Sau khi các binh đoàn quân Bắc Việt đã hoàn toàn làm chủ Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên bản in cùng ngày của tờ báo New York Times, biên tập viên kỳ cựu James Reston bình luận:
“Có lẽ là các sử gia sẽ đồng ý rằng chính các nhà báo và những chiếc camera đã đóng vai trò quyết định trong kết cục này. Họ đã mang vấn đề cuộc chiến tranh này đến với người dân, trước cả Quốc hội và hệ thống tòa án, và gây sức ép bắt quyền lực Hoa Kỳ phải rút lui khỏi Việt Nam.”
Lời bình luận của Reston chỉ là một ví dụ cho một luồng ý kiến về sau này được chia sẻ rộng rãi trong báo giới và giới sử học Mỹ trong các tranh luận về vai trò của truyền thông Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Nhìn chung, luồng ý kiến này khẳng định nền truyền thông Mỹ, bao gồm các tờ báo và kênh truyền hình truyền thanh của Mỹ, đã có một sức ảnh hưởng rất to lớn lên công luận Mỹ trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Chính nền truyền thông đó đã ‘lèo lái dư luận’ chuyển sang chống đối dữ dội sự can thiệp và tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nhiều nhà bình luận theo khuynh hướng bảo thủ (conservative) đã dựa trên cơ sở ý kiến này mà công kích giới truyền thông theo khuynh hướng tự do (liberal), có phần thiên tả của Mỹ. Những nhà bình luận này cho là giới truyền thông tự do đã ‘cướp diễn đàn’ truyền thông Mỹ, từ bỏ tinh thần trung lập trong việc đưa tin để ‘định hướng dư luận’ quần chúng Mỹ chống lại nhà nước Mỹ trong vấn đề chiến tranh Việt Nam, góp phần buộc chính quyền Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và theo đó trực tiếp đánh dấu chấm hết cho một cuộc chiến mà kết cục của nó, mượn lời ông Võ Văn Kiệt, đã làm triệu người vui mà cũng làm triệu người buồn.
Luồng ý kiến về vai trò quyết định của truyền thông và sự công kích màn ‘cướp diễn đàn’ của giới truyền thông tự do mang đến một số ngụ ý chính sách và luật pháp quan trọng cho các nhà chức trách Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới: Phải chăng một nền truyền thông tự do, không kiểm soát và giới hạn không hẳn là một thứ hay ho gì?
Phải chăng, trong một số vấn đề nhất định, sự kiểm duyệt, kiểm soát và bưng bít truyền thông của chính phủ là cần thiết cho đại cục, để tránh một cơn bão dư luận có thể nhấn chìm việc thực hiện một mục đích quốc gia, quốc tế quan trọng nào đấy? Nói gọn, phải chăng tự do ngôn luận phải bị kiểm soát?
Trong tác phẩm “’Cuộc Chiến Không Bị Kiểm Duyệt’: Truyền Thông và Việt Nam” (‘The Uncensored War’: The Media and Vietnam) do nhà xuất bản đại học Oxford xuất bản năm 1986, tác giả, giáo sư sử học báo chí Daniel Hallin đã nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung đưa tin của nền truyền thông Mỹ trong các năm chiến tranh Việt Nam, trong tương quan với các chính sách kiểm soát thông tin của quân đội và chính phủ Mỹ cùng thời kỳ, để tìm một câu trả lời cho các câu hỏi trên.
Café Luật Khoa tuần này xin được giới thiệu với ban đọc chương Kết Luận từ tác phẩm đặc sắc này của tác giả Daniel Hallin.
—
Trích đoạn “’Cuộc Chiến Không Bị Kiểm Duyệt’: Truyền Thông và Việt Nam”
Daniel C. Hallin (Nhà xuất bản đại học Oxford năm 1986)
“Nền truyền thông Mỹ đã “làm Mỹ thua trong chiến tranh Việt Nam”? Tôi tranh luận rằng câu hỏi này không phải là câu hỏi quan trọng nhất về vai trò của truyền thông trong cuộc chiến đó. Nhưng câu hỏi này đáng được xem xét đầu tiên, theo một cách trình bày chính xác và ít tính giật gân hơn.
Quyền lực Mỹ có thể đã được sử dụng hiệu quả hơn ở Việt Nam nếu các nhà chức trách Hoa Kỳ có thể có nhiều kiểm soát lên nền truyền thông Mỹ hơn? Có thể. Nhưng luận điểm này chắc chắn là không hề mạnh mẽ như nó hay được mường tượng.
Như chúng ta đã nhìn thấy trong chương 4 của cuốn sách này, các hướng dẫn mang tính kêu gọi sự tự nguyện [của giới truyền thông] trong việc bảo vệ thông tin quân sự đã có tác dụng tốt. Chỉ có một vài trường hợp vi phạm nguyên tắc các hướng dẫn này bởi báo giới, và cũng không có bằng chứng là phía quân độui xem báo giới là một nguồn cơn của thiệt hại cho các chiến dịch quân sự.
Trong tương quan nhìn nhận như là một vấn đề với giới quân sự thì việc báo chí đưa tin thế nào đã hoàn toàn là một vấn đề vụn vặt so với những vấn đề khác, ví dụ như sự ganh đua kèn cựa giữa các binh chủng, vốn đã gây ra – nếu phải viện dẫn một trong những bất cập – sự dễ đoán trước được của hoạt động không quân Hoa Kỳ tại miền Bắc Việt Nam.
Các vị quan chức thỉnh thoảng phàn nàn là có những tổn thất về mặt ngoại giao do việc báo chí đưa tin gây ra. Nhưng lần nữa phải nói là có ít bằng chứng cho thấy các tổn thất này là nặng nề. Ví dụ, vệc đánh bom Campuchia năm 1969 đã được giữ bí mật, theo như các vị quan chức kể lại câu chuyện về sau này, không chỉ là để tránh việc chống đối từ Hoa Kỳ, mà còn là bởi vì giới chức trách Mỹ tin rằng Sihanouk và Bắc Việt sẽ có khả năng sẽ phản đối nếu việc đánh bom này được chính thức công nhận. Các nhà chức trách Mỹ vì thế đã nổi giận đùng đùng khi báo New York Times, dùng nguồn tin chính thức, để vạch trần việc đánh bom Campuchia.
Ngoài vụ tiết lộ hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) năm 1971 khi mà các tòa án quyết định rằng phía chính phủ đã không hề đưa ra được bằng chứng về thiệt hại cho an ninh quốc phòng Mỹ, thì vụ bỏ bom Campuchia hay được viện dẫn làm bằng chứng cho việc tiết lộ tin tức gây thiệt hại cho ngoại giao Mỹ.
Nhưng không hề hiển nhiên là nó sẽ tạo ra một khác biệt cực lớn nếu như các cuộc biểu tình đã diễn ra, có lẽ là trừ trường hợp các phản đối từ Sihanouk biến việc đánh bom này thành một vấn đề lớn tại Mỹ (việc đánh bom Campuchia phải vài năm sau đó mới trở thành một vấn đề chính trị lớn). Và dù gì thì trong thực tế cả Sihanoul lẫn phía Bắc Việt đều không hề đưa ra phản đối gì.
Bí mật ngoại giao lớn nhất của cuộc chiến chính là những cuộc gặp mặt tại Paris giữa Kissinger và Lê Đức Thọ – và bí mật này đã được giữ kín.
Thế nên, luận điểm về kiểm soát truyền thông có vẻ là dựa nhiều hơn lên các ảnh hưởng của truyền thông lên “hậu phương”. Triển khai theo hướng này thì có thể dùng vài cách.
Ví dụ, trong một số thời điểm, giới chức trách tin rằng giá như mà Hoa Kỳ có thể chuyển một “tín hiệu” rõ ràng về sự quyết tâm của họ cho phía Bắc Việt, thì Bắc Việt có thể đã xuống nước. Và khả năng phóng chiếu một hình ảnh đoàn kết tại hậu phương đã được xem là quan trọng trong việc truyền đạt tín hiệu đó.
Nhưng cái ý niệm rằng việc “ra tín hiệu” tự nó có thể khuyến dụ Bắc Việt và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam (NFL – National Liberation Front) để họ từ bỏ mục tiêu mà họ đã đeo đuổi suốt nhiều thập niên có vẻ rất không đáng tin cậy – nó có vẻ là một ảo tưởng sinh ra từ các giả định rằng những nhà cách mạng Việt Nam chỉ đơn thuần là những tay sai của Nga Xô hay của Trung Quốc, và rằng phía Việt Nam cũng nghĩ rằng cuộc chiến Việt Nam chỉ là một cuộc chiến giới hạn (limited war) như chúng ta đã nhìn nhận nó.
Giới quân đội Hoa Kỳ nhìn chung tin rằng họ đã có thể thắng cuộc chiến nếu như Hoa Kỳ leo thang quân sự nhanh chóng hơn và với ít các ràng buộc chính trị hơn. Và thật sự đúng là các mối quan tâm về ý kiến công luận là một phần lý do cho sự hình thành một số ràng buộc lên việc sử dụng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Ví dụ, các mục tiêu đánh bom đã được giới hạn lại một phần chính là vì tổn thất tính mạng dân thường đã được nhìn nhận là gây ra thiệt hại về mặt chính trị.
Tuy vậy nhưng có vẻ là nếu như [tổng thống Mỹ] Johnson đã chọn việc đánh “tới cùng” tại Đông Nam Á, ông ta đã hoàn toàn có thể thuyết phục dư luận quần chúng ủng hộ lựa chọn đánh “tới cùng” này, có lẽ là theo một cách dễ dàng hơn lựa chọn trong thực tế của ông ta về việc tiến hành chiến tranh giới hạn.
Các giới hạn lên việc đánh bom sau cùng vẫn là một vấn đề chính trị cũng gây tranh cãi như vấn đề tổn thất tính mạng dân thường tại miền Bắc Việt Nam. Báo New York Times có thể đã không hài lòng nếu như Johnson cho phép quân đội tự do tác chiến, và báo St Louis Post-Dispatch hay [nhà báo kỳ cựu] Walter Lippmann chắc cũng đã không hài lòng. Tuy nhiên, báo Daily News (vốn dạo 1964-65 đã kêu gọi một cuộc xâm lược Trung Quốc) và báo Chicago Tribune thì có thể đã mừng ngây ngất nếu Johnson làm vậy.
Và dự đoán của tôi chính là truyền thông Mỹ nói chung đã hoàn toàn có thể bị cuốn vào một cơn cuồng chiến tranh (war fever), theo một cách rất mạnh mẽ nhưng cũng rất khó chịu. Thật sự là chính nỗi lo ngại rằng việc công chúng có thể đáp trả một cách quá nhiệt thành với một lời kêu gọi chiến tranh không kiềm chế, vốn sẽ đẩy nước Mỹ vào chính cái loại xung đột mà báo Daily News đã cổ xúy, đã là động cơ cho quyết định giữ cho cuộc chiến Việt Nam làm một cuộc chiến giới hạn.
Chính phủ Johnson đã chọn tiến hành một cuộc chiến giới hạn không hẳn bởi vì họ cảm thấy sự chống đối chính trị không cho họ lựa chọn khác, mà bởi vì họ không sẵn sàng hy sinh các ưu tiên chính trị khác để tiến hành một nỗ lực chiến tranh toàn diện, và bởi vì họ đã e ngại rằng chiến tranh có thể phát triển ra ngoài tầm kiểm soát, và bởi vì nhiều quan chức Mỹ – cuộc chiến càng kéo dài thì số quan chức này càng đông – đã cảm thấy không được giới quân đội Mỹ thuyết phục rằng các biện pháp mở rộng mà giới quân sự cổ xúy có thể đem lại chiến thắng với một cái giá chấp nhận được.
Nhiếp ảnh gia Huynh Thanh My của thông tấn xã Mỹ AP tác nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hình chụp 1 tháng trước khi ông My hy sinh ngày 10 tháng 10 năm 1965 (Nguồn ảnh: AP – từ trang thevietnamwar.info/huynh) |
Cuối cùng thì ý kiến công luận đã đóng vai trò một sự kiềm tỏa mạnh mẽ lên chính sách của Hoa Kỳ. Sau Tet (Mậu Thân 1968) (hay là, có lẽ chính xác hơn, sau khi chính phủ Johnson từ chối tận dụng cơ hội cuối cùng mà Mậu Thân 1968 đem lại để tiến hành động viên cả nước Mỹ cho một cuộc chiến toàn diện) các chia rẽ chính trị đã làm cho ngay cả việc tiếp diễn một cuộc chiến giới hạn của Hoa Kỳ trở nên bất khả. Thế nên cuối cùng chúng ta có thể nói rằng ý kiến công luận thật sự đã đóng vai trò quyết định, như Hồ Chí Minh và nhiều người khác đã tiên đoán như thế.
Thế nhưng, không hề rõ ràng là kết cục cũng sẽ như thế nếu như tin tức truyền thông đã bị kiểm duyệt, hay giới truyền hình đã bị loại trừ khỏi việc đưa tin về cuộc chiến, hay giới nhà báo đã có khuynh hướng ngả theo uy quyền tổng thống hơn.
Chúng ta không nên quên rằng sự ủng hộ của công chúng cho cuộc chiến tranh ngắn hơn và ít thiệt hại hơn của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc (cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953) cũng đã giảm dần theo tỷ lệ nghịch với thiệt hại của cuộc chiến, cho dù là truyền hình lúc đó mới chỉ chớm phát triển, sự kiểm duyệt diễn ra rất chặt chẽ, và tinh thần phục vụ nỗ lực chiến tranh thừa hưởng từ Cuộc thế chiến thứ II của các nhà báo Mỹ lúc đó vẫn còn mạnh.
Dean Rusk (Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ 1961-1969) từng có một bình luận với cánh nhà báo về vấn đề kiểm duyệt rất có tính khai mở. “Trừ phi chúng ta đang chính thức trong tình trạng chiến tranh,” Rusk nói, “với việc kiểm duyệt diễn ra tại đây [thủ đô Washington], còn không thì không có lý do gì phải có việc kiểm duyệt [tại Việt Nam]… Ở đây mới là nơi phần lớn các tiết lộ diễn ra.”
Rất lâu trước khi giới phóng viên truyền hình tra vấn sự đáng tin cậy của tổng thống trong vấn đề chiến tranh Việt Nam, giới chính trị gia Cộng Hòa tại Washington đã làm điều đó rồi. Ít nhất một năm trước khi [nhà bình luận tin tức kỳ cựu Walter] Cronkite gọi cuộc chiến Việt Nam là một “thế kẹt đẫm máu” (“bloody stalemate”) và kêu gọi việc thương lượng, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã có kết luận gần như là tương tự. Sự sụp đổ của “ý chí” Hoa Kỳ trong việc tiếp diễn cuộc chiến ở Việt Nam là kết quả của một quá trình chính trị mà truyền thông chỉ đóng một vai trò nhất định.
Và quá trình chính trị đó có căn nguyên từ bản chất và diễn biến của cuộc chiến – từ thực tế rằng nó là một cuộc chiến giới hạn, giới hạn không chỉ về các chiến thuật được sử dụng trong nó, mà còn về sự liên quan của nó đến các lợi ích sống còn của Hoa Kỳ; và còn từ cả thực tế rằng nó là một cuộc chiến tranh giới hạn không thành công vốn đã bị mở rộng ra quá khuôn khổ mà phần lớn các nhà làm chính sách đã có thể xem là hợp lý ngay từ đầu.
Ứng xử của truyền thông Mỹ, như chúng ta đã thấy, có liên quan mật thiết với sự thống nhất và rõ ràng của bản thân chính phủ Mỹ, cũng như với mức độ đồng thuận trong xã hội Mỹ nói chung.
Ý ở đây không phải là vai trò của báo giới chỉ là một vai trò mang tính thuần phản ứng. Chắc chắn là đã có một sự khác biệt lớn, ví dụ, trong việc nhiều nhà báo đã cảm thấy sốc khi chứng kiến cả sự tàn bạo của cuộc chiến tranh Việt Nam lẫn cái khoảng cách giữa những gì họ được các quan chức cấp cao nói và những gì họ nghe và thấy trên thực địa, và trong việc các nhà báo này được tự do báo cáo những điều đó.
Phóng viên Christopher Wain chăm sóc vết phỏng cho bé Phan Thị Kim Phúc – nhân vật chính trong bức ảnh chạy bom napalm nổi tiếng của phóng viên ảnh Nick Út, một trong những hình ảnh gây ám ảnh nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam (Nguồn ảnh: AP/Nick Ut – Hình từ trang pinterest.com) |
Nhưng cũng rõ ràng là các vấn đề của chính phủ với “nhánh thứ tư của chính quyền” (truyền thông) phần lớn là kết quả của những chia rẽ chính trị ở hậu phương, bao gồm chia rẽ chính từ bên trong chính phủ, vốn có những động lực (dynamics) của riêng nó.
Trong một khía cạnh nhất định, thứ đáng ngạc nhiên, như [cố vấn ngoại giao chính phủ Hoa Kỳ McGeorge] Bundy bình luận, chính là mức độ ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam mà báo giới và công chúng Mỹ đã thể hiện. Và rất khó để thấy được bằng cách nào, trừ việc biến chính phủ Mỹ thành một chính phủ chuyên chế, để có thể kìm nén các nghi ngờ và tranh cãi chính trị lâu hơn trong thực tế.
Có lẽ là ngay cả một sự thay đổi chính phủ sang chính phủ chuyên chế cũng không làm thay đổi kết cục. Hiện nay (năm 1986 khi cuộc chiến Afghanistan của Nga Xô đang diễn ra – ND) chúng ta vẫn chưa rõ là Nga Xô “sẽ” có “ý chí” để cương quyết duy trì đến khi họ có được một chiến thắng rõ ràng tại Afghanistan hay không, cho dù trong so sánh tương quan thì Afghanistan quan trọng với an ninh quốc phòng của Nga như thể Mexico quan trọng với chúng ta vậy, rất khác trường hợp Việt Nam.
Có lẽ bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam không phải là rất khó để một xã hội mở (open society) có thể đánh một cuộc chiến giới hạn, mà chính là rất khó để có thể đánh một cuộc chiến giới hạn với một kẻ thù vốn không coi cuộc chiến đó là giới hạn. Tôi bỏ từ “sẽ” ở trên trong ngoặc kép vì việc dùng từ này về ngụ ý gợi cho chúng ta một câu hỏi khác cơ bản hơn:
Lẽ ra Hoa Kỳ có nên cương quyết duy trì tại Đông Dương hay can thiệp vào khu vực này ngay từ đầu?
Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào một số câu hỏi khác: Hoa Kỳ có thể thắng cuộc chiến bằng mọi giá? Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia lớn đến mức nào trong kết cục của hàng loạt các xung đột chính trị ở Đông Dương? Có khả năng thỏa hiệp chính trị tới mức nào? Và cuối cùng (một câu hỏi vốn đã không ảnh hưởng đến chính sách nhưng đáng ra đã phải có ảnh hưởng), kết cục nào là tốt đẹp nhất cho người dân Đông Dương?
Quan điểm của tôi là Hoa Kỳ không thể đánh bại phía cách mạng Việt Nam, cho dù chúng ta có tiến hành chiến tranh bất kể thiệt hại cho chúng ta lẫn cho người dân Đông Dương, và Hoa Kỳ có rất ít lợi ích quốc gia tại Đông Dương khi mà sự thù địch của những người Cộng sản Việt Nam dành cho Hoa Kỳ về lâu về dài đằng nào cũng chỉ tới mức như những người Cộng sản Trung Quốc.
Tôi cũng dự là trong khi một chính phủ Cộng sản sớm có mặt tại miền Nam Việt Nam có thể đã là một chính phủ khắc nghiệt, như các chính thể cách mạng thường thế trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng cuối cùng chính phủ đó, như chính phủ Cộng sản Trung Quốc, cũng sẽ trở nên ôn hòa hơn và tiến hành một công cuộc cải cách nghiêm túc trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa, một công cuộc cải tổ có thể là đã diễn ra còn nhanh chóng hơn nếu như chính phủ Cộng sản đó đã giành được quyền lực tại miền Nam khi nó vẫn còn các gốc rễ chính trị và các liên minh miền Nam – trước khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị phá hủy [trong và sau Mậu Thân 1968] – và giành quyền lực bằng các phương tiện chính trị thay vì quân sự.
Các vấn đề này đi quá chủ đề cuốn sách này. Nhưng những gì có thể nói ở đây chính là những vấn đề này đã không hề được thảo luận nghiêm túc trong các tường thuật tin tức về cuộc chiến, không hề có tí nào trong các bài vở của New York Times trong các năm mà quyết định can thiệp tại Việt Nam được đưa ra, hay trong các bình luận tường thuật truyền hình những năm sau đó.
Những vấn đề này không được thảo luận vì những ràng buộc ý thức hệ, và chính các lề thói báo chí buộc việc đưa tin phải theo các quan điểm của Washington đã loại các vấn đề này ra khỏi nghị trình tin tức. Nhìn từ góc độ này thì các ngụ ý của việc chính phủ kiểm soát truyền thông trông có vẻ rất khác.
Không nghi ngờ gì là việc kiểm soát hình ảnh và tin tức là quan trọng trong việc thực thi quyền lực chính trị. Sau khi một nhóm các mục tiêu đã được quyết định, thì thường là có, ví dụ, một số lợi thế chiến thuật quan trọng trong việc giữ bí mật; điều này là hiển nhiên với bất kỳ ai đã tham gia các cuộc đàm phán. (Cũng có các lợi thế trong việc công khai và tỏ ra đáng tin cậy, đây chính là một nan đề của chính trị hiện đại.)
Nhưng nếu chúng ta đã học được từ [nhà triết học chính trị người Ý] Machiavelli rằng là trong tiến hành chiến tranh dối trá là hành vi quân tử thì chúng ta cũng được học từ [nhà sử học Hy lạp cổ] Thucydides rằng một bá quyền thế giới nên cẩn trọng xem xét mặt công lý và sự khôn ngoan chính trị về nghĩa rộng của những hành động của chính nó.
Chính trị không phải là môn bóng bầu dục: chiến thắng không phải là thứ duy nhất quan trọng. Việc sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan cũng quan trọng trong nghệ thuật chính trị như tính hiệu quả thực tế.
Tôi không ngu xuẩn tới mức cho rằng một quá trình chính trị mang tính cởi mở (open political process) sẽ luôn đưa đến những kết quả chính trị khôn ngoan. Có lẽ là nếu các hệ thống chính trị có thể thay đổi theo hướng có nhiều thêm sự thảo luận tích cực được duy trì về các vấn đề chính trị, và có một quá trình giáo dục chính trị rộng khắp được tiến hành, thì khả năng đó sẽ thành sự thật, ít ra là trong lúc các mâu thuẫn lợi ích chưa sắc nét. Nhưng loại dân chủ đó còn xa vời lắm.
Dù gì, trong trường hợp cuộc chiến tranh Việt Nam, có vẻ là nếu có sự cởi mở rộng hơn thì đã có thể có một quyết định tốt đẹp hơn. Những ai tưởng tượng rằng giới tinh hoa chính trị có thể quản lý đất nước tốt hơn nếu không có truyền thông và công chúng nhìn họ từ sau lưng thì nên nhìn lại cái quá trình ra quyết định của những năm đầu thập niên 60, cái quá trình đã dẫn đến sự can thiệp vào Việt Nam.
Quá trình ra quyết định ngoại giao trong giai đoạn đó cho thấy rằng một nước Mỹ trong thời bình có thể tiến gần tới mức nào đến cái chuẩn mực được cổ xúy bởi khoa học chính trị của những năm 50 và sau này lại được giới bảo thủ của những năm 70 và 80 hô hào: chuẩn mực rằng là “người dân thường nên giao quyền lực cho giới tinh hoa và để họ cai trị.”
Đúng như giới bảo thủ hay tranh luận, trong xã hội nào cũng phải có sự cân bằng giữa dân chủ và chuyên chế. Nhưng trong trường hợp chiến tranh Việt Nam, sự chuyên chế quá đà có vẻ là nguyên nhân của sự mất cân bằng hơn là sự dân chủ quá đà.”
Bìa sách “’Cuộc Chiến Không Bị Kiểm Duyệt’: Truyền Thông và Việt Nam” bản in năm 1986 – Daniel C. Hallin |
(Luật Khoa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét