Lê Công Định - Sự độc lập kỳ lạ của thẩm phán Việt Nam - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Lê Công Định - Sự độc lập kỳ lạ của thẩm phán Việt Nam


Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Theo Báo Pháp Luật, ngày 25-7, Toà án Nhân dân Tối cao đã có Văn bản số 177/TANDTC-V1 gửi chánh án Toà án Nhân dân TP.HCM về việc xét xử vụ án Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn trong vụ án cướp giật bánh mì ở quận Thủ Đức.

Trước đó, ngày 24-7, tại trụ sở TAND Tối cao tại Hà Nội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp nghe đại diện TAND TP.HCM báo cáo về nội dung và quá trình giải quyết vụ án này.

Sau khi nghe báo cáo chi tiết nội dung vụ án và quá trình xét xử, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra kết luận về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án.

Khoan bàn đến sự chính xác hay không trong phân tích pháp lý của ông Chánh án TAND Tối cao, thông tin này của Báo Pháp Luật thật sự gây ngạc nhiên về cách thức hoạt động trong hệ thống toà án ở Việt Nam đối với những ai tin tưởng vào quan niệm về sự độc lập của thẩm phán.

Các toà án Việt Nam dường như được tổ chức như các cơ quan hành chính thuần tuý, trong đó cơ quan cấp trên có quyền triệu tập cơ quan cấp dưới đến trình bày công việc, rồi chỉ đạo phải làm thế này, thế kia.

Ở tất cả các nước khác (trừ nhóm theo thể chế cộng sản), toà án và thẩm phán hoạt động tuyệt đối độc lập, theo đó toà cấp cao hơn không có quyền hành gì đối với toà cấp dưới, ngoại trừ quyền xét xử lại vụ án nếu bản án sơ thẩm của toà cấp dưới được kháng cáo theo đúng thủ tục tố tụng luật định.

Toà án là pháp đình, chứ không phải cơ quan hành chính. Trong nội bộ một toà án nói riêng, chánh án không phải là sếp của các thẩm phán, bởi lẽ thẩm phán hoàn toàn độc lập khi xét xử, không cần nghe mệnh lệnh hoặc ý kiến của bất kỳ ai. Trong toàn bộ hệ thống toà án quốc gia nói chung, chánh án toà cấp cao hơn không phải là sếp của các chánh án và thẩm phán toà cấp dưới, cũng bởi sự độc lập đó.
Ngoài ra, ở Việt Nam, chánh án toà cấp cao hơn còn có quyền "duyệt án" để hướng dẫn và chỉ đạo "đường lối xét xử" cho toà cấp dưới, theo đó như bài báo tường thuật, bao gồm cả quyền nêu nhận định, phân tích và kết luận về các vấn đề pháp lý của vụ án mà toà án cấp dưới đã hoặc sẽ tuyên xử.

Ở các nước khác, tập quán trên bị xem là xâm phạm nghiêm trọng quyền xét xử độc lập của thẩm phán, mà hiến pháp công nhận. Thẩm phán của toà án cấp cao hơn chỉ có thể nêu nhận định, phân tích và kết luận về các vấn đề pháp lý của vụ án mà mình xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án của toà cấp dưới, và phải dưới hình thức tuyên một bản án phúc thẩm, chứ không phải bằng cách gửi văn thư hành chính kiểu Văn bản số 177/TANDTC-V1 của TAND Tối cao gửi chánh án TAND TP.HCM nói trên.

Có lẽ do "ta khác" chăng? Hay Việt Nam có những "đặc thù riêng"? Các vị trong ban cải cách tư pháp gì đó chẳng lẽ không nhìn thấy tình trạng kỳ dị này?

Lê Công Định

(FB Lê Công Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad