Việt Nam nêu khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Việt Nam nêu khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN


media
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ngày 30/08/2016. AFP
Được mời phát biểu tại cuộc Đối Thoại Singapore (Singapore Lecture) lần thứ 38 vào hôm nay 30/08/2016, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã tỏ ý rất « lo ngại » về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên tranh chấp tiến tới một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Trả lời một câu hỏi của cử tọa, người đứng đầu Nhà Nước Việt Nam đã không loại trừ khả năng sửa đổi quy tắc đồng thuận trong ASEAN, một quy tắc đang gây tranh cãi.

Hiện đang viếng thăm chính thức Singapore trong ba ngày, chủ tịch nước Việt Nam đã được mời đọc diễn văn tại cuộc Đối Thoại Singapore do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tổ chức. Cử tọa gồm hơn 500 người, từ giới hoạch định chính sách cho đến các nhà nghiên cứu, cùng nhiều quan khách khác

Ông Trần Đại Quang là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được mời phát biểu tại Đối thoại Singapore, một vinh dự từng được dành cho một số lãnh đạo như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trong diễn văn của mình, khi đề cập đến vấn đề nóng bỏng là Biển Đông, chủ tịch nước Việt Nam đã nêu bật một tình hình rất « đáng quan ngại », với vấn đề tranh chấp chủ quyền đang đe dọa tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như làm xói mòn lòng tin, tác hại đến hợp tác trong khu vực. Ông nhấn mạnh : « Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang, thì không có kẻ thắng, người thua, mà tất cả cùng thua ».

Đối với ông Trần Đại Quang, để duy trì ổn định trong khu vực, tất cả các quốc gia phải cùng nhau hành động, và các tranh chấp cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế - trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - bình đẳng, cùng có lợi.

Gián tiếp chỉ trích Trung Quốc

Theo ghi nhận của báo Today tại Singapore, chủ tịch nước Việt Nam đã ám chỉ những hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông khi nêu bật các thách thức nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối phó, trong đó có vấn đề « tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo ». Đối với ông Quang : « Tính chất nghiêm trọng của các thách thức rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại ».

Điểm đáng chú ý là phát biểu vào hôm nay, chủ tịch nước Việt Nam đã không ngần ngại gợi ý rằng Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN có thể tìm kiếm thêm những cơ chế ngoại giao khác nhau để bổ sung cho quy tắc đồng thuận hiện hành.

Cần « bổ sung » nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN

Trả lời câu hỏi của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Yusof Ishak, về nhận định của Việt Nam liên quan đến những khó khăn mà ASEAN gặp phải gần đây trong việc đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông, ông Quang đã cho rằng các thành viên ASEAN cần tìm kiếm thêm các cơ chế ngoại giao mới.

Theo báo Today, chủ tịch nước Việt Nam đã nói ngắn gọn như sau : « Chúng ta đều biết rằng nguyên tắc đồng thuận được ghi trong Hiến chương ASEAN... Nhưng với sự phát triển mới, chúng ta có thể xem xét và bổ sung nguyên tắc (đồng thuận) bằng các cơ chế khác ».

Trả lời báo Today, ông Lê Hồng Hiệp cho rằng chủ tịch nước Việt Nam có vẻ rất cởi mở trước khả năng điều chỉnh phương pháp làm việc của ASEAN hoặc là bổ sung thêm một số cơ chế để xử lý vấn đề Biển Đông.

Theo ông Hiệp : « Trước lúc xẩy ra những sự cố gần đây, nguyên tắc đồng thuận rất hợp với Việt Nam và một số nước khác, vốn rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền. Nhưng với sự thất vọng của Việt Nam sau những diễn biến gần đây, tôi nghĩ rằng bây giờ chính phủ Việt Nam đang suy nghĩ về làm thế nào để lách được qua nguyên tắc này ».

Uy tín của ASEAN đã bị sứt mẻ vì đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một quan điểm chung trên vấn đề Biển Đông do sự chống đối của một số quốc gia thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc - đặc biệt là Cam Bốt – bị cho là đã răm rắp chiều theo áp lực từ Bắc Kinh.

Trọng Nghĩa

(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad