà sự thất bại đó (không hiểu theo nghĩa nào khi hệ thống an ninh mạng hoàn toàn bị đánh sập và tê liệt) bị quyết định và đến từ việc những người Việt, là hành khách của VietnamAirlines lúc ấy, bỗng đứng xích lại gần nhau mà người ta gom lại vào trong một định nghĩa rằng, đó là sự đoàn kết.

Bởi nhìn vào sự kiện đó từ khi xảy ra cho đến lúc này, tôi chưa thấy sự "đoàn kết" của đám đông, mà khiến bọn tin tặc trở nên bị vô hiệu hoá hoặc thất bại gì ở sự tấn công vốn dĩ đã kết thúc và hoàn thành (?).

Hơn nữa, chúng ta chắc chắn là một dân tộc đoàn kết, nhưng không thể lấy sự sắp xếp trật tự cua một nhóm người để định nghĩa về sự đoàn kết của cả một dân tộc. Giống như người ta vẫn ngày ngày cố gắng định nghĩa một thứ rộng lớn hơn đem nó vào trong giới hạn hạn hẹp, yêu nước, tức là phải yêu đảng hoặc chế độ, mà không phải nguyên nghĩa là yêu quê hương, tổ quốc, nòi giống dân tộc mình.

Và trong trường hợp này, trật tự chỉ là nghĩa vụ đơn thuần, còn đoàn kết, chắc chắn là cùng nhau gắn kết để thực hiện hành động mà đạt mục đích chung, ít nhất là của nhóm người đó hoặc rộng lớn hơn là cho cả cộng đồng bao chứa họ.

Lê Luân

(FB Luân Lê)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad