Một quan chức là chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng vừa cho hay theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Formosa đã thực hiện đúng cam kết và chuyển cho phía Việt Nam 250 triệu USD tiền bồi thường ban đầu.
Ông Mai Tiến Dũng còn hứa hẹn: “Tới đây họ sẽ chuyển nốt số tiền còn lại. Hiện đầu mối giữ số tiền trên là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính phủ yêu cầu có bao nhiêu tiền bồi thường từ Formosa sẽ dành để hỗ trợ hết cho dân”, và cho biết “các tỉnh sẽ xem xét, lên phương án tổng thể về việc chi tiêu khoản tiền đó trên cơ sở dự kiến từ đối tượng được hưởng, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu…”.
Nhưng có đúng như hứa hẹn của giới quan chức ngồi tận Hà Nội không?
Trong thực tế của vụ “cá chết Formosa”, điều được gọi là “hỗ trợ ngư dân” đã được tiến hành cực kỳ cẩu thả và thâm thụt. Từ lúc vụ cá chết 4 tỉnh miền Trung xảy ra vào đầu tháng 4/2016, hầu hết chính quyền các tỉnh này đều bất động trước thảm cảnh của ngu dân không còn biển để ra khơi kéo lưới. Phải đến gần một tháng sau Chính phủ mới có chính sách hỗ trợ, nhưng lại phải đến 3 tháng sau đó thì tiền và gạo mới đến được tay một bộ phận ngư dân.
Tuy phần hỗ trợ khó khăn chỉ có 300,000 – 500,000 đồng/người cùng 15 kg gạo/người/tháng, nhưng không phải ngư dân nào cũng nhận được. Có những ngư dân cho tới nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thứ gì. Có trường hợp chính quyền xã còn đòi ngư dân phải nộp một phần tiền hỗ trợ vào “quỹ địa phương” thì mới cho nhận…
Với tình trạng quan liêu và thâm lạm như thế, thử hỏi làm sao có thể tin được số tiền 500 triệu USD bồi hoàn của Formosa “sẽ được chi hết cho ngư dân”?
Cơ quan đang giữ số tiền trên là Bộ Tài nguyên và môi trường – một trong những địa chỉ đã cực kỳ tắc trách trong quản lý và hậu kiểm, và còn có dấu hiệu đồng lõa với Formosa đối với việc gây ô nhiễm khủng khiếp về môi trường biển. Làm sao có thể tin được cơ quan bộ này?
“Luật rừng” ở rất nhiều chính quyền địa phương là một thực tế cực kỳ nan giải. Con số 500 triệu USD trên, tuy còn thua xa hậu quả kinh tế mà Formosa gây ra đối với miền Trung và đời sống ngư dân, nhưng đang nằm trong tầm ngắm của nhiều cặp mắt cú vọ của giới quan tham. Quen rút rỉa thậm tệ các chương trình hỗ trợ nông dân và ngư dân được tài trợ bởi các tổ chức thiện nguyện quốc tế, giới quan chức Việt Nam chắc chắn đang chăm bẳm vào số 500 triệu USD xem có thể “nuốt” được bao nhiêu phần trăm trong đó.
Vào năm 2009, một tờ báo nhà nước là Vietnamnet đã phát giác ra vụ “ăn ODA” đến 40% trong một dự án xây trường học ở Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh lại là “quê hương” của “đồng chí Võ Kim Cự - nguyên bí thư tỉnh này và là người đã “rước giặc vào nhà” qua cơ chế tự cấp giấy phép thuê đất đến 70 năm cho Formosa. Cho tới nay, ông Cự vẫn bình yên trên chiếc ghế ủy viên Ủy ban kinh tế của một quốc hội “gật”.
Lê Dung
(SBTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét