Kỳ Duyên: Tự kiểm soát quyền lực có thể biến thành hiện thực không, tùy thuộc vào thái độ, lẽ sống của chính mỗi người Việt chúng ta, từ cả một hệ thống chính trị, cho đến mỗi người dân có nhìn chung về một hướng – Vì lợi ích Quốc gia trên hết. Vì sự trường tồn và hành trình đi tới văn minh và văn hóa cùng nhân loại của nước Việt.
Như tiếng gáy của con Gà trước bình minh.
Mà không thể chỉ là tiếng lục cục kiếm ăn bên cái ao và lũy tre làng!
>> Xem lại Kỳ 1: Năm 2016: Người tài- người nhà và hội chứng “củ khoai tây”
Có một chút niềm vui, vào những ngày cuối năm 2016 này, tại Hội thảo “Châu Á năm 2017” do Hội châu Á, cơ quan nghiên cứu uy tín có trụ sở tại New York tổ chức, đã đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị ở châu Á. Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cải cách kinh tế, hoàn thiện hệ thống ngân hàng và cải tổ doanh nghiệp nhà nước.
Tham nhũng quyền lực và hệ lụy kép
Đó là những thông tin và khuyến cáo đáng quan tâm, nhất là nước Việt đang phải đối phó với loại giặc “nội xâm”- tham nhũng- vừa tinh vi vừa trắng trợn nhiều năm nay. Nhưng xem chừng cuộc chiến vẫn bất phân thắng bại.
Vào Google, chỉ cần đánh cụm từ “Tham nhũng ở Việt Nam”, đã có thể thấy tới 2.270.000 kết quả trong 0,35 giây. Đủ hiểu tham nhũng rất “hoành tráng” và đang “bành trướng” đến độ nào. Với một quốc gia, câu thành ngữ nổi tiếng xưa ông cha để lại, răn dạy hậu thế lòng tự trọng và có liêm sỉ đói cho sạch rách cho thơm, thì ngày nay, tham nhũng là sự “phản biện” trâng tráo và nhơ nhuốc với các bậc tiền nhân. Nó là nỗi nhức nhối và tủi hổ của quốc gia, nếu biết rằng, năm 2015, xếp hạng mức độ tham nhũng thế giới, Việt Nam đứng thứ 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. (Lao động, ngày 27/1)
Một cựu quan chức cấp cao thốt lên chua xót: Chưa bao giờ trong lịch sử Nhà nước ta “do dân, vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”. Xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích khủng cho một số cá nhân và phe nhóm, gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế. Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, đều thấy thấp thoáng “bóng dáng” của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao (Vietimes, ngày 2/9.
Cũng chưa bao giờ, xuất phát từ thực tiễn, qua các vụ việc tiêu cực lợi ích nhóm “tìm người nhà không tìm người tài”, các vụ án tham nhũng lớn bị khởi tố, xét xử, và cả những vụ việc tham ô, ăn tiền, ăn chặn của dân từ công đường tới thôn xóm, cho thấy giặc “nội xâm” có thể phân ra thành… ba loại “đẳng cấp” cao thấp khác nhau. Những loại đẳng cấp tham nhũng này tồn tại dai dẳng khó triệt tiêu bởi nó sống được do “cộng sinh” với những khiếm khuyết, những khuyết tật của một nền quản trị quốc gia mang tính đặc thù và chưa hoàn thiện. Trong đó, “đẳng cấp” nhất là hai loại tham nhũng:
–Tham nhũng quyền lực. Đó là loại tham nhũng của những kẻ dựa trên chiếc ghế quyền lực “ban phát” chữ ký dự án, ban phát chức tước cho người nhà, cho họ hàng, phe nhóm, tạo nên những nhóm lợi ích có dây mơ rễ má ở những địa vị mầu mỡ- nơi bổng lộc, hoa hồng xum xuê tươi tốt. Tham nhũng quyền lực có thể nói là loại tham nhũng có khả năng tạo ảnh hưởng… xấu nhất hiện nay vì nó dẫn đến việc làm hư hỏng cán bộ, đẩy tổ chức vào thế khó khăn. Việc này còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng thông thường, gây ra những hậu quả khôn lường, như nhận xét của ĐBQH Lê Thanh Vân (MTG, ngày 13/12).
Trước đó, ngày 28/10, trả lời Tuần Việt Nam, khi bàn về một CP kiến tạo và phát triển, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra hệ lụy “kép” của hiện tượng nguy hiểm này: “Tham nhũng quyền lực không những chỉ gây hại bằng cách dùng quyền để tham nhũng tiền của, mà còn làm méo mó cả thiết chế nhà nước, khiến cho bộ máy nhà nước không thể có hiệu lực, hiệu quả cần thiết. Không thể có một CP kiến tạo, CP phục vụ và hành động nếu không triệt được nạn tham nhũng quyền lực”.
Nghiêm trọng hơn, tham nhũng quyền lực còn triệt tiêu toàn bộ niềm tin của nhân dân.
–Tham nhũng- lợi ích nhóm ở các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù Đổi mới cơ chế quản lý đã 30 năm, nhưng bản chất, cung cách quản lý của các DNNN ở thời kinh tế thị trường lại vẫn là tư duy xin – cho, ban phát. Mà ở đâu có xin – cho, ban phát, ở đó nảy sinh sự “đi đêm ít gặp ma”. Họ chỉ buộc phải gặp… pháp luật khi vụ việc làm ăn thất thoát lấy “lỗ làm lãi” tới hàng ngàn tỷ đồng thuế của dân bị vỡ lở. Trong khi lấy “lỗ làm lãi”, các DNNN này lại rất sức dài vai rộng về quỹ đất, vốn đầu tư, thiết bị, dây chuyền công nghệ. Có điều, giữa tiềm lực và năng lực lại tỷ lệ nghịch: Chiếm tới 60% nguồn lực, nhưng lại chỉ đóng góp được 40% GDP. Ngược lại, các DN ngoài nhà nước chỉ chiếm 40% nguồn lực nhưng lại đóng góp tới 60% tổng GDP (VietNamNet, ngày 27/12).
Cũng trong bài viết trên Tuần Việt Nam, về Chính phủ mới và các Mr. cần thayngày 04/8, người viết bài đã kiến nghị cần thay “Mr. Trách Nhiệm Tập Thể”. Bởi từ trước tới nay, bất cứ sự thua lỗ, làm ăn thất bát nào, luôn chỉ thấy “Mr. Trách Nhiệm Tập Thể” đứng ra nhận lỗi, rút kinh nghiệm sâu sắc… xấu, mà không có bất cứ quan chức nào đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân? Có “Mr. Trách Nhiệm Tập Thể” che chắn và đỡ đòn, các quan chức có trách nhiệm trở thành… vô trách nhiệm trước lợi ích cộng đồng.
Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu CP đã có một tuyên ngôn hành động mới: Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc.
Cũng hiếm có liên tiếp một hiện tượng“lạ” liên tục xảy ra ở những vụ việc nghiêm trọng: Trong 36 chước, các quan chức chọn chước “chuồn” là hơn. Nào là Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Nào là Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex). Nào là Lê Chung Dũng, khi trốn đi “du học nước ngoài” là Phó Tổng Giám đốc PV Power, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trước đó, là Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Văn Thảo… Và sắp tới là những ai ai?
Sự ổn định của tham nhũng đã dẫn đến những tổn thương lớn cho xã hội. 10 năm qua, thiệt hại do tham nhũng lên tới gần 60.000 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được hơn 4.600 tỷ (chưa được 10%), vậy nhưng nhà nước vẫn chưa có các biện pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng (GDVN, ngày 15/12).
Tham nhũng quyền lực có thể nói là loại tham nhũng có khả năng tạo ảnh hưởng… xấu nhất hiện nay
“Bình quý” và kiểm soát quyền lực
Hai năm trước đây, tại cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo: Diệt chuột nhưng đừng để vỡ bình. “Bình” đây chính là sự ổn định xã hội.
Đó là một yêu cầu cũng đồng thời là một thách thức với công cuộc phòng chống tham nhũng vào thời điểm niềm tin của người dân đã tụt đáy, còn tham nhũng vẫn đang… ổn định.
Cùng là ổn đinh, nhưng sự ổn định nơi này là cần thiết. Sự ổn định nơi kia là nguy hiểm, bởi nó gây ra không biết bao nhiêu bất ổn.
Có điều, trong thời hiện đại, việc tiếp cận với thế giới văn minh, cần hiểu sự ổn định khôn ngoan thực chất chính là kết quả của liên tục những điều chỉnh, bổ sung và đổi mới để tương thích với quy luật phát triển.
Tại Đại hội Đảng XII diễn ra tháng 1/2016, có một tham luận gây chấn động dư luận xã hội lúc đó- cũng là những kiến nghị thẳng thắn trước vận mệnh quốc gia, phát triển hay tụt hậu? Đó là kiến nghị của cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi ông cho rằng, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách.
Cấp bách có nghĩa một yêu cầu sống còn của đất nước hôm nay!
Đổi mới hệ thống chính trị thế nào để đồng bộ với đổi mới kinh tế là công việc lớn và lâu dài của cả guồng máy tổ chức. Nhưng xuất phát từ đặc điểm hệ thống chính trị nước Việt, để ngăn chặn hiện tượng giặc “nội xâm”: Lợi ích nhóm, tham nhũng với các hình thức tinh vi, và thủ đoạn cao cường, thì người viết bài tâm đắc với nhận định và kiến nghị giải pháp của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ- đó là kiểm soát quyền lực.
Đổi mới mang ý nghĩa cấp bách, sống còn với đất nước hôm nay! |
Kiểm soát quyền lực không phải là vấn đề gì mới mẻ của mọi quốc gia văn minh. Nhưng lại là một vấn đề rất khó khăn ở những quốc gia có nền quản trị đặc thù như nước Việt, vì không ai muốn vác đá tự ghè chân mình, như lời của ai đó nhìn nhận vấn đề này. Dù vậy, không kiểm soát được quyền lực, như một quy luật thực tiễn, quyền lực sẽ dễ dẫn đến tha hóa, tất yếu dẫn đến “sự sụp đổ chế độ chính trị” (nhận định của ông VNH). Bài học nhãn tiền của một nước lớn như Liên Xô từng diễn ra trong quá khứ không xa, đã được ông Vũ Ngọc Hoàng dẫn chứng trong bài viết trên Tuần Việt Nam ngày 22/9:
Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi. Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và lực lượng an ninh KGB còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi… Bản chất của vấn đề Liên Xô đổ là tự đổ, do tha hóa quyền lực mà đổ, do không thể tự đứng được nữa mà đổ, do thối nát mà đổ, chứ chẳng phải ai xô ngã được.
Và lịch sử cận đại của nước ta, theo ông Vũ Ngọc Hoàng, cũng đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà dẫn đến mất nước. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ vì tha hóa quyền lực. Triều đại sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng tha hóa tương tự, lặp lại như cũ. Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy hoàng, có công lao to lớn bậc nhất với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha hóa và sụp đổ (như nhà Lý, nhà Trần, Hậu Lê và Tây Sơn chẳng hạn).
Một CP kiến tạo và phát triển, trong sạch, liêm chính, hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một CP làm gương cho XH về vấn đề nói đi đôi với làm, dứt khoát phải là một CP kiểm soát quyền lực. Tham nhũng, lợi ích nhóm chỉ có thể bị hạn chế một khi việc kiểm soát quyền lực tốt và thực chất, nói đi đôi với làm.
Sự kiểm soát quyền lực không cần những ngôn từ đao to búa lớn, mà cần xây dựng được một thiết chế quản trị văn minh theo hướng công khai, minh bạch. Để việc kiểm soát được tài sản của mọi công dân từ quan chức tới thường dân được nắm tận gốc, và không có vùng cấm cho sự đặc quyền- đặc lợi.
Sự kiểm soát quyền lực cũng chính là xây dựng một nền tư pháp minh bạch, có chất lượng, không phải cầm tay chỉ việc và không thể tồn tại hay lẩn khuất những “đường cong mềm mại”
Sự kiểm soát quyền lực là xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, dân biết dân bàn dân kiểm tra kết hợp với việc phát triển một nền báo chí lành mạnh, có tư duy phản biện khách quan, công tâm và công bằng, góp phần điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn.
v.v… và v.v…
Nhưng sự kiểm soát quyền lực có thể biến thành hiện thực không, tùy thuộc vào thái độ, lẽ sống của chính mỗi người Việt chúng ta, từ cả một hệ thống chính trị, cho đến mỗi người dân có nhìn chung về một hướng- Vì lợi ích Quốc gia trên hết? Vì sự trường tồn và hành trình đi tới văn minh và văn hóa cùng nhân loại của nước Việt.
Như tiếng gáy của con Gà trước bình minh.
Mà không thể chỉ là tiếng lục cục kiếm ăn bên cái ao và lũy tre làng!
Kỳ Duyên
(Blog Kỳ Duyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét