Theo thông tin báo chí thấy hôm nay rộ lên chuyện Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội tuân thủ các quy định pháp luật về việc xây dựng các nhà cao tầng tại nội đô.
Xin báo cáo để Thủ tướng biết:
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 24/2015QD-UBND Hà Nội ký ngày 13/8/2015
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội và nhiều văn bản pháp lý liên quan tới việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng tại nội và ngoại thành...
Các quy định pháp luật của Hà Nội (và TP Hồ Chí Minh ) do Chủ tịch ký đã thay thế các quy định trước đó, đã quy định chi tiết, cụ thể “Mật độ xây dựng" ( diện tích công trình xây dưng/ tổng diện tích đất) và “hệ số sử dụng đất” ( Tổng diện tích sàn xây dựng/tổng số diện tích đất khuôn viên); chiều cao của khối kiến trúc của từng tuyến phố cũ của Hà Nội.
Đây là những thông số kỹ thuật để làm căn cứ cấp phép xây dựng; các thông số này đã được ghi trong giấy phép được cấp cho từng công trình.
Quy định mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất là một quy chuẩn khoa học kiến trúc-môi trường-an sinh xã hội; nó liên quan tới hàng loạt các cơ sở như: hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước, hạ tầng trường học, nhà trẻ, bệnh viện…
Thủ tướng nên Chỉ thị cho Thanh tra Chính phủ chỉ đạo đội quân Thanh tra Xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hiện đã được thành lập tới các quận có cuộc tổng kiểm tra trên địa bàn của 2 thành phố này xem: tình trạng cấp phép và thực hiện giấy phép được cấp như thế nào đối chiếu với các quy định pháp luật đã ban hành?
Thanh tra Xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm báo cáo Thanh tra Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng…
Thủ tướng không nên chỉ đạo chung chung theo lối bắn chỉ thiên mà nên giao việc cụ thể, rõ ràng, dứt khoát: Cuối năm 2017 Thanh tra Chính phủ phải có văn bản báo cao Thủ tướng tình hình vi phạm trật tự tại 2 thành phố này...
Nếu Thủ tướng thấy địa phương nào vi phạm nghiêm trọng thì phải có hình thức xử lý ký luật hành chính, hình sự để răn đe, giữ nghiêm phép nước vì trong tay Thủ tướng có công cụ nên sử dụng hết công suất…
Riêng Hà Nội, để tình trạng các công trình nội đô xây dựng bừa bãi trước đây trách nhiệm thuộc về Nguyên Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, một kiến trúc sư tốt nghiệp ở Ba Lan, có kiến thức về xây dựng mà để lộn xộn, nhiều công trình vi phạm pháp luật điển hình như khu nhà số 8 Lê Trực…
Người viết bài này đã đến xem công trình nhà số 8 Lê Trực; Bằng mắt thường cũng nhận thấy công trình cao tầng số 8 Lê Trực sai cả trong cấp phép và thi công về các thông số kỹ thuật mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất theo quy hoạch của thành phố…
Thế mà ông Nguyễn Thế Thảo về hưu vẫn nhận được Huân chương Độc lập hạng Nhất thì quả là...???
Phạm Viết Đào
(Blog Phạm Viết Đào)
Cao ốc chung cư phát triển ồ ạt ở Hà Nội những năm qua. Ảnh minh họa: Bá Đô |
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đầu tư xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội; xử lý đúng thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc sửa đổi quyết định số 11/2016, không được quy định trách nhiệm của Thủ tướng trong quyết định của UBND TP Hà Nội. UBND TP Hà Nội và Văn phòng Chính phủ được yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc trình, xử lý các hồ sơ để xử lý đúng thẩm quyền, không đẩy việc lên Thủ tướng, bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Quy định 11/2016 về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành tháng tháng 4/2016.
Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ. Nhiều quy định về tầng cao tối đa và chiều cao tối đa được nêu rõ trong Quy chế, trong đó đa số hạn chế từ 27 tầng, 97 m trở xuống; một số khu vực điểm nhấn đô thị có điều kiện riêng.
Tại Quy chế, Hà Nội chỉ cho phép xây dựng công trình cao tầng trong các trường hợp theo quy định liên quan nêu trên; trường hợp khác với các quy định liên quan đó (ngoài vị trí, vượt quá quy mô cho phép) sẽ do UBND TP báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý vấn đề gây bức xúc dư luận là công tác quản lý đô thị, các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời. Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông tại Thủ đô ngày càng trầm trọng là vì chính quyền cho phép xây dày đặc các chung cư cao tầng.
"Các đồng chí phải hiểu rằng không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào không đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông", Thủ tướng nhấn mạnh.
Xuân Hoa
(Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét